Chè đặc sản bén duyên Ải Nam
Cây chè chất lượng cao Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên được trồng ở thôn vùng cao Ải Nam, thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) từ hơn 10 năm trước. Trải qua những thăng trầm của doanh nghiệp thu mua, chế biến, đến nay cây chè có cơ hội khẳng định vị thế vững chắc trong cơ cấu kinh tế của thôn và giá trị nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường.
Từ thành phố Lào Cai, bon theo Quốc lộ 70 khoảng 20 km là có lối rẽ trái vào điểm sản xuất chè đặc sản của thị trấn Nông trường Phong Hải. Tiếng là thị trấn nhưng đường liên thôn lộc cộc những đá hộc, lô nhô những ổ gà khiến người điều khiển xe máy như độc diễn màn xiếc trên mặt đường. Nhưng đến đoạn cuối của hành trình, trước khi đến Ải Nam lại khác hẳn, đường bê tông trải khắp các ngả trong thôn.
Quả là các chuyên gia về lĩnh vực du lịch không sai khi đưa Ải Nam vào danh sách những điểm khảo sát, nghiên cứu dự án tiền khả thi về phát triển du lịch. Khung cảnh ở Ải Nam hết sức lý thú, đó là bình địa nằm trọn trong lỏng chảo có độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển, núi đá xếp như thành lũy đều tăm tắp bao quanh, đường vào thôn lách qua một khe đá sâu như lát cắt gọn gàng. Nổi bật giữa lòng chảo là những đồi chè xếp liền nhau ngồn ngộn như mâm xôi được bao quanh bởi đồng lúa tạo nên bức tranh như những làng quê miền trung du thanh bình, yên ả.
Thung lũng nhỏ nhưng có đến hai dòng suối chảy ra từ các khe núi đá vôi góp phần làm nên khí hậu ở Ải Nam rất đặc trưng là mát mẻ về mùa hè, mùa đông ấm áp. Đây là lý do chính để ngành nông nghiệp chọn Ải Nam làm nơi sản xuất chè Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, cây trồng có nguồn gốc từ những ngọn núi vùng hàn đới quanh năm mây che, tuyết phủ. Sau khi phát hiện Ải Nam có điều kiện tự nhiên lý tưởng, năm 2007, Công ty TNHH MTV Chè Phong Hải (nay là Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai) và chính quyền thị trấn đã triển khai đầu tư trồng chè đặc sản nhằm khai thác thế mạnh nơi này. Sau những năm kiến thiết, đến nay thôn Ải Nam có 7,4 ha chè đặc sản, gần 20 hộ trồng chè. Những hộ trồng chè nhiều nhất trong thôn phải kể tới gia đình các ông Lương Văn Trung, Cư Seo Vầu, Lương Văn Minh, Lèng Chẩn Mìn.
Trưởng thôn Ải Nam, anh Cư Seo Mười pha ấm chè ngon để thết khách, sản phẩm Kim Tuyên tứ tuyệt do chính nhà anh trồng và sao sấy. Nước chè thanh dịu, vừa rót ra đã tỏa mùi thơm phảng phất, nhấp nhẹ miệng chén đã thấy vị chát, ngọt nơi đầu lưỡi. Gia đình anh Mười trồng chè Kim Tuyên từ năm 2007, với 0,4 ha. Sau 4 năm, cây chè cho thu hoạch với năng suất tăng dần, đến nay sản lượng thu đã ổn định. Gần đây, thời điểm chính vụ, mỗi tháng anh Mười hái được 6 tạ chè tươi (3 lần hái), giá bán trung bình như hiện tại khoảng 10 nghìn đồng/kg, anh thu về 6 triệu đồng. Trưởng thôn Mười nhẩm tính, mỗi năm cây chè cho thu hoạch 6 tháng, như vậy gia đình anh có nguồn thu khoảng 36 triệu đồng/năm. Trong khi đó, suất đầu tư đối với cây chè không lớn, mỗi năm làm cỏ 2 lần, bón phân 1 lần với định mức khoảng 2 tạ phân bón tổng hợp (chi phí gần 3 triệu đồng) và đôi lần phun thuốc trừ sâu. Anh Mười bảo, nếu có đất, anh trồng thêm cây chè đặc sản để tăng thu nhập.
