'Chảy máu' đất vàng, thất thoát ngân sách từ những phi vụ thâu tóm đất công: 'Giật mình' với cú bắt tay trăm tỷ giữa Sagri với Trung Thủy Group và nguyên nhân loạt quan chức TP.HCM 'ngã ngựa'
Tài sản nhà nước bị định giá rất thấp so với thị trường trong những phi vụ thâu tóm đất công 'giá bèo' không còn là câu chuyện mới. Điều mà dư luận bức xúc, cảm thấy nguy hiểm cho 'túi ngân sách' liên tục bị thâm thủng là sau mỗi vụ việc đều có bóng dáng của 'nhóm lợi ích' thao túng, hưởng lợi trên khối tài sản công.
Dính dáng đến Sagri, loạt quan chức cấp cao của TP.HCM vướng vòng lao lý
Ngày 11/7/2020, ông Trần Vĩnh Tuyến và cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố, sau một năm điều tra ông Lê Tấn Hùng (57 tuổi, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Sagri) và đồng phạm về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản.
Ông Tuyến bị cho là đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B, Quận 9 cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú với giá thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Quyết định này được ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng do Trần Trọng Tuấn ký.
Theo đó, TP.HCM từng chấp thuận cho Sagri chuyển mục đích sử dụng 3,75ha đất trại chăn nuôi heo tại phường Phước Long B ở quận 9 để xây dựng chung cư. Đến tháng 6/2016, Hội đồng thành viên Sagri ban hành nghị quyết về phê duyệt dự án đầu tư khu nhà ở tại đây, nhưng sau đó hợp tác với Tổng Công ty Phong Phú khai thác dự án với giá trị vốn góp có tỉ lệ là 28%, Tổng Công ty Phong Phú chiếm tỉ lệ 72%.
Cuối tháng 12/2017, Hội đồng thành viên Sagri thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng Công ty Phong Phú. với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2. Nghịch lý là mức giá Sagri chuyển nhượng thấp hơn giá Tổng công ty Phong Phú đã huy động vốn từ khách hàng tại thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bằng 1/3 so với giá chuyển nhượng của các dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).
Theo Thanh tra TPHCM, Sagri chuyển nhượng vốn góp bằng quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng Công ty Phong Phú. nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là chưa đúng quy định.
Tiếp đó, tháng 11/2017, ông Trần Trọng Tuấn thời điểm đó là Giám đốc Sở Xây dựng, khi nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của Sagri đã ký tờ trình gửi UBND Thành phố khẳng định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và Sở Xây dựng kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án. Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú.
Đến tháng 7/2019, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM.
Theo đó, SAGRI và Tổng Công ty Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau. Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng này đã được Bộ Công an vào cuộc điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại SAGRI.
Liên quan đến vụ án này tại SAGRI, trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt bị tạm giam ông Lê Tấn Hùng (SN 1963, nguyên Tổng giám đốc Sagri) và Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư ), ông Vân Trọng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sagri (từ tháng 8/2015 đến 7/2019), bà Nguyễn Thị Thanh An, kiểm soát viên chuyên trách của SAGRI (tháng 6/2016 đến 7/2019) cùng về tội danh trên.
Cú bắt tay giữa Sagri với Trung Thủy Group và những thương vụ thâu tóm đất công ồn ào
CEO Nguyễn Trung Tín được biết đến khi được tiếp kiến Tổng thống Hoa Kỳ Brack Obama trong chuyến công du sang Việt Nam. Ảnh cafebusiness.vn
Với lợi thế là doanh nghiệp nhà nước, SAGRI có lợi thế lớn trong việc được giao đất đai với diện tích hàng ngàn ha, nguồn lực lớn từ vốn, cơ sở nhà đất, trong đó có nhiều vị trí đất vàng... Tuy nhiên, điều đáng nói là hoạt động điều hành, kinh doanh của SARGI lại để xảy ra sai phạm trong một thời gian dài.
Các sai phạm của SAGRI trải khắp từ công tác quản lý tài chính, đầu tư, chuyển nhượng dự án, hợp tác đầu tư, mua sắm, đấu thầu...
Dưới thời ông Lê Tấn Hùng, Sagri, “Đế chế” Trung Thủy của gia đình CEO Nguyễn Trung Tín còn được biết đến với nhiều thương vụ hợp tác đầu tư cùng Sagri. Theo đó, Trung Thủy đã thâu tóm được nhiều đất vàng từ mối quan hệ hợp tác này.
Với nhiều lô đất vàng được "chui" qua tay Tập đoàn Trung Thủy, dư luận đặt câu hỏi Trung Thủy là ai?
Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích hơn 1.900 ha.
Trong số hơn 1.900 ha đất nói trên, Tổng Công ty đã bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM (Công ty con của Sagri) cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri là 140 ha.
Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri là công ty con được thành lập do Tập đoàn Trung Thủy nắm 64% còn Sagri nắm 36%. Công ty có vốn điều lệ 223 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập dựa trên hợp tác giữa Trung Thủy và Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với điện tích 650 ha đất và vốn đầu tư khoảng 820 tỷ đồng.
