Cháy mãi một thời hoa đỏ

Say mê tôn vinh những tài hoa văn chương

(HNMCT) - Cả đời làm thơ, nhưng lại sống bằng nghề lao động chân tay nhọc nhằn không có chút liên quan gì đến việc viết. Cả đời thơ chỉ yêu một người phụ nữ, mà chính người phụ nữ ấy lại chọn cách ra đi vì không chịu nổi trước áp lực tình yêu quá lớn của chồng.

Nhà thơ Thanh Tùng, phận số nhiều long đong, lại nghèo. Nhưng bè bạn của ông khi tề tựu lại đều cùng khẳng định ông là người hiền lành, đôn hậu, luôn hết mình với bạn bè và yêu đến cạn lòng trong mối tình với người vợ đầu tiên.

Ảnh: Mễ Thuận

Thời hoa đỏ chính là thi phẩm ra đời sau khi cuộc hôn nhân ấy tan vỡ. Bài thơ đã gom bao nhung nhớ, bao tiếc thương, đắng đót đến thắt lòng mà bấy giờ chỉ mình Thanh Tùng mới thấu hết nỗi trống trải cô đơn khi người mình yêu đã không còn ở bên. Nhà thơ - người thợ gò to lớn, vạm vỡ ấy lại yếu mềm xiết bao khi đứng trước tình yêu: “Trong câu thơ của em anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say…”.

Thời hoa đỏ là kết tinh đặc biệt nhất của đời thơ Thanh Tùng, viết về cuộc tình của chính nhà thơ và được trình bày bằng ngôn ngữ thơ đậm chất Thanh Tùng. Thơ ông tự do, không khuôn phép, không vần điệu, thường dài, và hay điệp từ điệp câu. Dù mê thơ Thanh Tùng, nhưng không phải ai cũng dễ dàng thuộc hết được những khổ thơ trúc trắc ấy, bù lại, ông luôn có những tứ thơ độc đáo, những hình ảnh thơ đầy phát hiện, khiến người đọc ám ảnh như: “Bông lau tím lật qua chiều đông tái/ Vì người là muối của đời tôi/ Ta xanh lại trong từng hơi thở/ Khi chạm vào thảng thốt heo may/ Chiếc lá rơi vẽ lối sang chiều/ Đưa tóc em về đường gió khóc/ Nơi triền núi chập chờn sương khói vỡ/ Hoa rừng hoang ướt nặng những hoàng hôn…” và đặc biệt là “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi”.

Thi phẩm Thời hoa đỏ của Thanh Tùng sau khi được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc mới trở nên nổi tiếng, được công chúng biết đến. Song, nhiều người còn không biết rằng bài thơ gốc Thời hoa đỏ của ông có đến 47 câu, thì 31 câu trong đó được nhắc lại, sự nhắc lại tạo nên day dứt đến khôn cùng. Bà Nhàn, vợ đầu của nhà thơ không chỉ là nguyên mẫu trong Thời hoa đỏ, mà cuộc tình ấy còn in đậm trong đời thơ Thanh Tùng ở nhiều thi phẩm khác: “Ngày ấy em đi/ Ngôi sao vụt tắt/ Đêm tuột lưng kè nhép/ Chỉ có tiếng nước kêu/ Nơi hốc mòn khắc khoải/ Chỉ có cành su nhỏ/ Năn nỉ hoài trong đêm” (Bến cũ), “Em xa đã lâu/ Máu vẫn đập trong lời thơ cũ” (Sau “thời hoa đỏ”), “Em đã để lại trong tim tôi một mũi dao/ Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút/ Tôi mang nó suốt đời, còn em thì không biết” (Thất tình)...

Một đời làm thơ đắm đuối với thi phẩm nổi tiếng trên cả nước như thế, nhưng đời sống vật chất của nhà thơ rất vất vả, thiếu thốn, như chính ông kể: “Mười bảy tuổi, tôi vào đời thợ/… Bàn tay quai búa bỏng rát chai tay/ Tấm áo công nhân bạc màu nắng gió/ Những tầm về mệt nhọc/ Tôi bước lẫn những tấm lưng mồ hôi hầm hập/ Thấy mặn lòng, từng vết muối trắng vai ai”. Số phận thiếu may mắn, sống trong hoàn cảnh ly hôn, lại trải qua nhiều công việc nặng nhọc từ giáo viên thể dục cho đến công nhân đóng tàu, từ thợ gò, khuân vác, rồi bán sách, ấy thế nhưng ông vẫn thật lạc quan: “Cái nghề khuân vác của tôi/ Trong cơn mơ còn thấy những giọt mồ hôi cười/ Tôi sợ nó và tôi yêu nó/ Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con” (Cái nghề của tôi). Cuộc sống vật chất tuy thiếu thốn nhưng ý thơ Thanh Tùng thì luôn tràn đầy. Ông nổi tiếng trong giới là người ứng tác thơ nhanh. Nghèo, cho nên tận đến năm 2001, khi đã sắp vào tuổi “thất thập cổ lai hy” Thanh Tùng mới ra được tập thơ đầu tiên của riêng mình: Thời hoa đỏ. Mà ở tập thơ ấy, ông còn phải tiết kiệm giấy bằng cách dồn nén 124 bài vào trong tập sách chỉ dày độ 100 trang.

Ngoài Thời hoa đỏ, nhiều bài thơ của Thanh Tùng đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành công như Hà Nội, Em và thu, Qua Quảng Yên..., trở thành những nhạc phẩm nổi tiếng như Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em...

Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng. Ông sinh ngày 7-11-1935 tại Nam Định nhưng trưởng thành ở thành phố Hải Phòng. Năm 1995, ông chuyển vào miền Nam định cư và mất năm 2017 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/950345/chay-mai-mot-thoi-hoa-do