'Cháy' lao động nội tỉnh, doanh nghiệp đôn đáo ngược xuôi tuyển người

Những ngày qua, số ca F0 tại các địa phương tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng; một số công ty có nguy cơ gián đoạn sản xuất do không có công nhân. Để bù đắp số lượng lao động phải nghỉ làm do mắc Covid-19, nhiều doanh nghiệp đôn đáo tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí nhằm nỗ lực đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đơn hàng đã ký kết với đối tác.

Lao động vào làm trong các doanh nghiệp thời điểm này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng

Lao động vào làm trong các doanh nghiệp thời điểm này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng

Hiện nay, huyện Bình Xuyên có 5 KCN lớn là KCN Bình Xuyên, KCN Bình Xuyên II, KCN Bá Thiện, KCN Bá Thiện II và KCN Thăng Long với tổng số khoảng 80.000 lao động. Theo số liệu báo cáo của BQL các Khu công nghiệp tỉnh, có ngày, tại 5 KCN này ghi nhận hàng trăm công nhân mắc Covid-19. Trong đó, những địa bàn ghi nhận nhiều số lao động mắc Covid-19 là KCN Bình Xuyên, Bá Thiện, Bá Thiện II…

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cấp tốc đăng thông báo tuyển dụng hàng trăm lao động. Tuy nhiên, do “cháy” lao động nội tỉnh, nhiều doanh nghiệp phải thuê bên cung ứng lao động để hỗ trợ tuyển dụng công nhân. Để đảm bảo “đơn hàng” cho doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng lao động phải tăng cường “săn” lao động ngoại tỉnh đưa vào công ty làm việc thời vụ.

Chị Nguyễn Thùy Linh, một cộng tác viên cung ứng lao động ở huyện Bình Xuyên cho biết: “Những năm gần đây, nguồn lao động địa phương rất khan hiếm, bởi phần lớn họ đều đã có chỗ làm ổn định nên doanh nghiệp phải thông qua khâu trung gian hỗ trợ tìm nguồn lao động ngoại tỉnh. Thời điểm này, tôi đang cần tuyển dụng “đơn hàng” khoảng 300 lao động cho các doanh nghiệp ở KCN Bá Thiện, Khai Quang nhưng mới đạt 1/3 chỉ tiêu. Chủ yếu lao động được tuyển từ các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La…”.

Theo một số cộng tác viên chuyên cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, để có “mối” lao động ngoại tỉnh, trước đó, họ thường xuyên tổ chức những đợt từ thiện lên vùng cao. Thông qua chương trình, các cộng tác viên này sẽ khai thác nguồn lao động tại chỗ ở các khu vực và đón họ xuống Vĩnh Phúc làm việc.

Tuy nhiên, thời điểm này, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều lao động ngoại tỉnh không mặn mà đi làm dù được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tìm phòng trọ, hỗ trợ tiền nhà trọ tháng đầu tiên cho nhóm từ 4-6 người, hỗ trợ ứng lương sau 7-10 ngày làm việc… khiến việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn.

Cũng do tình trạng khan hiếm lao động, một số doanh nghiệp buộc phải nới lỏng các điều kiện tuyển dụng như tiếp nhận công nhân từ 16-40 tuổi, không yêu cầu trình độ, hỗ trợ ăn 2 bữa tại công ty và cam kết đảm bảo thu nhập từ 7-12 triệu đồng…

Bà Tạ Thị Ánh, Trưởng Phòng Hành chính Công ty TNHH Jahwa Vina, Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Đến nay, công ty có hơn 300 F0, F1 phải cách ly, điều trị nên một số xưởng sản xuất linh kiện điện tử rất thiếu người. Giải pháp duy trì sản xuất hiện đang được công ty áp dụng là tăng ca và xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động trong thời gian tới”.

Cũng theo bà Ánh, nếu công ty tự tuyển dụng được lao động thì không mất nhiều chi phí. Trường hợp khó khăn sẽ phải thuê bên cung ứng để họ tuyển dụng các lao động ngoại tỉnh về làm. Dù chi chí thuê đơn vị cung ứng có đắt đỏ hơn nhưng đáp ứng nguồn cũng như chất lượng lao động.

Do nhu cầu tuyển dụng tăng cao nên nhiều doanh nghiệp không chú trọng lấy lao động chính thức hay thời vụ, miễn là có người làm để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất theo kế hoạch. Cũng để khuyến khích người lao động kết nối thêm công nhân, nhiều đơn vị tuyển dụng có chính sách hỗ trợ tìm nhà ở cho các nhóm lao động từ 4-6 người; hỗ trợ chi phí test Covid-19 để lao động ngoại tỉnh yên tâm vào làm việc.

Anh Phạm Văn Tùng, một cộng tác viên cung ứng lao động ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Hiện nay, một số doanh nghiệp yêu cầu lao động vào làm phải tiêm đủ 3 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm Covid-19 PCR âm tính, tuyển nam nữ theo cặp... điều này rất khó khăn trong tuyển dụng bởi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở một số tỉnh vùng cao thấp hơn tỉnh ta".

Cũng theo anh Tùng, việc tìm nhà trọ cho các công nhân ngoại tỉnh hiện nay cũng rất khó, bởi phần lớn chỗ ở gần các khu công nghiệp cơ bản đã lấp đầy. Trong khi phương án tổ chức xe đưa đón công nhân đi/về hằng ngày nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được.

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, giải pháp cốt lõi mà các doanh nghiệp đang áp dụng là tăng ca đối với các tổ, đội để đảm bảo tiến độ sản xuất theo kế hoạch; thắt chặt công tác phòng dịch nhằm hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong các đơn vị sản xuất trực tiếp.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, các sở, ngành chức năng đã tăng cường các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh, thành phố lân cận để kết nối người lao động cần việc với doanh nghiệp cần người.

Tuy nhiên, việc số F0 là công nhân tăng cao thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn chủ quan, lơ là trong thực hiện tầm soát Covid-19. Để chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh, áp dụng các biện pháp giảm nguồn lây, tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở Công thương kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở trong thực hiện công tác phòng, chống dịch; chủ động xem xét, xử lý đối với các cơ sở vi phạm trong công tác phòng, chống dịch…

Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74301/%E2%80%9Cchay%E2%80%9D-lao-dong-noi-tinh-doanh-nghiep-don-dao-nguoc-xuoi-tuyen-nguoi.html