Phía Tập đoàn Trung Thủy cam kết tự nguyện cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vay toàn bộ tiền góp vào vốn điều lệ ban đầu liên doanh nói trên và không tính lãi. Theo hợp đồng hợp tác này, bên Trung Thủy thanh toán cho Sagri chi phí đầu tư vào đất còn lại tạm tính 500 triệu đồng/ha.
Việc hợp tác này bị Kiểm toán Nhà nước cho rằng không đúng quy định của Thủ tướng và quyết định của UBND TP.HCM (Quyết định 5039/2013) về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM. Cụ thể, Quyết định 5039 của UBND TP.HCM có quy định là "không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào.”
Ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Sagri đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Trung Thủy lấy rất nhiều quỹ đất công sai nguyên tắc và thất thoát, thiệt hại rất lớn cho Nhà nước
Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Sagri thanh lý hợp đồng với Trung Thủy Group về việc góp vốn thành lập pháp nhân mới là Trung Thủy Sagri, do thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư.
Một trong những dự án “gạo đã thành cơm” giữa Sagri với Tập đoàn Trung Thủy là dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ có quy mô 1.398 m2, với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng. Theo đó, năm 2016, Sagri ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Trung Thủy xây dựng dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, thời hạn hợp tác là 20 năm.
Trong năm 2017, Sagri ghi nhận khoản doanh thu 10 tỷ đồng từ Tập đoàn Trung Thủy về hợp tác kinh doanh tại dự án này. Theo doisongphapluat.com, chỉ trong hai năm 2015 và 2016, Sagri đã ký hợp đồng hợp tác với các đối tác như Công ty như Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận, Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Công ty bất động sản Tín Nghĩa để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án tại 17 mặt bằng, nhà đất với quỹ đất hơn 200.000 m2 nằm ở các vị trí đắc địa tại các huyện Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Thạnh, Quận 7. Cụ thể như khu đất tại phường Tân Thuận Đông, Quận 7, khu đất 16.000m2 tại phường 13, quận Gò Vấp…
Các thương vụ hợp tác làm ăn với tỷ lệ 27% và 73% giữa Sagri và các công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Trung Thủy để khai thác quỹ đất nói trên được Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc hợp tác này là không đúng mục đích sử dụng.
Ngoài ra, Sagri còn thành lập nhiều pháp nhân có liên quan đến Trung Thủy thực như Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Lancaster Tân Thuận… để thực hiện loạt dự án trên các khu đất vàng rộng hàng trăm ngàn m2 tại TP.HCM.
Sau đó, Trung Thủy nổi lên sau khi ông Lê Tấn Hùng bị bắt vì những sự hợp tác liên quan giữa Trung Thủy và Sagri được cơ quan điều tra công bố.
Được biết, Tập đoàn Trung Thủy do bà Dương Thanh Thủy thành lập năm 1994, ban đầu kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, nổi tiếng với thương hiệu Miss Aodai.
Năm 2003 thì tập đoàn này chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản. Cũng từ đó, Trung Thủy cho ra đời loạt chung cư, dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp ở nhiều vị trí đắc địa tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh ven biển.
Trước đó, dù là một đại gia trong lĩnh vực bất động sản nhưng Trung Thủy khá kín tiếng với truyền thông.
Là con cả của vợ chồng nhà sáng lập Dương Thanh Thủy, CEO Nguyễn Trung Tín là cái tên không xa lạ đối với giới doanh nhân trẻ tuổi. Sinh năm 1987, Nguyễn Trung Tín chính là người thừa kế của tập đoàn nổi tiếng Trung Thủy Group và cũng là 1 trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh hồi đầu năm 2015.
Năm 2016, cái tên Nguyễn Trung Tín khá nổi bật khi anh là CEO trẻ duy nhất có 45 phút trò chuyện cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Dreamplex khi ông ghé TPHCM trong chuyến công du đến Việt Nam.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Tín còn là chồng của hoa hậu Việt Nam năm 2012 Đặng Thu Thảo.
Phan Anh Tuấn (tổng hợp)
Nguồn tham khảo:
https://cafebusiness.vn/ky-2-ong-tran-vinh-tuyen-lien-quan-gi-den-cac-sai-pham-tai-sagri-va-tap-doan-trung-thuy-cua-ceo-nguyen-trung-tin-hop-tac-voi-sagri-sai-pham-nhu-the-nao-1346.html
https://vietnamfinance.vn/chan-dung-ceo-trung-thuy-group-sai-pham-trong-thau-tom-dat-vang-thoi-ong-le-tan-hung-20180504224225919.htm
http://vneconomy.vn/vu-bat-ong-le-tan-hung-nhieu-giao-dich-giua-sagri-va-tap-doan-trung-thuy-20190708151951828.htm
https://www.tienphong.vn/phap-luat/vi-sao-loat-quan-chuc-tphcm-nga-ngua-1687091.tpo
https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/sai-pham-tai-sagri-le-tan-hung-bi-bat-trung-thuy-la-ai-ma-de-dang-hot-dat-vang-9526.html