Cùng ngồi tiếp chuyện chúng tôi còn có ông Lèng Chẩn Mìn, ông Mìn vừa dùng xe máy chở chè búp tươi ra thị trấn bán cho doanh nghiệp, tiện chuyến ông mua luôn bao gạo ngon, khi đi qua thấy nhà trưởng thôn đông khách nên ghé chơi. Ông Mìn trồng gần 1 ha chè Phúc Vân Tiên, những tháng chè vào vụ, gia đình ông thu đều đặn 12 đến 15 triệu đồng/tháng. Ông Mìn nhớ lại hồi đầu doanh nghiệp và cán bộ thị trấn tuyên truyền, vận động bà con trồng chè, dù nói ra hay không nhưng ai cũng nghi ngại vì tự bao đời đồng bào Mông, đồng bào Nùng trong thôn Ải Nam chỉ biết cấy lúa, trồng ngô, lên rừng đốn củi. Rồi nào là vấn đề kỹ thuật thâm canh, điều kiện sản xuất, thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư… nhưng tất cả những lo lắng này đều được cán bộ của thị trấn, của doanh nghiệp giải thích tuốt tuột trong những buổi họp thôn, thậm chí cán bộ còn đến từng nhà để trò chuyện, vận động. Ban đầu chỉ mấy hộ đăng ký, dần dà hơn 10 hộ nhận trồng chè, vậy là cây chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên đã tìm thấy đất sống ở nơi này…
Khi tôi đem câu chuyện này trò chuyện với ông Phạm Huy Hoàng, Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai thì được biết thêm, để xây dựng vùng nguyên liệu, doanh nghiệp đã quyết tâm ứng vốn (tính bằng cây giống) và phân bón cho dân sản xuất, vốn chỉ được thu hồi trong vòng 7 năm kể từ ngày cây chè cho thu hái. Đổi lại doanh nghiệp có vùng nguyên liệu để làm phong phú các sản phẩm tinh chế đóng gói thành các túi, hộp nhỏ, hiện những sản phẩm này tiêu thụ rất tốt tại các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh và đó cũng là cách để doanh nghiệp gây dựng hiệu quả hình ảnh của mình trên thương trường.
Cây chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên tuy năng suất không cao nhưng bù lại, luôn có giá gấp 1,8 đến 2,2 lần so với giống chè thông thường. Nhiều năm qua, giá chè búp tươi Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên bán cho Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai đạt trung bình 12 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 18 nghìn và cao điểm nhất là 22 nghìn đồng/kg. Dù giá bán, cơ chế thanh toán có lúc ảnh hưởng bởi nốt thăng trầm của doanh nghiệp thu mua nhưng cây chè vẫn có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thôn Ải Nam, bà con địa phương luôn tin đây là cây xóa nghèo và làm giàu. Ải Nam hiện còn nhiều khó khăn, thôn có 160 hộ thì 94 hộ thuộc diện nghèo (chiếm 59%), điều đáng khích lệ là tất cả các hộ tham gia trồng chè đều không có trường hợp nào kinh tế khó khăn.
Trưởng thôn Cư Seo Mười bảo, từ khi Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai có chủ mới (cuối năm 2017) thì người dân không còn bị doanh nghiệp nợ tiền khi bán sản phẩm, dân đưa bao chè lên bàn cân là được trả tiền ngay. Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn với những hộ trồng chè ở thôn vùng cao Ải Nam và cũng bởi thế mà cây chè đặc sản có thêm nguồn cơn để bén chặt rễ trên vùng đất tốt.