Chạy đua với thời gian cùng lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31
Trong hàng loạt vấn đề liên quan đến công tác tổ chức SEA Games 31, lễ khai mạc và bế mạc được xem là những điểm nhấn, làm rõ vai trò của nước chủ nhà. Dù vậy, hiện tại, công tác triển khai lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31 vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi. Đương nhiên, những người có trách nhiệm sẽ phải chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ này.
Chậm nhiều hạng mục
Trong công tác tổ chức SEA Games 31, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng lực lượng HLV, VĐV tham dự cũng như chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất thì các vấn đề như xây dựng, triển khai thực hiện kịch bản lễ khai mạc và bế mạc, công bố logo, linh vật, bài hát... cũng được xem trọng.
Chỉ riêng mảng việc này, đến nay đều đã không kịp tiến độ như thông lệ. Chỉ riêng việc công bố logo, linh vật, bài hát chính thức của SEA Games cũng đã bị chậm đến cả năm. Theo thông lệ, ngay khi nhận cờ đăng cai SEA Games, nước chủ nhà đã phải công bố linh vật, logo và cả bài hát cho Đại hội. Tuy nhiên, phải gần 1 năm sau khi nhận cờ đăng cai SEA Games 31, nước chủ nhà Việt Nam mới có thể công bố linh vật, logo của SEA Games 31.
Trong khi đó, bài hát chính thức của SEA Games 31 vẫn chưa được công bố chính thức. Ngành Thể thao đã tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát cho SEA Games 31 trong đó bài "Cùng khắc tên mình vào núi sông" của tác giả Lê Xuân Đức, do ca sĩ Quang Dũng trình bày, được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên bài hát nói trên vẫn chưa được lựa chọn chính thức. Thậm chí, ngành Thể thao đã tính tới phương án đặt hàng sáng tác bài hát cho SEA Games 31 trong trường hợp bài "Cùng khắc tên mình vào núi sông" không được lựa chọn.
Trong khi đó, đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi. Một trong những lý do được lãnh đạo Tổng cục TDTT nêu ra là những khó khăn do dịch COVID-19 mang lại, khiến nhiều mảng việc bị đình trệ. Trong khi đó, phía Ban tổ chức SEA Games 31 muốn giao mảng việc này cho đơn vị đăng cai chính là Hà Nội.
Thực tế, cách đây 18 năm, khi là đơn vị đăng cai chính SEA Games 22, Hà Nội đã tạo nên một lễ khai mạc được đánh giá là hoành tráng, gây ấn tượng tốt đẹp với các nước tham dự và giới thiệu được trọn vẹn lịch sử, văn hóa cũng như hành trình vươn lên, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Còn trước SEA Games 31 khoảng 9 tháng, chính xác là nhân buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội về công tác chuẩn bị cho SEA Games vào đầu tháng 3 này, lãnh đạo Tổng cục TDTT mới đặt vấn đề về việc giao Hà Nội phụ trách lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31 cũng như ASEAN Para Games 11.
Thời điểm Tổng cục TDTT đưa ra đề nghị này cũng là lúc thành phố Hà Nội đã kiện toàn xong các chức danh lãnh đạo thành phố và Sở VH-TT Hà Nội. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để triển khai công tác tổ chức khai mạc, bế mạc SEA Games 31.
Tiếp tục chạy đua với thời gian
Tại cuộc làm việc trên, phía Hà Nội đã sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ tổ chức lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31. Trong khi đó, việc tổ chức lễ khai mạc, bế mạc ASEAN Para Games 11 là đương nhiên khi cả 11 môn thi đấu của Đại hội đều diễn ra tại Hà Nội.
Vấn đề là khoảng thời gian từ nay đến SEA Games 31 để tổ chức thực hiện lễ khai mạc, bế mạc SEA Games là không nhiều. Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trần Thế Cương cho hay, thường thì trước 1 năm đã phải bắt tay thực hiện các đầu việc cho khâu tổ chức lễ khai mạc, bế mạc SEA Games. Còn hiện tại, quỹ thời gian chỉ có hơn 9 tháng nên Hà Nội sẽ phải chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Với trách nhiệm của mình, Hà Nội sẽ cố gắng đáp ứng các tiêu chí.
Còn như nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Nguyễn Đình Lân - người đóng vai trò chính trong việc tham gia điều hành, tổ chức lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 22 năm 2003 kể lại thì dù đã chuẩn bị trước cả năm song đến ngày trước ngày khai mạc SEA Games 22, đội ngũ thực hiện vẫn còn phải bám ngày bám đêm địa điểm diễn ra sự kiện. Khi đó, những người tham gia điều hành, tổ chức cùng khoảng 4.000 diễn viên chuyên và không chuyên đều làm việc cật lực mới có thể tạo nên một lễ khai mạc SEA Games được đánh giá cao như vậy. Tất cả cho thấy, để tổ chức một lễ khai mạc hay bế mạc SEA Games thực sự gây ấn tượng sẽ kỳ công, vất vả như thế nào.
Tất nhiên, sẽ không có chuyện Hà Nội sẽ không thực hiện trọn vẹn được nhiệm vụ tổ chức lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31 bởi đến ngày, đến giờ là lễ khai mạc, bế mạc vẫn diễn ra. Vấn đề chỉ là chất lượng của các buổi lễ sẽ như thế nào để chinh phục người xem, để tất cả cảm nhận được sự chu đáo của nước chủ nhà với sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ở đây, cũng phải làm rõ việc tổ chức lễ khai mạc, bế mạc SEA Games như thế nào sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt của đất nước đăng cai. Thế nên, áp lực cho những người thực hiện sẽ rất lớn. Trong khi đó, hàng loạt đầu việc như viết kịch bản cho hai buổi lễ, huy động người tham gia trình diễn, ráp nối các bộ phận tham gia... thực sự không đơn giản, cần sớm bắt tay thực hiện.
Không kể, thành phố còn một khối lượng công việc đồ sộ về đầu tư sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu SEA Games 31, ASEAN Para Games 11, chuẩn bị về lực lượng HLV, VĐV; khâu y tế phòng, chống dịch COVID-19 khi diễn ra Đại hội...
Vì thế, dù SEA Games 31 còn khoảng hơn 9 tháng nữa là đến ngày khai mạc (ngày 22/11/2021) nhưng từ bây giờ đã cảm nhận rõ hơi nóng của thời gian đối với những người có trách nhiệm thực hiện lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31. Chẳng còn cách nào khác ngoài việc chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ không hề đơn giản này.
Tin tưởng vào Hà Nội
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định rằng hoàn toàn tin tưởng Hà Nội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức khai mạc, bế mạc SEA Games 31.
Theo ông Trần Đức Phấn, Hà Nội có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện lớn nên dù quỹ thời gian cho việc tổ chức thực hiện khai mạc, bế mạc SEA Games 31 có gấp gáp thì cũng sẽ đáp ứng yêu cầu, trong đó có việc quảng bá những hình ảnh, thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực của Việt Nam với bạn bè quốc tế.