Cháy mãi một niềm đam mê múa

Có dịp xem diễn viên, biên đạo múa Kim Chi trình diễn, mới thấy được hết tâm huyết của một người làm nghệ thuật. Trên sân khấu rạng rỡ, lộng lẫy một như một bông hoa rồi lại lặng lẽ sau cánh gà thu dọn đạo cụ diễn là những mảng màu đối lập của một đời biên đạo múa.

Chân dung biên đạo múa Kim Chi.

Chân dung biên đạo múa Kim Chi.

“Những lần tham gia hội diễn với các tỉnh, thành khác xung quanh toàn biên đạo múa nam, có mỗi mình chị là nữ, nhìn vậy chứ nghề này cực lắm, nữ khó theo đuổi và bám trụ”- biên đạo múa Kim Chi (tên thật là Nguyễn Thị Tư, sinh năm 1980, TP. Tây Ninh) tâm sự.

Nhiều cái khó và cũng lắm cực nhọc, vậy mà thấm thoát đó cũng đã hơn 20 năm chị Kim Chi gắn bó với nghiệp múa. Đối với chị, múa đã trở thành hơi thở, điều không thể thiếu trong cuộc sống.

Người làm biên đạo múa ở Tây Ninh không nhiều, biên đạo múa nữ thì lại càng hiếm hoi. Nói đến biên đạo múa Kim Chi, hầu như dân làm nghệ thuật ai cũng quen mặt. Dù đã gặt hái những thành công nhất định, song chưa bao giờ chị cảm thấy tự mãn. Trên con đường nghệ thuật lúc nào chị cũng tâm niệm phía trước luôn là những thử thách cần chinh phục bằng sự sáng tạo, tâm huyết và khổ luyện.

Đến với múa từ năm 18, đôi mươi, Kim Chi may mắn được thầy Đức Quang dìu dắt và truyền lửa nghề. Những năm tháng tham gia vũ đoàn Nắng Mai của thầy giúp chị có cơ hội rèn luyện. Ngay từ những ngày đầu theo học múa, chị ý thức rõ nghề này đòi hỏi sự khổ luyện, những buổi tập dù có gặp không ít chấn thương vẫn không ngăn cản được đam mê, tình yêu đối với múa.

Để có được thành công với nghề, chị Kim Chi dành không ít công sức khổ luyện.

Để có được thành công với nghề, chị Kim Chi dành không ít công sức khổ luyện.

Để trau dồi thêm kiến thức về múa, chị rời quê lên TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội biểu diễn, vừa học vừa làm tại một số trung tâm biểu diễn nghệ thuật từ đó kỹ thuật múa cũng dần được nâng cao.

Từng cộng tác tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, với vai trò biên đạo múa, chị tham gia dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Chị cũng không ngừng phát huy sở trường, thế mạnh trong việc khai thác chất liệu múa dân gian để sáng tạo, dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn sân khấu vừa mang đặc trưng của nghệ thuật múa dân gian, vừa toát lên hơi thở, nhịp điệu cuộc sống hiện đại.

Chị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch và nhận được bằng khen, giấy khen của UBND các cấp. Ngoài ra, chị còn dàn dựng nhiều chương trình cho các đơn vị như: Công ty Điện lực, Vietinbank, Vietcombank, Bảo hiểm xã hội, Xổ số kiến thiết… tham gia các hội diễn của ngành và đạt thành tích cao. Trong đó, có thể kể đến một số tác phẩm của biên đạo múa Kim Chi để lại dấu ấn như: Ký ức chống dịch, Bánh tráng quê hay Những bông hoa trong tuyến lửa…

Biên đạo múa Kim Chi- người kế thừa, phát huy loại hình múa mâm vàng.

Biên đạo múa Kim Chi- người kế thừa, phát huy loại hình múa mâm vàng.

Nói đến biên đạo múa Kim Chi, người ta còn nghĩ đến những màn trình diễn múa mâm vàng độc đáo. Chị đã góp phần đưa một loại hình diễn xướng dân gian trình diễn trên sân khấu. Được tiếp xúc và rèn luyện với múa mâm vàng từ rất sớm, những động tác uyển chuyển, điêu luyện với những kỹ thuật khó như lật mâm, chuyền mâm được chị biểu diễn một cách thuần thục, đầy điệu nghệ mà khó có diễn viên múa nào có thể làm được.

Trải qua bao thăng trầm trong nghề, điều có thể níu chân biên đạo múa Kim Chi với múa đến ngày hôm nay chính là đam mê. Với mỗi tác phẩm, chị luôn bỏ hết tâm huyết vào đấy, suy nghĩ phải làm sao cho thật hay, thật chỉn chu. Cởi mở ngoài đời nhưng với công việc chị là người cầu toàn và kỹ tính, chị quan niệm lao động nghệ thuật là phải nghiêm túc, phải “đổ mồ hôi”.

“Chị mê múa lắm, có đam mê mới chịu khó ngồi chăm chút làm từng cành hoa, từng món đạo cụ. Chị muốn thấy diễn viên của mình lên sân khấu là phải đẹp, phải rực rỡ. Nhìn tiết mục mình bỏ công biên đạo, tập luyện biểu diễn thành công, thực sự vui và hạnh phúc”- biên đạo múa Kim Chi bộc bạch.

Tinh thần trách nhiệm với nghề, sự chăm chút, tỉ mỉ từng động tác múa nên những tiết mục của do biên đạo múa Kim Chi dàn dựng luôn để lại dấu ấn riêng trong tâm trí người xem.

Qua mỗi lần lưu diễn khắp các vùng quê trong tỉnh và ở cả những chương trình nghệ thuật lớn, sự động viên, món quà tinh thần lớn nhất mà biên đạo múa Kim Chi nhận được chính là sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Những khoảnh khắc đó, hun đúc thêm ngọn lửa yêu nghề để chị càng nỗ lực sáng tạo những tác phẩm chất lượng phục vụ đời sống tinh thần của người dân.

Sau cánh gà sân khấu, biên đạo múa Kim Chi là một người gần gũi, thân thiện.

Sau cánh gà sân khấu, biên đạo múa Kim Chi là một người gần gũi, thân thiện.

Trải qua bao thăng trầm với nghề, điều biên đạo múa Kim Chi hay những anh, chị em trong ngành múa luôn băn khoăn, canh cánh trong lòng chính là đất diễn, sân khấu cho múa tại Tây Ninh hay chi phí đầu tư cho những chương trình nghệ thuật vẫn còn khá khiêm tốn.

“Để có một tiết mục múa bài bản, chất lượng thì cần một chi phí hợp lý, đầu tư từ trang phục, đạo cụ, phối hợp hình ảnh led, đèn, khói, diễn viên… nhưng hầu hết các chương trình hiện nay điều kiện không cho phép biên đạo múa thỏa hết sức mình”- biên đạo múa Kim Chi chia sẻ.

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng tin rằng, với lòng yêu nghề và cố gắng không mệt mỏi của các biên đạo múa đầy tâm huyết như chị Kim Chi, nghệ thuật múa ở tỉnh nhà sẽ ngày càng phát triển.

HÒA KHANG

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chay-mai-mot-niem-dam-me-mua-a151015.html