Chế biến sâu: Doanh nghiệp cà phê 'rối trăm bề'
Để gia tăng cạnh tranh, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối với cà phê Việt thì việc đầu tư chế biến sâu là giải pháp căn cơ, tất yếu. Nhưng với nhiều doanh nghiệp (DN), việc này không hề dễ…
Miss Ede là một trong những thương hiệu cà phê Việt Nam hiếm hoi đạt các tiêu chuẩn Rainforest, UTZ, 4C, Fair Trade, giúp duy trì xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc… Tuy nhiên, trước sự biến động của giá cà phê, ông Hoàng Danh Hữu - nhà sáng lập thương hiệu, không giấu được lo lắng: “Giá cà phê đã tăng gấp 4 lần so với hai năm trước, mang lại tin vui cho nông dân nhưng lại là thách thức đối với DN sản xuất cà phê thành phẩm, chế biến sâu. DN không thể tăng giá bán quá cao, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng chi trả nhiều cho một mặt hàng không thiết yếu”.
Theo ông Hữu, giá cà phê hiện nay không phản ánh đúng quy luật cung cầu mà chịu tác động lớn từ các nhà đầu cơ tài chính. Năm qua, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lên hơn 5% khiến dòng tiền quay lại đầu cơ vào cà phê, đẩy giá lên cao. Mặc dù FED đã giảm lãi suất bốn lần nhưng vẫn duy trì trên 4,25%, tiếp tục tạo áp lực lên thị trường. Nếu FED tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2025, giá cà phê có thể trở về mức hợp lý hơn, giúp cân bằng lợi ích giữa nông dân và DN sản xuất, chế biến sâu.

Giá cà phê đã tăng gấp 4 lần so với hai năm trước, mang lại tin vui cho nông dân nhưng lại là thách thức đối với DN sản xuất cà phê thành phẩm, chế biến sâu.
Ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công, cho biết, từ đầu năm 2025, việc kinh doanh của Công ty ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trước thực tế giá cà phê liên tục lập đỉnh và dự báo sắp tới có thể chạm ngưỡng 150.000 đồng/kg, vượt mức kỷ lục 134.000 đồng/kg của năm ngoái, ông Vương trăn trở: “Giá cà phê vẫn biến động khó lường, không theo chu kỳ, buộc DN phải có nhiều cách ứng phó linh hoạt, đặc biệt là với những DN đã chọn “con đường khó” là chế biến sâu.
Cái “khó” ở đây chính là đầu tư sản xuất thành phẩm, xúc tiến thương mại gắn với bảo vệ nhãn hiệu thay vì chỉ bán nhân thô khiến hạt cà phê Việt đánh mất giá trị gia tăng thực sự.
Giá cà phê vẫn biến động khó lường, không theo chu kỳ, buộc DN phải có nhiều cách ứng phó linh hoạt, đặc biệt là với những DN đã chọn “con đường khó” là chế biến sâu.
Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho thấy, năm 2024, tỉnh xuất khẩu 241.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.
Tại thủ phủ cà phê của Việt Nam, dù có gần 300 DN chế biến, phần lớn sản lượng vẫn xuất đi dưới dạng thô. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết: “Khoảng 90% sản lượng cà phê của tỉnh chỉ dừng ở khâu sơ chế khi xuất ra ngoài tỉnh và xuất khẩu. Dư địa phát triển chế biến sâu vẫn rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả”.
“Rối trăm bề”
Đằng sau khát vọng đẩy mạnh chế biến sâu là những “cái khó” khác mà DN cà phê Việt phải đối mặt.
Ông Vương cho rằng, DN muốn làm, hay đã làm như ông đều “rối trăm bề”, trong đó, có hai thách thức lớn đến từ rào cản về thuế quan và logistics.
Cụ thể, thuế nhập khẩu đối với cà phê chế biến sâu thường rất cao, khiến giá thành bị đội lên, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, cà phê thô lại được hưởng mức thuế suất thấp hơn, thậm chí một số nơi còn áp dụng chính sách miễn thuế để khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thô, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN xuất khẩu.
Ngoài vấn đề thuế quan, thời gian vận chuyển dài cũng là một trở ngại lớn. Chẳng hạn, một lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ mất khoảng 45 ngày. Đối với cà phê thô, thời gian này không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng, nhưng với sản phẩm chế biến sâu như cà phê rang xay hoặc cà phê hòa tan, việc bảo quản trong thời gian dài có thể làm thay đổi hương vị, chất lượng sản phẩm nếu không có hệ thống bảo quản đạt chuẩn. Điều này đặt ra nhiều thách thức về công nghệ bảo quản, chi phí vận chuyển và rủi ro chất lượng, khiến DN xuất khẩu e ngại trong việc đẩy mạnh chế biến sâu.
Chưa kể, để chuyển từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu, DN cần đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao năng lực nhân sự và am hiểu thị trường. Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản, nhất là khi các thị trường khó tính như các nước EU ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và cam kết không phá rừng, tạo thêm nhiều rào cản cho DN cà phê Việt.
Ông Hoàng Danh Hữu nhận định, xuất khẩu thô vẫn phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi phần lớn các nhà máy chế biến tinh thuộc các tập đoàn lớn của Âu Mỹ. Theo nguyên tắc thị trường, nếu DN không có lợi thế về đầu ra và không thể đầu tư quy mô công nghiệp lớn, thì việc bán nguyên liệu thô gần như là tất yếu.

Thuế nhập khẩu đối với cà phê chế biến sâu thường rất cao, khiến giá thành bị đội lên, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hữu cũng chỉ ra một xu hướng đáng chú ý: Trước đây, cà phê xuất khẩu thô thường có chất lượng thấp và giá rẻ, nhưng sau 7 năm, robusta Việt Nam đã với chất lượng cao hơn, giá trị gia tăng rõ rệt.
Về lâu dài, dù các tập đoàn chế biến ở Âu Mỹ có lợi thế về vốn và công nghệ, nhưng trong bối cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, DN trong nước dần mạnh dạn tiếp cận vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất. Khi đó, việc đầu tư dây chuyền chế biến lớn sẽ giúp tăng tỷ lệ chế biến sâu và giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu thô. Đây là hướng đi đúng đắn, nhưng chắc chắn không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Để biến khát vọng nâng tỷ lệ chế biến sâu thành hiện thực, ngành cà phê Việt rất cần những DN tiên phong dẫn dắt. Tin vui là đại diện truyền thông của Tập đoàn Trung Nguyên vừa công bố kế hoạch phối hợp với tỉnh Đắk Lắk khởi công Nhà máy Cà phê năng lượng Trung Nguyên với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là nhà máy thứ 5 trong hệ thống của tập đoàn này, nhưng là nhà máy đầu tiên tập trung vào chế biến sâu, kỳ vọng góp phần từng bước nâng cao giá trị cho ngành cà phê Việt.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/che-bien-sau-doanh-nghiep-ca-phe-roi-tram-be-316210.html