Cháy tòa nhà làm 76 người thiệt mạng, chính quyền Johannesburg bị liên đới

Một báo cáo điều tra mới đây cho thấy, chính quyền thành phố Johannesburg, Nam Phi phải chịu trách nhiệm về vụ cháy tòa nhà 5 tầng ở trung tâm thành phố này năm 2023 làm 76 người thiệt mạng và 85 người khác bị thương.

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại tòa nhà 5 tầng ở Johanesburg, Nam Phi khiến 76 người thiệt mạng cuối tháng 8-2023

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại tòa nhà 5 tầng ở Johanesburg, Nam Phi khiến 76 người thiệt mạng cuối tháng 8-2023

Sự việc xảy ra ngày 31-8-2023 và là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử Nam Phi. Khi ngọn lửa bốc lên từ tòa nhà 5 tầng, nhiều người mắc kẹt bên trong vì cổng an ninh đã bị khóa và không có lối thoát hiểm thích hợp. Nhiều thi thể được tìm thấy chồng lên nhau gần một cánh cổng bị khóa. Những người khác cố gắng thoát hiểm thông qua cửa sổ nhưng tử vong do nhảy từ trên cao. Những sợi dây làm từ chăn và ga trải giường vẫn treo ngoài cửa sổ đã cho thấy sự tuyệt vọng của các nạn nhân khi tìm đường thoát thân.

Thẩm phán Sisi Khampepe được giao phụ trách cuộc điều tra về vụ cháy này bắt đầu từ tháng 10-2023. Tại buổi trình bày phần đầu tiên của báo cáo điều tra hôm 5-5-2024, bà Khampepe cho biết, chính quyền thành phố Johannesburg đã tỏ ra “coi thường nguy cơ tai hại” của tòa nhà nói trên. Họ đã không ngăn chặn hoặc loại bỏ bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với tòa nhà này và cho phép vi phạm các quy định về y tế công cộng, về xây dựng và tất cả các quy định khác có thể giúp giảm thiểu tác động do vụ cháy nếu được tuân thủ.

Trong báo cáo mới nhất, Thẩm phán Khampepe cũng đề nghị áp dụng biện pháp kỷ luật đối với Giám đốc điều hành của Công ty bất động sản Johannesburg - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các tòa nhà của thành phố này. Bà Khampepe cũng cho rằng, nên phá bỏ tòa nhà trên và dựng bia tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ cháy, trong đó có 12 trẻ em.

Trước đó, nguyên nhân dẫn tới vụ cháy trên được xác định là do hành động đốt phá. Hồi tháng 1-2024, thủ phạm gây ra vụ cháy là Sthembiso Mdlalose thú nhận đã sát hại một người đàn ông trong tòa nhà, sau đó tưới xăng và đốt thi thể nạn nhân để phi tang. Mặc dù vậy, vụ hỏa hoạn đã bộc lộ cuộc khủng hoảng về nhà ở và thực trạng chiếm dụng trái phép các tòa nhà bỏ hoang ở trung tâm thành phố Johannesburg.

Cụ thể, các nhà điều tra xác định có tổng cộng khoảng 200 gia đình sinh sống bên trong tòa nhà khi đám cháy bùng lên. Theo mô tả, tòa nhà có hàng chục phòng ở mỗi tầng với khoảng 5 người sống trong một phòng. Các nhân chứng tiết lộ, phần lớn những người sinh sống tại tòa nhà này đến từ Malawi, Zimbabwe, Tanzania hoặc người Nam Phi nghèo khó.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Johannesburg cho hay, tòa nhà bị cháy thuộc sở hữu của thành phố và được một cơ quan địa phương thuê lại làm nơi trú ẩn cho những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Khi hợp đồng thuê kết thúc, tòa nhà bị chiếm đoạt và nằm dưới sự kiểm soát của các băng nhóm tội phạm thu tiền thuê nhà của cư dân.

Chính quyền thành phố thừa nhận đã nắm được những vấn đề tại tòa nhà này ít nhất từ năm 2019. Đây chỉ là một trong hàng loạt tòa nhà kiểu này nằm trong tay các băng nhóm cho thuê nhà để kiếm lợi bất chính. Tháng 10-2019, nhà chức trách Nam Phi từng đột kích tòa nhà và bắt 140 người nước ngoài. Bên cạnh đó, một nghi phạm cũng bị tạm giữ vì thu tiền thuê bất hợp pháp từ những người thuê tòa nhà.

Theo thống kê sau vụ cháy nói trên, Johannesburg có hơn 600 tòa nhà bỏ hoang bị chiếm dụng bất hợp pháp, trong đó có 30 công trình thuộc sở hữu của chính quyền. Bộ Công trình công cộng và cơ sở hạ tầng Nam Phi ngày 3-9 cũng công bố, 1.260 trong số 29.000 tài sản thuộc quản lý của Bộ trên toàn quốc đang bị chiếm dụng. Cơ quan này đã mở chiến dịch thu hồi các tài sản và tòa nhà bị chiếm dụng hoặc chuyển nhượng bất hợp pháp; quản lý việc chiếm giữ các tài sản của tiểu bang thông qua các chính sách nhà ở truyền thống, đồng thời điều tra và xác định thêm các tài sản bị chiếm giữ bất hợp pháp.

Theo AP/Vox

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chay-toa-nha-lam-76-nguoi-thiet-mang-chinh-quyen-johannesburg-bi-lien-doi-post575613.antd