Chạy xe quá chậm cũng bị phạt tiền triệu

Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cần chú ý quy định về tốc độ tối thiểu ở từng tuyến đường để tránh vi phạm.

 Đường cao tốc có quy định tốc độ tối thiểu, tối đa khi lưu thông. Ảnh: Việt Linh.

Đường cao tốc có quy định tốc độ tối thiểu, tối đa khi lưu thông. Ảnh: Việt Linh.

Theo nội dung Nghị định 168 có hiệu lực từ đầu năm nay, việc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn mức tốc độ tối thiểu sẽ bị phạt cao nhất cả triệu đồng.

Cụ thể, người điều khiển ôtô nếu cho xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, theo điểm o khoản 3 Điều 6 Nghị định 168.

Còn với người điều khiển môtô, xe gắn máy, hành vi này sẽ bị xử phạt 200.000-400.000 đồng theo điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 168.

So với các quy định ở Nghị định 100 trước đây, mức phạt cho hành vi điều khiển ôtô chạy dưới tốc độ tối thiểu vẫn giữ nguyên. Với người điều khiển môtô, xe gắn máy vi phạm, mức phạt theo quy định tại Nghị định 168 đã tăng gấp đôi.

Quy định tốc độ tối thiểu với ôtô trên đường bộ thường xuất hiện ở các tuyến cao tốc.

Chẳng hạn, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tốc độ tối thiểu 60 km/h và tối đa 120 km/h. Tốc độ tối thiểu 60 km/h, tối đa 120 km/h cũng áp dụng cho phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương áp dụng tốc độ tối đa 100 km/h. Ôtô cũng được yêu cầu di chuyển không chậm hơn 60 km/h trên tuyến cao tốc này. Các quy định tốc độ tối thiểu, tối đa tương tự cũng áp dụng cho tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

 Hầm đường bộ cũng có quy định về tốc độ tối thiểu, tối đa đối với phương tiện khi lưu thông. Ảnh: Ngọc Tân.

Hầm đường bộ cũng có quy định về tốc độ tối thiểu, tối đa đối với phương tiện khi lưu thông. Ảnh: Ngọc Tân.

Các hầm đường bộ cũng là nơi người điều khiển phương tiện, cả ôtô lẫn xe máy, cần lưu ý các quy định về tốc độ tối thiểu để tránh bị phạt nặng.

Tại TP.HCM, hầm đường bộ Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn quy định tốc độ tối thiểu 30 km/h và tối đa 60 km/h với ôtô. Hầm đường bộ này cũng có quy định tốc độ tối thiểu với xe máy, ở mức 30 km/h tương tự ôtô.

Ở hầm đường bộ Hải Vân, tốc độ tối thiểu mà phương tiện phải đáp ứng khi qua hầm là 45 km/h, còn tốc độ tối đa là 70 km/h. Hầm đường bộ nối Đà Nẵng - Huế này không cho phép xe máy lưu thông.

Để nhận biết tuyến đường nào có quy định tốc độ tối thiểu hay tối đa, người điều khiển phương tiện cần quan sát hệ thống biển báo.

 Tài xế cần chú ý quan sát biển báo để biết được quy định tốc độ tối thiểu, tối đa ở các tuyến đường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tài xế cần chú ý quan sát biển báo để biết được quy định tốc độ tối thiểu, tối đa ở các tuyến đường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cụ thể, biển báo tốc độ tối đa có dạng hình tròn, viền đỏ và nền trắng. Ngay giữa biển báo là con số màu đen biểu thị tốc độ tối đa cho phép phương tiện lưu thông.

Biển báo tốc độ tối thiểu cũng có dạng hình tròn nhưng sử dụng nền xanh dương. Ngay giữa biển báo là con số màu trắng, biểu thị tốc độ tối thiểu mà phương tiện cần đáp ứng khi di chuyển qua tuyến đường.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chay-xe-qua-cham-cung-bi-phat-tien-trieu-post1531994.html