Chảy nước mắt nếm thử những món cay 'xé lưỡi', Việt Nam cũng có 'đại diện'
Được chế biến từ những loại ớt 'cay nhất thế giới' các món ăn như: lẩu Tứ Xuyên (Trung Quốc), Som Tam (Thái Lan), bò hầm ớt (Hungary), xôi cay (Sài Gòn, Việt Nam)… khiến thực khách không ngừng 'chảy nước mắt' khi lần đầu nếm thử.
Lẩu cay Tứ Xuyên (Trung Quốc)
Tứ Xuyên (Trung Quốc) nổi tiếng là vùng đất có nhiều món ăn cay bậc nhất thế giới. Trong đó món lẩu Tứ Xuyên được cho là sẽ khiến thực khách tê dại đầu lưỡi khi nếm thử.
Điều tạo nên nét hấp dẫn cho món lẩu cay Tứ Xuyên chính là gia vị được sử dụng trong nồi nước lẩu. Có tới 30 nguyên liệu, thực phẩm… để cho ra đời một nồi lẩu cay chuẩn vị. Trong đó, chỉ tính riêng ớt, đã bao gồm rất nhiều loại khác nhau như: canh sa tế, ớt khô, ớt tươi, tương đậu cay…
Món lẩu Tứ Xuyên này thường không ăn kèm với cơm, mà đó là một sự kết hợp hoàn hảo giữa những miếng thịt lát mỏng, rau củ và đặc biệt là thịt bò và nội tạng bò.
Tteokbokki (Hàn Quốc)
Người Hàn thường rất chuộng các món ăn cay nóng vì chúng có tác dụng giữ ấm tốt cho cơ thể trong những ngày giá lạnh. Một trong số đó không thể không nhắc đến món Tteokbokki.
Tteokbokki gồm bánh gạo mềm và bánh cá được xào với sốt ớt đỏ cay ngọt. Đây là món ăn vặt được yêu thích ở Hàn Quốc. Món ăn này có vị cay không ập đến ngay tức thì, mà dần dần càng ăn càng thấy cay, khiến thực khách lần đầu nếm thử không tránh khỏi cảm giác “bỏng lưỡi”.
Som Tam (Thái Lan)
Đây là món nộm khá phổ biến ở Thái Lan. Som Tam thực chất là món nộm đu đủ với đầy đủ các vị từ chua, cay, mặn, ngọt. Món ăn bao gồm các nguyên liệu: đu đủ xanh, nước mắm, muối, nước cốt chanh, đường dừa và tất nhiên không thể thiếu ớt cay.
Som Tam xuất hiện hầu hết trên các con phố ở Thái Lan và có thể được coi là “quốc hồn quốc túy” bên cạnh Tom Yum. Năm 2011, CNN đã chọn Som Tam ở hạng 46 trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới.
Sở dĩ Som Tam được xem là một trong những món cay “xé lưỡi” ở xứ sở chùa Vàng là bởi người Thái thường cho khá nhiều ớt tươi sau đó giã nát chúng cùng các loại gia vị khác.
Với những thực khách lần đầu nếm thử món ăn này, chắc chắn không tránh được việc phải xuýt xoa, thậm chí chảy nước mắt vì vị cay như “bùng nổ” trong miệng.
Bò hầm ớt (Hungary)
Bò hầm ớt (Goulash) là món bò hầm truyền thống xuất hiện trong các bữa ăn của đất nước Hungary.
Món này thực chất là súp hoặc có thể được hầm thịt bò cùng rau củ, ướp với ớt và các gia vị khác. Vốn là một trong những vùng trồng ớt lớn nhất thế giới, không có gì ngạc nhiên khi món ăn đặc trưng của đất nước Hungary được xếp vào top các món cay bậc nhất thế giới.
Người Hungary thường ăn món này trong mùa đông lạnh giá. Du khách muốn nếm thử món ăn này được khuyến cáo là cần chuẩn bị sẵn tinh thần bởi vị cay của ớt có thể xộc thẳng lên mũi khiến bạn chảy nước mắt và tê rát đầu lưỡi.
Phaal Curry (Ấn Độ)
Đây là món cà ri truyền thống ở Ấn Độ và cũng được mệnh danh là một trong những món cay bậc nhất thế giới.
Để tạo nên món ăn này, người đầu bếp phải cần đến 10 loại ớt khác nhau. Trong đó có loại ớt tên Bhut Jolakia - loại ớt đã ghi vào danh sách kỷ lục Guinness bởi độ cay “xé lưỡi”.
Có rất nhiều các loại cà ri khác nhau như cà ri trứng, cà ri hải sản, cà ri gà, cà ri bắp cải khô, cà ri rau củ… Hương vị cay nồng và màu sắc rực rỡ của nhũng nồi cà ri là sức hấp dẫn khó cưỡng đối với bất kỳ ai.
Các nhà hàng phục vụ món ăn này cung cấp cho khách hàng một giấy chứng nhận nếu họ có thể ăn hết một bát Phaal Curry.
Xôi cay (Sài Gòn – Việt Nam)
So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam không phải là đất nước ăn cay tuy nhiên, vẫn có không ít món ăn khiến thực khách phải “chảy nước mắt” khi ăn. Một trong số đó là món xôi sa tế “cay xè” độc đáo và nổi tiếng ở Sài Gòn.
Món xôi nóng hổi mềm dẻo được ăn kèm với nước sốt cay cay đậm đà, có chút béo béo của mỡ hành, tóp mỡ, rồi chút bùi bùi của đậu phộng, chà bông, chả lụa được gói tròn trong lá chuối xanh tạo nên một hương vị đặc trưng không thể lẫn lộn.
Bí quyết tạo nên sự khác biệt cho món ăn này là nước sốt sa tế. Ớt được chọn làm nước sốt phải là loại đặc biệt cay, trong đó một nửa ớt được phơi khô và xay ra thành bột, nửa còn lại thì giã nhuyễn và phi bằng dầu nóng chung với hành tím.
(Theo Dân trí)