Chạy quá tốc độ quy định tại TP. HCM: Người nói đi gấp, người viện cớ... không thấy biển báo

Nhằm hưởng ứng đợt cao điểm kiểm tra, CSGT TP. HCM đã tăng cường xử lý các phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP. HCM, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và sức khỏe của nhân dân.

Vì vậy, Phòng CSGT ĐB-ĐS triển khai thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn đảm trách, thời gian từ ngày 20/6 - 20/9/2022.

Bài liên quan

CSGT TP. HCM phối hợp chặn bắt xe chở thuốc tân dược giả

Tạm giữ tài xế say rượu chở quá khổ, rút dao đâm CSGT

CSGT TP. HCM cảnh báo hành vi giả danh CSGT, lợi dụng phạt nguội để lừa đảo

Bên trong bãi xe tang vật bị cháy rụi của CSGT TP. HCM: Chủ xe có được bồi thường?

Theo chân lực lượng chức năng trong ngày đầu ra quân hưởng ứng đợt cao điểm (ngày 21/6), phóng viên ghi nhận Đội CSGT Cát Lái, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đướng sắt Công an TP. HCM (PC08) đã lập chốt kiểm tra, xử lý hàng loạt phương tiện chạy quá tốc độ quy định trên tuyến đường Mai Chí Thọ (đoạn qua quận 2, TP. HCM).

Tại đây, một tổ công tác thuộc Đội CSGT Cát Lái tổ chức mật phục ghi hình tốc độ các phương tiện vi phạm. Sau đó, chiến sĩ CSGT sẽ thông báo bằng bộ đàm biển số xe cùng vận tốc, thời gian vi phạm cho đội tuần tra phía trước dừng xe xử lý.

Theo quy định, trên đoạn đường Mai Chí Thọ các phương tiện di chuyển làn bên trong chỉ được phép chạy với vận tốc 50 km/giờ.

Tuy nhiên, khoảng 10h40 cùng ngày, anh N.S.V. (tài xế xe ôm công nghệ, 35 tuổi, quê Đắk Lắk) lái xe vi phạm lỗi quá tốc độ từ 10 – 20 km/h (số đo được là 61 km/h). Anh V. cho biết, do đang chở khách nên có hơi vội, không nhìn thấy biển báo tốc độ cho phép là 50 km/h.

Tiếp đó, N.T.H.L. (21 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) đang trên đường đến trường để đi học. Do sợ trễ giờ, người này đã lái xe với tốc độ 68 km/h. Đồng thời, chị L. cũng không mang GPLX, giấy đăng ký xe theo quy định nên đã bị tổ công tác tạm giữ xe.

“Do đi gấp quá nên tôi không nhìn thấy biển báo, cũng không để ý đang chạy tốc độ bao nhiêu. Hôm nay chắc rút kinh nghiệm, quan sát kỹ hơn khi lái xe”, L. nói.

Ngay sau đó, chỉ trong 1 giờ kiểm tra, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt 11 trường hợp, gồm 2 xe ô tô và 9 xe gắn máy. Trong đó, có 2 xe máy bị tạm giữ vì người vi phạm không xuất trình được GPLX, giấy đăng ký xe.

Theo quy định, đối với xe mô tô, xe gắn máy, người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng; người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng; người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Đối với xe ô tô, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu lái xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h; phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng nếu chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng; Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng nếu quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng; Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng nếu chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Được biết, CSGT TP. HCM sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, tập trung vào đối tượng là người điều khiển xe mô tô, ô tô thực hiện các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT nghiêm trọng, gồm: vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích, chất ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông; vi phạm tốc độ trên đường bộ; đi vào đường cấm; vi phạm về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ;…

Về xử lý vi phạm về tốc độ, CSGT sẽ tập trung kiểm tra xử lý trên các tuyến quốc lộ, các các tuyến đường huyết mạch ra, vào trung tâm TP, tại các điểm đen thường xảy ra TNGT.

Khi xử lý tốc độ phải có các biện pháp cảnh báo, sử dụng hình thức công khai là chính, kết hợp với biện pháp bí mật; khi thực hiện đo tốc độ bí mật phải có lực lượng bảo vệ, không để các đối tượng cản trở người thi hành công vụ; tăng cường áp dụng biện pháp xử lý vi phạm qua hình ảnh (xử phạt nguội) để nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chay-qua-toc-do-quy-dinh-tai-tp-hcm-nguoi-noi-di-gap-nguoi-vien-co-khong-thay-bien-bao-post200169.html