Cháy rừng dữ dội làm 18.000 người phải sơ tán ở Canada
Cháy rừng nghiêm trọng kéo dài tại thành phố Halifax, bang Nova Scotia, miền Đông Canada đã buộc hàng chục nghìn hộ dân phải đi sơ tán.
Sơ tán khẩn cấp bởi cháy rừng
Theo Reuters, Phó Giám đốc cơ quan Cứu hỏa và khẩn cấp khu vực Halifax - Dave Meldrum cho biết ngọn lửa đang bùng cháy ở khu vực Tantallon và Hammonds Plains. Nguyên nhân của vụ cháy rừng vẫn đang được điều tra và không có báo cáo thiệt hại về người.
Khoảng 100 lính cứu hỏa đã chiến đấu với đám cháy suốt đêm và các đội cấp cứu sẽ có rất nhiều công việc trong nhiều ngày sắp tới. Đám cháy rừng cộng với gió mạnh và củi khô, đã làm hư hại hàng chục ngôi nhà và cản trở các dịch vụ cứu hộ.
Lệnh sơ tán đã được ban bố tại các vùng ngoại ô Hammonds Plains, Upper Tantallon và Pockwock, cách trung tâm thành phố Halifax khoảng 24km.
Ông Mike Savage - thị trưởng thành phố Halifax cho biết, lệnh sơ tán sẽ ảnh hưởng tới khoảng 18.000 người dân địa phương, đa số là các công nhân làm việc trong thành phố.
Các quan chức địa phương cho biết các vụ cháy rừng cũng khiến khoảng 400 hộ dân sinh sống tại bang New Brunswick, Canada phải sơ tán cuối tuần qua. Thị trưởng thị trấn Saint Andrews thuộc bang New Brunswick - ông Brad Henderson cho biết các vụ cháy vẫn chưa được kiểm soát.
Thành phố Halifax đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp địa phương vào cuối ngày 28/5 sau khi các vụ cháy rừng gây ra tình trạng sơ tán và mất điện. Đồng thời chính quyền cũng đã phải đóng cửa một số trường học. Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong 7 ngày, trừ khi được dỡ bỏ hoặc gia hạn.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đánh giá tình trạng cháy rừng tại Nova Scotia là "cực kỳ nghiêm trọng", khẳng định chính phủ sẵn sàng hỗ trợ bang này trong trường hợp cần thiết.
Các tỉnh phía Tây Canada như Alberta và British Columbia đang trải qua một mùa Xuân ấm áp bất thường gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng. Tuy vậy, hầu hết các đám cháy đã được kiểm soát, giúp khôi phục hoạt động sản xuất dầu và khí đốt tại địa phương.
Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPPC) cho biết nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là hậu quả của hơn 1 thế kỷ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, việc sử dụng đất và năng lượng không đồng đều, không bền vững.
Điều này đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn, gây ra những tác động ngày càng nguy hiểm đối với thiên nhiên và con người ở mọi khu vực trên thế giới.
Báo cáo cho rằng nếu nhiệt độ được giữ ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp thì việc giảm phát thải khí nhà kính sâu, nhanh và bền vững sẽ là cần thiết ngay trong thập kỷ này.