Chạy đua truy vết để dập dịch: Việt Nam xuất hiện virus biến thể từ Nam Phi

Trong đợt dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh này, gần 60 người trong Tổ Thông tin đáp ứng nhanh (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) thường xuyên quay cuồng với công việc truy vết để dập dịch nhanh nhất.

Một buổi làm việc của các tình nguyện viên của Tổ truy vết

Một buổi làm việc của các tình nguyện viên của Tổ truy vết

Nơi xâu chuỗi các mảnh ghép dịch tễ

Đây là đợt thứ 3, Tổ truy vết phải thường trực số lượng nhân lực lớn và ngày đêm tìm kiếm các nhánh nhỏ mà dịch có thể lây lan, sau hai đợt vào tháng 3 và 7/2020. “Với yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với bệnh nhân là nữ công nhân đi Nhật, làm việc tại nhà máy, tiếp xúc với nhiều người, chủng virus biến thể…, các thành viên của Tổ đã lường trước sẽ có những khó khăn của đợt này”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nói.

Khi bắt tay vào truy vết, Tổ thấy có 3 điểm đáng chú ý. Đó là các ca bệnh dương tính (F0) phát hiện ban đầu, gồm cả ca bệnh phát hiện tại Nhật Bản đều tham dự các sự kiện đông người và không đeo khẩu trang như liên hoan chia tay, liên hoan tất niên, dự đám cưới... Nữ công nhân đi Nhật Bản và BN1552 lây bệnh sau bữa liên hoan chia tay. Quy trình truy vết của Tổ bắt đầu từ nguồn tin về F1, F2 cũng như người dân khai báo. Tổ có nhóm tổng hợp và phân tích lại thông tin, bổ sung qua gọi điện phỏng vấn bệnh nhân và đưa ra chi tiết các mốc dịch tễ quan trọng. Từ đây, Tổ phối hợp các địa phương để bổ sung danh sách F1, F2. Song song với đó, thông tin này sẽ là căn cứ để gửi ngay cho Bộ Y tế những địa điểm quan trọng trong các thông báo khẩn tìm người từng tới nơi có F0.

Anh Lê Công Thành, phụ trách đội IT (công nghệ thông tin) của Tổ, ví các thông tin ban đầu như những mảnh ghép nhỏ; nhiệm vụ của Tổ là thu thập, bổ sung, phân tích và tổng hợp lại nhằm tạo ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch. Thông tin này sẽ được gửi đến Bộ Y tế, địa phương, qua đó đề xuất phương án như giãn cách, phong tỏa... tại một khu vực cụ thể.

Cao Văn Quyết, sinh viên Đại học Y Hà Nội, thuộc nhóm điều tra thông tin dịch tễ, nói: “Hiện khối lượng công việc khá nhiều do số lượng người mắc COVID-19 rất đông nhưng vẫn trong khả năng của chúng tôi. Vấn đề lớn gây khó khăn cho các thành viên của nhóm là sự hợp tác của người dân khi được phỏng vấn...”. Các tình nguyện viên, chuyên gia của Tổ truy vết đang chia nhau làm việc theo ca, ngày 3 ca (mỗi ca 8 tiếng), để làm sao mỗi phút, mỗi giây, mặt trận truy vết đều hoạt động liên tục. Bàn làm việc luôn sẵn điện thoại, máy tính, bút, giấy... để đảm bảo mọi dữ liệu dịch tễ đều được ghi lại cẩn trọng, không sai sót...

Những cuộc gọi quan trọng

Các bạn trẻ liên tục gọi điện thoại cho từng ca bệnh COVID-19 (F0) để truy vết, điều tra dịch tễ. Trong khi đó, đồng nghiệp của họ phân tích số liệu, dữ liệu tổng hợp từ các nguồn để bổ sung, vạch ra các mốc dịch tễ hay chỉ điểm chuyến bay, nhà xe, quán nước… có F0.

“Cuộc điện thoại kéo dài 6-7 phút, chị ấy lúc bấy giờ đã được chuyển cách ly điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, rất hợp tác, trả lời rành mạch tất cả câu hỏi. Từ việc ăn với ai, đi chợ nào, mua hàng ở đâu, trên đường đi làm ghé ở đâu, gửi xe chỗ nào… Điều quan trọng là bệnh nhân cung cấp thông tin về những sự kiện, địa điểm tập trung đông người đã đến”, Nguyễn Thái Bình nói về BN1552. Cô nhìn nhận sự hợp tác chia sẻ thông tin đó là cơ sở rất quan trọng để khoanh vùng, phân tích dữ liệu.

Việc gọi điện phỏng vấn bệnh nhân COVID-19 và đưa ra các mốc dịch tễ quan trọng, nhất là các sự kiện đông người (đám cưới, hội họp…), địa điểm hay phương tiện giao thông công cộng… là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổ. Đây sẽ là thông tin quan trọng để Bộ Y tế đưa ra các thông báo khẩn cho người dân. Trong 48 giờ từ khi triển khai truy vết dịch tễ ca bệnh, những người truy vết đã ghi lại các mốc dịch tễ, nhanh chóng cùng chính quyền địa phương lập danh sách F1, F2, F3 để cách ly, xét nghiệm…

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh, cho biết, trong đợt dịch này, lượng người dân là F1 khai báo (trực tiếp liên hệ y tế hoặc qua các phần mềm khai báo) hiện rất ít, chỉ chiếm khoảng 1% trong số các trường hợp F1 đã truy vết được. Cùng đó, vẫn còn khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 không hợp tác trong khai báo dịch tễ, khiến công tác truy vết mất nhiều thời gian, thậm chí bỏ lọt lượng lớn F1, F2.

Tổ truy vết được thành lập và hoạt động liên tục từ đầu năm 2020 với khoảng 200 thành viên, gồm nhiều sinh viên chuyên ngành dịch tễ học, y khoa và một số chuyên ngành khác cùng các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ.

Việt Nam xuất hiện virus biến thể từ Nam Phi

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã xác định một bệnh nhân (là chuyên gia nhập cảnh đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi. Chủng biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng đã được biết từ đầu dịch. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, biến chủng này đã lan ra hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi đó, biến chủng xuất hiện đầu tiên tại Anh đã lây nhiễm cho khoảng 80 nước, vùng lãnh thổ. Biến chủng mới phát hiện tại Brazil cũng gây bệnh cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong 2 tuần qua.

1 ngày thêm 50 ca mắc

Ngày 31/1, Bộ Y tế cho biết có thêm 50 ca mắc COVID-19, trong đó có 31 trường hợp lây trong cộng đồng và 19 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Bộ Y tế cho hay, 19 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh được cách ly tại Khánh Hòa, Bình Dương, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hôm qua, các chuyên gia hội chẩn những ca bệnh nặng đang điều trị tại Hải Dương và Quảng Ninh.

UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh này vận động công nhân lao động có quê vùng dịch ở lại Bình Dương ăn Tết. Bình Dương thống nhất dừng chương trình “Chuyến xe Xuân nghĩa tình năm 2021” . Ngoài ra, quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ Tết sớm từ ngày 1-16/2. (Thái Hà-Hương Chi)

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chay-dua-truy-vet-de-dap-dich-viet-nam-xuat-hien-virus-bien-the-tu-nam-phi-1787361.tpo