Chế biến lâm sản phụ cho thu bạc tỷ

Tận dụng mùn cưa, phế phẩm của xưởng xẻ gỗ bỏ đi để chế biến thành những thỏi than đốt không khói, mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh Ngô Văn Cường, ở xóm Hương Bảo 2, xã Quy Kỳ (Định Hóa) bán ra thị trường hàng trăm tấn hàng. Sản phẩm làm ra đến đâu được các doanh nghiệp trực tiếp đến đóng gói thu mua hết đến đấy, thu nhập của người lao động theo đó cũng tăng lên, việc làm duy trì thường xuyên cả năm...

Một số công đoạn của dây chuyền sản xuất than không khói được tự động hóa và đóng gói sạch sẽ, bảo đảm an toàn lao động.

Một số công đoạn của dây chuyền sản xuất than không khói được tự động hóa và đóng gói sạch sẽ, bảo đảm an toàn lao động.

Ban đầu chỉ là những bao mùn cưa, mạt gỗ được thu gom về làm chất đốt, lấy tro cải tạo đất, nhưng khi khối lượng lớn đốt gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ hỏa hoạn nên anh Cường đã ép lại thành bánh, thỏi làm chất đốt thay củi.

Sau một thời gian tìm hiểu quy trình xử lý phế thải lâm sản tại các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa… anh quyết định đầu tư hệ thống máy ép, lò ủ tạo các bon viên nén thành than thỏi đốt không khói. Những mẻ than thỏi không khói đầu tiên được anh xếp gọn vào vali mang đến các nhà hàng ẩm thực chào bán.

Qua sử dụng, khách thấy được ưu điểm vượt trội của than không khói nên đặt hàng ngày càng nhiều. Từ đó anh bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất và tập trung vào nâng cao công nghệ, đồng thời ký kết thu gom mùn cưa, phế thải lâm sản trên địa bàn huyện Định Hóa.

Năm 2021, anh Cường chọn xóm núi Hương Bảo 2, xã Quy Kỳ làm xưởng sản xuất, với diện tích gần 1.000m2, xây hệ thống máy ép thủy lực, lò ủ hiện đại, ứng dụng công nghệ xử lý khói thải bằng hơi nước…

Theo anh Cường, than không khói có nhiều ưu điểm như: kích cỡ đồng đều, nhỏ gọn, dễ vận chuyển, không dính tay khi cầm trực tiếp, dễ bắt lửa và thời gian cháy lâu, đạt tối thiểu 2,5 giờ/viên. Nhờ nguyên liệu đầu vào thấp nên giá bán than không khói rất cạnh tranh, chỉ tương đương than củi loại 1 bán trên thị trường.

Công đoạn làm mùn cưa sạch được anh thực hiện khá công phu, tỉ mỉ, như: mùn cưa sau khi mua về đem sấy khô, ép qua nhiệt thành những thanh gỗ cứng rồi nung trong lò từ 7-10 ngày, sau đó làm nguội mới ra thành phẩm là những thanh than sạch, đảm bảo chất lượng.

Hiện, xưởng than của anh Cường sản xuất gối nhau trung 10 tấn than/tháng, với giá trung bình 12.000 đồng/kg tại xưởng, một tháng thu về trên 100 triệu đồng, trừ chi phí thì số lãi đạt gần 30 triệu đồng.

Sản phẩm than không khói được ép chặt nên không phát thải bụi và khói ra môi trường.

Sản phẩm than không khói được ép chặt nên không phát thải bụi và khói ra môi trường.

Năm 2022, doanh thu của cơ sở đạt trên 1 tỷ đồng; năm 2023 tiếp tục duy trì doanh thu trên 1 tỷ và anh đã dành ra gần 1 tỷ đồng đầu tư một số dây chuyền sản xuất tự động, bảo đảm sạch và an toàn. Hằng tháng, cơ sở sản xuất than không khói của anh Cường luôn duy trì việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Anh Ngô Văn Cường: Hiện nay, các sản phẩm than không khói chủ yếu bán theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp ngoài tỉnh. Than ra lò được kiểm định chất lượng, sau đó đóng kiện và chuyển đi các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng… Với nhu cầu lớn nên mới đây, anh đã đầu tư mua máy sấy thùng quay cho dây chuyền sản xuất, khi hoàn thành sẽ nâng công suất sản lượng lên cao hơn. Dự kiến một tháng sẽ thu được 15 tấn than, tạo việc làm cho từ 10-12 lao động.

Thành công bước đầu sau gần 4 năm gây dựng cơ sở sản xuất than sạch không khói cho thấy sự mạnh dạn, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm của anh Ngô Văn Cường là hướng đi đúng đắn trong quá trình sản xuất xanh, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn.
Đây là mô hình sản xuất than không khói đầu tiên trên địa bàn huyện Định Hóa và hiện anh Cường đang xây dựng thương hiệu “Than không khói ATK” với kỳ vọng sẽ đưa sản phẩm vươn xa và tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/che-bien-lam-san-phu-cho-thu-bac-ty-f26206b/