Chạy đua với tử thần cứu ngư dân gặp nạn
Mới đây, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam liên tiếp nhận tin các tàu cá gặp nạn ngoài khơi.
Mới đây, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) nhận được thông tin tại khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa có 2 tàu cá Quảng Nam bị chìm khi đang hoạt động trên biển.
Tàu cá QNa 90129 TS do ông Lương Văn Viên (47 tuổi, ở Tam Giang, H.Núi Thành) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động, đang hoạt động tại tọa độ 13 độ 37 phút Vĩ độ Bắc-114 độ 33 phút Kinh độ Đông (cách Đông Bắc Nha Trang 315 hải lý, cách đảo Song Tử Tây, QĐ Trường Sa khoảng 125 hải lý về hướng Bắc - Đông Bắc) thì bị lốc xoáy làm chìm tàu vào lúc 19h30 ngày 16/10. Tàu bạn hoạt động gần khu vực tàu chìm đã cứu sống 40 ngư dân, phát hiện 2 thi thể, hiện còn 12 ngư dân mất tích.
Tàu cá QNa 90927 TS do ông Trần Công Trường (42 tuổi, ở xã Tam Giang) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 38 ngư dân, đang hoạt động tại tọa độ 13 độ 32 phút Vĩ độ Bắc, 113 độ 27 phút Kinh độ Đông (cách Quy Nhơn khoảng 240 hải lý về hướng Đông - Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc - Tây Bắc) thì bị sóng đánh chìm. Tàu cá QNa- 91782 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 37 ngư dân trên tàu cá QNa 90927 TS, còn 1 ngư dân mất tích.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm phối hợp với Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng phát thông báo hàng hải khẩn cấp, huy động tàu thuyền tại chỗ hành trình đến hỗ trợ tàu cá bị nạn.
Vị trí hai tàu gặp nạn nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có nhiều tàu vận tải nước ngoài hành trình qua lại. Trung tâm đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tìm kiếm tàu qua các tín hiệu vệ tinh.
Đến 15h ngày 17/10 đã trực tiếp liên hệ 6 tàu hàng quốc tế cỡ lớn và gửi thông tin báo nạn cho hàng chục tàu khác tham gia hỗ trợ tìm kiếm. Ngoài ra, nhóm tàu cá tại hiện trường cũng được huy động tìm kiếm theo kế hoạch.
Đến 19h ngày 17/10, lực lượng tại hiện trường đã cứu sống 77 ngư dân từ 2 tàu cá QNa 90129 TS và QNa 90927 TS.
Tương tự, vào hồi 19h ngày 29/10/2023, tàu cá QNg 98308 TS đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa tại vị trí 15º52’N – 113º12’E (cách đảo Bombay, quần đảo Hoàng Sa khoảng 40 hải lý về phía Đông), thuyền viên Nguyễn Văn Chì bất ngờ bị choáng váng, không cử động được và bất tỉnh.
Nhận thấy tình hình nguy hiểm của thuyền viên Chì, thuyền trưởng Huỳnh Văn Định đã liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam yêu cầu được hỗ trợ khẩn cấp.
Nhận thông tin báo nạn từ tàu QNg 98308 TS lúc 6h30 ngày 30/10, Trung tâm đã yêu cầu tàu lập tức ngưng hành nghề, chuyển hướng hành trình về đất liền, đồng thời phối hợp thông tin với Trung tâm cấp cứu 115 của thành phố Đà Nẵng để tư vấn y tế cho tàu.
Qua quá trình tư vấn y tế, các y bác sỹ chẩn đoán thuyền viên Chì bị đột quỵ não, tiên lượng nặng, do vậy nạn nhân cần phải được được khẩn trương cấp cứu, nếu chậm trễ có thể xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Trước tình trạng nguy kịch của thuyền viên Chì, tàu QNg 98308 TS đang ở quá xa đất liền, tốc độ di chuyển chậm do điều kiện thời tiết bất lợi; thực hiện chỉ đạo khẩn trương của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày, Trung tâm đã điều động tàu SAR 412 lập tức rời cầu thực hiện nhiệm vụ cứu nạn thuyền viên tàu QNg 98308 TS.
Để kịp thời xử lý ca bệnh nghiêm trọng, Trung tâm đã yêu cầu Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Đà Nẵng cử ê kíp y tế cùng trang thiết bị đi theo tàu SAR 412 để thực hiện nhiệm vụ.
Bằng tốc độ hành trình nhanh nhất, lúc 1h15’ ngày 31/10, lực lượng cứu nạn hàng hải đã tiếp cận được tàu QNg 98308 TS, đội ngũ y bác sỹ cùng nhân viên cứu nạn lên tàu QNg 98308 TS thực hiện cấp cứu nạn nhân tại chỗ.
Tình trạng bệnh nhân lúc này đã mất ý thức, liệt nửa người và được các y bác sỹ thực hiện cấp cứu để ổn định tình trạng. Thuyền viên bị nạn nhanh chóng được chuyển lên tàu SAR 412 để được chăm sóc y tế và khẩn trương đưa về đất liền điều trị.
Đến 12h 9’ ngày 31/10, bệnh nhân Nguyễn Văn Chì của tàu QNg 98308 TS đã được đưa về đến Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng, Trung tâm cấp cứu thành phố Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân và đưa vào bệnh viện để điều trị.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của lực lượng tìm kiếm cứu nạn và sự tận tình cứu chữa của đội ngũ y bác sỹ, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, bảo toàn được tính mạng.
Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, hiện ngành Hàng hải đang có hệ thống thông tin duyên hải hiện đại và được Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ trang bị cho một hệ thống dự báo và xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn.
Với hệ thống này, Trung tâm có thể xác định được các phương tiện hoạt động tại các vùng có xảy ra tai nạn.
Vì thế ngoài việc huy động tàu chuyên dụng đi cứu nạn, Trung tâm còn huy động các lực lượng tại chỗ tham gia cứu nạn. Ví dụ có những tai nạn xảy ra ngoài khơi, cách bờ biển 200-300 hải lý, trên cơ sở hệ thống thông tin liên lạc Trung tâm có thể xác định tại khu vực đó có tàu thuyền nào đang hoạt động, từ đó yêu cầu các tàu thuyền tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Đây là phương thức mới áp dụng khoa học công nghệ trong tìm kiếm cứu nạn, phù hợp với thời đại 4.0 hiện nay.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chay-dua-voi-tu-than-cuu-ngu-dan-gap-nan-2220438.html