'Chạy đua' tìm người sống sót sau trận động đất kinh hoàng ở Tây Tạng

Hôm 8/1, Reuters dẫn thông tin từ các quan chức Trung Quốc cho biết hơn 400 người mắc kẹt trong đống đổ nát ở khu tự trị Tây Tạng do động đất đã được giải cứu, nhưng vẫn còn nhiều người chưa được tìm thấy.

Tâm chấn của trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra hôm 7/1 nằm ở Tingri thuộc Tây Tạng của Trung Quốc, cách đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, khoảng 80 km (50 dặm) về phía bắc. Đây được xem là một trong những trận động đất mạnh nhất trong khu vực trong những năm gần đây. Nó cũng làm rung chuyển các tòa nhà ở các nước láng giềng Nepal, Bhutan và Ấn Độ.

Trận động đất mạnh đến mức một phần địa hình khu vực tâm chấn đã trượt tới 1,6 m trên khoảng cách 80 km, theo phân tích của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.

24 giờ sau khi trận động đất xảy ra, những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sẽ phải chịu đựng một đêm trong nhiệt độ dưới 0 độ, làm tăng thêm áp lực cho lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm những người sống sót trong một khu vực có diện tích lớn.

Nhiệt độ ở vùng cao nguyên đã giảm xuống mức âm 18 độ C chỉ sau một đêm. Những người bị mắc kẹt hoặc không có nơi trú ẩn có nguy cơ bị hạ thân nhiệt nhanh và chỉ có thể sống được từ 5 đến 10 giờ ngay cả khi không bị thương, các chuyên gia cho biết.

Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin, ít nhất 126 người đã thiệt mạng và 188 người bị thương ở phía Tây Tạng. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo ở Nepal hoặc nơi khác.

Chính quyền Trung Quốc vẫn chưa công bố có bao nhiêu người vẫn mất tích. Tại Nepal, một quan chức nói với Reuters rằng trận động đất đã phá hủy một tòa nhà trường học ở một ngôi làng gần núi Everest, nằm giữa biên giới Nepal-Tây Tạng. Không có ai ở bên trong vào thời điểm đó.

Khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi trận động đất ngày 7/1 - Ảnh: Reuters

Khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi trận động đất ngày 7/1 - Ảnh: Reuters

Nhà leo núi người Đức Jost Kobusch cho biết anh đang ở ngay phía trên trại căn cứ Everest ở phía Nepal khi trận động đất xảy ra. Lều của anh rung chuyển dữ dội và anh nhìn thấy một số trận tuyết lở đổ xuống.

"Tôi đang leo Everest vào mùa đông một mình và... có vẻ như về cơ bản tôi là người leo núi duy nhất ở đó, trong trại căn cứ không có ai cả" - Kobusch nói với Reuters trong một cuộc gọi video.

Một cuộc khảo sát ban đầu cho thấy 3.609 ngôi nhà đã bị phá hủy ở khu vực Shigatse, nơi sinh sống của 800.000 người. Hơn 1.800 nhân viên cứu hộ khẩn cấp và 1.600 binh lính đã được triển khai.

Các cảnh quay phát trên CCTV cho thấy các gia đình chen chúc trong những dãy lều xanh lam và xanh lục được binh lính và nhân viên cứu trợ nhanh chóng dựng lên tại các khu định cư xung quanh tâm chấn, nơi đã ghi nhận hàng trăm dư chấn.

Truyền thông nhà nước cho biết hơn 30.000 người bị ảnh hưởng bởi trận động đất đã được di dời.

Lực lượng cứu hộ đào bới đống xà bần để giải cứu các nạn nhân - Ảnh: Reuters

Lực lượng cứu hộ đào bới đống xà bần để giải cứu các nạn nhân - Ảnh: Reuters

Là nơi sinh sống của khoảng 60.000 người, Tingri là quận đông dân nhất của Tây Tạng trên biên giới Trung Quốc với Nepal và được quản lý từ thành phố Shigatse, nơi ở truyền thống của các nhân vật quan trọng nhất trong Phật giáo Tây Tạng.

Truyền thông nhà nước đưa tin không có thiệt hại nào được báo cáo đối với tu viện Tashilhunpo của Shigatse, được thành lập vào năm 1447 bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên.

Các vùng phía tây nam của Trung Quốc, Nepal và miền bắc Ấn Độ thường xuyên xảy ra động đất do sự va chạm của các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu, đẩy một vùng biển cổ nhô lên cao, trở thành cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng.

Hơn 500 dư chấn có cường độ lên tới 4,4 độ richter đã xảy ra sau trận động đất tính đến 7 giờ sáng ngày 8/1 (giờ VN), theo báo cáo từ Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc.

Quang cảnh thiệt hại - Ảnh: Reuters

Quang cảnh thiệt hại - Ảnh: Reuters

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/chay-dua-tim-nguoi-song-sot-sau-tran-dong-dat-kinh-hoang-o-tay-tang_172595.html