Chế độ ăn hỗ trợ kiểm soát hội chứng Peutz-Jeghers
Mặc dù chế độ ăn uống không phải là phương pháp điều trị hội chứng Peutz - Jeghers nhưng dinh dưỡng góp phần kiểm soát triệu chứng, tăng cường sức khỏe đường ruột, hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt ung thư đường tiêu hóa.
Nội dung
1. Chế độ ăn uống giúp hỗ trợ kiểm soát hội chứng Peutz-Jeghers
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị hội chứng Peutz-Jeghers
3. Tham khảo một số thực phẩm lành mạnh giúp hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư
1. Chế độ ăn uống giúp hỗ trợ kiểm soát hội chứng Peutz-Jeghers
Hội chứng Peutz-Jeghers là do rối loạn di truyền ở nhiễm sắc thể làm cho người bệnh có tình trạng phát triển polyp có thể dẫn đến một số ung thư nếu không được điều trị kiểm soát. Bệnh nhân có hội chứng Peutz-Jeghers có nguy cơ bị ung thư đường tiêu hóa cao gấp 15 lần so với người bình thường.
Khi mắc hội chứng Peutz-Jeghers, bệnh nhân thường xuất hiện polyp trong ruột non, dạ dày, đại tràng; có các đốm sắc tố mọc rất đặc trưng quanh môi, trong miệng, lỗ mũi, ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân...
Người bệnh còn kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Nếu không được phát hiện sớm thường phải viện trong tình trạng cấp cứu do các biến chứng của polyp đường tiêu hóa như tắc ruột do lồng ruột, chảy máu tiêu hóa, hoại tử ruột.

Người bị hội chứng Peutz-Jeghers có thể phải cấp cứu do các biến chứng của polyp đường tiêu hóa.
Để điều trị hiệu quả cần phát hiện sớm và quản lý các triệu chứng, theo dõi và phòng ngừa các biến chứng, đặc biệt là nguy cơ ung thư.
Bên cạnh các biện pháp điều trị thì chế độ dinh dưỡng góp phần kiểm soát các triệu chứng của hội chứng Peutz-Jeghers. Chế độ ăn khoa học và lành mạnh hỗ trợ tăng cường sức khỏe đường ruột, giảm thiểu các triệu chứng tiêu hóa và các vấn đề liên quan đến sự phát triển polyp.
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng cũng giúp duy trì sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể đối phó tốt hơn với bệnh tật và các liệu pháp điều trị khác. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp góp phần hỗ trợ giảm nguy cơ phát triển ung thư, một biến chứng đáng lo ngại của hội chứng Peutz-Jeghers.
BSCKI. Nguyễn Bá Dũng
Sau khi điều trị hội chứng Peutz - Jeghers, bệnh nhân thực hiện chế độ ăn lành mạnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe và ngăn ngừa ung thư; bổ sung rau xanh, trái cây giúp giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa; hạn chế các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia và các thực phẩm nhiều chất béo bão hòa...
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị hội chứng Peutz-Jeghers
Người mắc hội chứng Peutz-Jeghers cần đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, lưu ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất sau:
Protein
Protein đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng và sửa chữa các mô tế bào bao gồm cả niêm mạc đường tiêu hóa. Người bệnh cần đảm bảo đủ protein giúp cơ thể phục hồi sau các tổn thương và duy trì chức năng hệ miễn dịch từ các nguồn thực phẩm: Thịt gia cầm, cá, trứng, các loại đậu, đậu phụ, các loại hạt và sữa.
Vitamin và khoáng chất
Việc cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất giúp duy trì các chức năng của cơ thể và hỗ trợ quá trình phục hồi tế bào.
Người bệnh nên ăn đa dạng các loại trái cây, rau củ có màu sắc khác nhau (cung cấp vitamin A, C, E, K, nhóm B, folate và các khoáng chất như kali, magie), ngũ cốc nguyên hạt (cung cấp vitamin nhóm B, chất xơ và khoáng chất), các sản phẩm từ sữa (cung cấp canxi và vitamin D).
