Chạy đua vũ trang ở Bắc Cực, Nga tung chim sắt có 'mắt thần', phát hiện được mục tiêu xa hàng trăm km

Mới đây, lực lượng không quân-vũ trụ Nga đã triển khai đội máy bay cảnh báo sớm, hay còn gọi là những radar bay A-50U có 'mắt thần' phát hiện mục tiêu ở cự ly hàng trăm km tới Bắc Cực.

Từ tháng 4/2017, hai chiếc máy bay A-50U thường xuyên trực chiến tại căn cứ quân sự Khmeimim của Nga ở Syria. (Nguồn: Sputnik)

Từ tháng 4/2017, hai chiếc máy bay A-50U thường xuyên trực chiến tại căn cứ quân sự Khmeimim của Nga ở Syria. (Nguồn: Sputnik)

Bắc Cực không chỉ là khu vực có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng về quân sự mà còn là nơi mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Liên bang Nga.

Ngay từ những năm 1960-1970, Mỹ đã từng lên kế hoạch “Ngọn giáo khổng lồ”, trong đó Washington có thể dùng máy bay ném bom chiến lược để tấn công Liên Xô qua Bắc Cực.

Kế hoạch này sau đó được thay bằng tên lửa hành trình khi Mỹ muốn thực hiện cuộc tấn công mà không cần tiếp cận Bắc Cực để không lọt vào hệ thống phòng không của Liên Xô.

Đánh giá được ý nghĩa chiến lược của khu vực Bắc Cực, lực lượng không quân-vũ trụ của Nga mới đây đã triển khai đội máy bay cảnh báo sớm, hay còn gọi là những radar bay A-50U tới Bắc Cực.

Trước đó hồi tháng 3, các máy bay này đã có màn trình diễn ấn tượng tại cuộc tập trận Umka-2021.

Máy bay A-50U có thể phát hiện tất cả các mục tiêu trên không ở cự ly hàng trăm km, từ tên lửa đạn đạo, thiết bị siêu thanh đến thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình.

A-50U góp phần đáng kể vào công tác đảm bảo an ninh và phòng thủ trên tuyến biên giới phía Bắc của xứ sở bạch dương.

Theo một thông báo mới đây của Bộ Quốc phòng Nga, máy bay cảnh báo sớm A-50U sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tuyến đường biển phía Bắc và vùng Bắc Cực, theo dõi không phận Bắc Cực, trong trường hợp cần thiết có thể tham gia công tác cứu hộ cứu nạn.

Máy bay A-50U còn được gọi là sở chỉ huy bay vì nó được trang bị hệ thống radar có công suất lớn. Từ những dữ liệu thu được, A-50U sẽ truyền lệnh tới các máy bay tiêm kích, trong đó nêu rõ tọa độ của mục tiêu ở thời điểm phát hiện.

Ngoài máy bay tiêm kích, hệ thống phòng không mặt đất cũng có thể nhận được dữ liệu từ A-50U.

Từ tháng 4/2017, 2 chiếc A-50U thường xuyên trực chiến tại căn cứ quân sự Khmeimim của Nga ở Syria.

Phiên bản máy bay A-50U được nâng cấp từ mẫu A-50. Máy bay A-50 được phát triển từ thời Liên Xô, dựa trên nền tảng máy bay IL-76, sau nhiều đợt nâng cấp A-50 mới có được A-50U.

So với A-50 thì A-50U có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu hơn. A-50U có thể phát hiện máy bay ném bom của đối phương ở cự ly trên 600km, phát hiện tên lửa hành trình trên 215 km.

Ngoài ra, máy bay A-50U có thể độc lập phát hiện mục tiêu trên không cho máy bay tiêm kích, phát hiện các mục tiêu trên bộ, trên biển cho các máy bay cấp chiến dịch chiến thuật, sau đó truyền thông tin về sở chỉ huy.

Động cơ của A-50U tiết kiệm năng lượng hơn động cơ A-50, vì vậy, thời gian bay của A-50U dài hơn.

Theo cựu sĩ quan phòng không kiêm chuyên gia quân sự Vladislac Shurygin: “Từ năm 1980 trở về trước, do ít chú trọng đến máy bay cảnh báo sớm, Liên Xô tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực này. Từ năm 1980 trở lại đây, tình hình đã thay đổi, phiên bản A-50U được đánh giá là khá hoàn hảo”.

Được biết, phiên bản A-50U được trang bị cho Lực lượng không quân-vũ trụ Nga từ năm 2011.

Ngoài nhiệm vụ nâng cấp các mẫu đã có, Moscow còn đang phát triển mẫu hoàn toàn mới, đó là máy bay cảnh báo sớm A-100 “Premier”. Phiên bản A-100 “Premier” được trang bị radar mảng pha điện tử với nhiều đặc tính kỹ thuật vượt trội so với những mẫu trước đó.

(theo Iz.ru)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chay-dua-vu-trang-o-bac-cuc-nga-tung-chim-sat-co-mat-than-phat-hien-duoc-muc-tieu-xa-hang-tram-km-152925.html