Chạy đua với bão Rai

Tại đài canh cộng đồng đặt tại nhà của ông Trần Tổng (thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), tiếng các ngư dân từ ngoài khơi điện vào cho biết: 'Còn 4 ngày nữa thì bão mới đi qua vùng này, nhưng bây giờ thì gió lớn, nước chảy, không vào kịp nữa rồi'.

BĐBP Thừa Thiên Huế kêu gọi ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn. Ảnh: Văn Chương

BĐBP Thừa Thiên Huế kêu gọi ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn. Ảnh: Văn Chương

Thiết bị giám sát hành trình giúp cho mọi người trong đất liền thấy rõ con tàu đang ở tọa độ nào, cách xa vùng ảnh hưởng của bão ra sao. Ngư dân Trần Văn Xin đưa tôi xem màn hình điện thoại, một chấm nhỏ hiện lên ở tọa độ 18 độ 63 phút vĩ độ Bắc-117 độ 30 phút kinh độ Đông (ngoài quần đảo Hoàng Sa, ngay eo của bão Rai) rồi cho biết, còn 4 chiếc co cụm, không thể chạy nổi, vì ngược gió, ngược hướng nước chảy.

“A lô, anh em chuyển kênh 8.5-14 USB sang kênh khác, vì thời tiết rất xấu nên sóng yếu, có tiếng rè rè không rõ” - ngư dân Trần Hải, thuyền trưởng tàu cá QNg 97698 TS gọi vọng về. Thuyền trưởng này cho biết, phần lớn tàu cá đều chạy vô bờ hết, nhưng có 4 chiếc với gần 40 ngư dân thì vẫn kẹt lại, chấp nhận thả neo nổi, cầu mong bão đi sượt qua chứ không đổi hướng.

Tại cửa biển Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm tàu cá đã neo chắc chắn tại nơi neo đậu. Những chiếc tàu làm nghề lưới vây rút đã thu lưới về cho ngư dân vá, đậy ca bin, tháo các thiết bị điện tử mang đi bảo dưỡng. Ngư dân Nguyễn Văn Minh cho biết, nghe nói ngư dân Quảng Ngãi vẫn đang chạy né bão ngoài biển thì thật đáng nể, vì mùa này đi biển thì khá mạo hiểm.

Đài canh của ngư dân Trần Tổng ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi đang liên lạc với 4 tàu cá bị mắc kẹt tại tọa độ 18 độ, 63 phút vĩ độ Bắc-117 độ 30 phút kinh độ Đông. Ảnh: Văn Chương

Đài canh của ngư dân Trần Tổng ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi đang liên lạc với 4 tàu cá bị mắc kẹt tại tọa độ 18 độ, 63 phút vĩ độ Bắc-117 độ 30 phút kinh độ Đông. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân Trần Hò, cán bộ Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang cho biết, ngư dân ở địa phương đã thu xếp, tạm dừng hành nghề hơn nửa tháng rồi, vì vậy không còn tàu chạy tránh bão ngoài biển như ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.

Tại các địa phương dọc vùng biển Quảng Ngãi, các điểm từng liên tục bị sóng tấn công gây sạt lở như xã Nghĩa An, Bình Thuận, Bình Hải, người dân khẩn trương lo di chuyển đồ đạc, che chắn nhà cửa đề phòng sóng ập sâu vào đất liền. Thôn An Cường, xã Bình Hải là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong cuối năm 2020, gây ảnh hưởng đến 70 hộ dân, 200 nhân khẩu.

Tại cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hàng trăm chiếc tàu nối thành từng hàng dài, neo chặt vào 2 bên bờ, đề phòng nước sông Trà Bồng xuống sẽ cuốn trôi tàu ra cửa biển. Ngư dân Nguyễn Văn Khanh cho biết, chiều ngày 16-12, có khoảng 70 tàu đánh cá làm nghề lưới rút, lưới ru ở thôn Phước Thiện đã chạy ra tận cửa biển Sa Cần để neo tránh trú bão, nhìn chung bà con lo xa nên không còn tàu nào ra biển đánh bắt và ngư dân chỉ việc lo tát nước bảo vệ tàu khi bão Rai ập vào đất liền.

Ngư dân Trần Văn Xin cho biết, vệt hiển thị là hướng hành trình chạy tránh bão của 4 tàu cá và cầu mong bão không đổi hướng. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân Trần Văn Xin cho biết, vệt hiển thị là hướng hành trình chạy tránh bão của 4 tàu cá và cầu mong bão không đổi hướng. Ảnh: Văn Chương

Về vấn đề ngăn triều cường gây sạt lở, nỗi lo lắng nhất của ngư dân vùng bãi ngang thôn Phước Thiện đã trôi qua. Đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở với tổng kinh phí 100 tỷ đồng để xây dựng tuyến kè dài hơn 1,3 km (tuyến kè thôn Phước Thiện dài hơn 900 m và tuyến kè thôn An Cường dài hơn 486 m). Trước đó, người dân làng chài luôn sống trong lo sợ, vì sóng biển mỗi ngày lại tiến sâu vào làng từ sau cơn bão số 9 năm 2020.

Thông tin bão Rai liên tục cập nhật, khiến các làng chài ở dọc tỉnh miền Trung diễn ra gấp gáp. Đại tá Lương Ngọc Chinh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bình Định cho biết, trước tình hình bão Rai diễn biến phức tạp, đơn vị đã triển khai tăng cường cán bộ xuống địa bàn; các đồn, trạm có mặt tại các điểm xung yếu để hỗ trợ bà con nhân dân, ngư dân neo đậu tàu thuyền, chèn chống nhà cửa, nắm sát tình hình, sẵn sàng hỗ trợ nhân dân khi có tình huống xảy ra.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chay-dua-voi-bao-rai-post446432.html