Sắt
Chảy máu do polyp đường tiêu hóa là một biến chứng thường gặp ở người bệnh dẫn đến nguy cơ thiếu máu. Vì vậy việc bổ sung đủ sắt là cần thiết để duy trì lượng huyết sắc tố ổn định, đảm bảo chức năng vận chuyển oxy của máu.
Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm: Thịt đỏ (ăn vừa phải), gan, các loại đậu, rau lá xanh đậm, hải sản và các loại hạt.
Lưu ý khả năng hấp thụ sắt từ thực vật thường kém hơn từ động vật. Nên kết hợp thực phẩm giàu vitamin C (trái cây họ cam quýt, ổi, ớt chuông) để tăng cường hấp thụ sắt.
Bổ sung chất xơ đúng cách
Chất xơ rất quan trọng cho sức khỏe đường ruột, giúp duy trì nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, việc bổ sung chất xơ cho người bị hội chứng Peutz-Jeghers cần thận trọng hơn do do nguy cơ tắc ruột tiềm ẩn từ các polyp.
Polyp lớn có thể gây tắc nghẽn và một chế độ ăn quá nhiều chất xơ không hòa tan có thể làm tăng nguy cơ này ở một số người bệnh. Do đó, cách tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng chất xơ phù hợp.
Nên ưu tiên chất xơ hòa tan trong chế độ ăn uống từ các nguồn thực phẩm như: Yến mạch, táo (bỏ vỏ), lê (bỏ vỏ), cam, quýt, rau củ nấu chín mềm. Cần tăng lượng chất xơ từ từ và uống đủ nước. Đảm bảo uống đủ lượng nước khuyến nghị hàng ngày (khoảng 1,5 - 2 lít) để giúp chất xơ di chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa và làm mềm phân.

Một số thực phẩm lành mạnh giúp hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư.
3. Tham khảo một số thực phẩm lành mạnh giúp hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), ít nhất 18% trong số tất cả các loại ung thư và khoảng 16% số ca tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ có liên quan đến tình trạng thừa cân, ít vận động, uống rượu và dinh dưỡng kém. Có nhiều loại ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách tuân theo các khuyến nghị về dinh dưỡng và hoạt động thể chất.
ACS khuyến nghị mọi người hãy vận động cơ thể thường xuyên và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm: Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng; Nhiều loại rau có màu xanh đậm, đỏ và cam; Các loại đậu giàu chất xơ; Ngũ cốc nguyên hạt; Trái cây, đặc biệt là trái cây nguyên quả có nhiều màu sắc khác nhau...
Rau và trái cây
Các nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều rau và trái cây, là nguồn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể có nguy cơ mắc một số loại ung thư thấp hơn.
Các loại rau củ quả đa dạng màu sắc chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và đặc biệt là các hợp chất thực vật có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương DNA và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Các loại đậu và hạt
Nhóm thực phẩm này chứa nhiều protein thực vật, chất xơ, vitamin, khoáng chất và các hợp chất giúp điều chỉnh hormone, giảm viêm và ức chế sự phát triển mạch máu nuôi khối u.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, vitamin nhóm B, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi. Chất xơ giúp duy trì nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh, hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Các loại gia vị và thảo mộc
Nhiều loại gia vị và thảo mộc như nghệ, gừng, tỏi, trà xanh... chứa các hợp chất có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Lưu ý: Chế độ ăn uống lành mạnh chỉ là một phần trong việc hỗ trợ kiểm soát và giảm nguy cơ ung thư. Người mắc hội chứng Peutz-Jeghers nên thực hiện chế độ ăn uống theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng. Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị và kiểm tra thường xuyên theo lịch hẹn nhằm phát hiện tổn thương tiềm ẩn tiến triển thành ung thư để có biện pháp can thiệp kịp thời.