Chạy đua thi công mùa nước rút
Huổi Trẳng là thôn tái định cư vùng cao thuộc xã Tủa Thàng, bến Huổi Trẳng là điểm trung chuyển hàng hóa huyết mạch đối với người dân nơi đây. Xây dựng bến Huổi Trẳng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc thi công dự án này đối mặt với nhiều khó khăn.
Tủa Thàng là xã vùng cao, địa hình chia cắt mạnh, giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn. Từ lâu bến Huổi Trẳng, cùng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La là khu vực phát triển kinh tế chính của người dân địa phương. Với vị trí địa lý thuận lợi, bến là điểm kết nối quan trọng của xã Tủa Thàng với các vùng lân cận. Cùng với đó, đây cũng là nơi giáp ranh với 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu, việc giao thương, buôn bán, vận tải với các tỉnh lân cận cũng diễn ra thường xuyên trên bến Huổi Trẳng.

Bến Huổi Trẳng là điểm kết nối quan trọng đường thủy giữa Tủa Thàng và các vùng lân cận.
Dự án Đường giao thông bến thủy Huổi Trẳng, Huổi Só, Mường Lay được phê duyệt, triển khai với thời gian, tiến độ thực hiện từ năm 2022 - 2024, bao gồm các hạng mục: Đường giao thông xuống bến, bến số 1, bến số 2… Với mức đầu tư 30 tỷ đồng, tuy nhiên việc thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Thách thức lớn nhất trong quá trình thi công bến Huổi Trẳng là sự phụ thuộc vào mực nước của lòng hồ thủy điện Sơn La. Theo quy luật tự nhiên và vận hành của thủy điện, mực nước lên xuống theo chu kỳ nhất định. Phần nền đất để thi công bến chỉ lộ ra khi thủy điện xả nước, mực nước xuống thấp, đơn vị thi công mới có thể triển khai dự án.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ khi nước rút.
Năm 2024, mực nước không hạ nên các đơn vị thi công chỉ có thể triển khai phần phía trên, khu vực đất xây đường, bến đều ngập trong nước. Với những khó khăn đặc thù, Ban QLDA và Phát triển quỹ đất khu vực 3 đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan theo dõi, chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị, nhân công thường trực, mực nước rút tới đâu đốc thúc, khẩn trương làm tới đó.
Anh Vũ Đức Thuận, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công bến số 1 Huổi Trẳng chia sẻ: Năm 2024 thi công được rất ít, mực nước gần như không dao động nhiều so với mùa nước lên. Mùa nước rút 2025 mực nước xuống thấp hơn, hiện tại đơn vị thi công đang dồn toàn lực máy móc, thiết bị, lao động thực hiện các hạng mục của dự án, đẩy nhanh tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong điều kiện thi công dưới nước.

Đơn vị thi công tiến hành đổ kè chân khay và ốp mái đường xuống bến số 2.
Dự án xây dựng bến Huổi Trẳng không chỉ là một công trình hạ tầng giao thông quan trọng, mà còn là niềm hi vọng lớn lao của người dân Tủa Thàng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không chỉ thuận tiện trong việc vận tải, giao thương mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch, sinh thái lòng hồ cũng như quy mô đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện.

Thôn Huổi Trẳng với hơn 80 hộ dân, sinh kế chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản khu vực bến Huổi Trẳng.
Anh Tòng Văn Luyến, thôn Huổi Trẳng xã Tủa Thàng chia sẻ: Sinh kế chủ yếu của người dân thôn Huổi Trẳng là đánh bắt, nuôi trồng, buôn bán trên khu vực lòng hồ. Việc neo đậu, tháo dỡ, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn bởi xe tải không xuống quá gần khu vực neo đậu thuyền được. Cả thôn Huổi Trẳng có hơn 80 hộ, các hộ đều có từ 1 đến 2 thuyền vận tải hoặc đánh bắt. Ai cũng mong bến Huổi Trẳng sớm hoàn thành để việc di chuyển thuận tiện, bớt khó khăn, kinh tế phát triển hơn.

Người dân xã Tủa Thàng di chuyển, đánh bắt trên lòng hồ thủy điện.
Mặc dù tiến độ không đạt kỳ vọng ban đầu, nhưng việc phân tích rõ khó khăn, thách thức, đề ra các phương án triển khai cho thấy sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan. Tin rằng bến Huổi Trẳng sẽ sớm hoàn thành, mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/chay-dua-thi-cong-mua-nuoc-rut