Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý cho người đột quỵ
Chế độ ăn hợp lý giúp tránh tai biến nặng hơn, giúp người bệnh nhanh hồi phục và giảm bớt sự tiến triển bệnh.
Trên thế giới cứ 45 giây lại có một người bị đột quỵ não (tai biến mạch máu não), cứ 3 phút lại thêm một người tử vong vì bệnh này.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, trong đó 50% tử vong.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não có thể kể đến là: Cao huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ (trên bệnh nhân bị hẹp van tim hai lá), béo phì, rối loạn lipid máu, dùng thuốc viên ngừa thai, stress và hút thuốc lá.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn
- Thức ăn phải dễ tiêu hóa, hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như súp, cháo, sữa. Cần phân bố đều 3-4 bữa/ngày. Không nên ăn quá no.
- Tránh dùng thức ăn lên men, gây kích thích như gia vị cay nóng, rượu chè, cà phê.
- Khẩu phần ăn cần giảm nước do bệnh nhân không bài tiết được nhiều nước và muối vì bị tụ máu ở tĩnh mạch gây phù, chức năng thận kém.
Nếu bệnh nhân suy tim thì lượng nước đưa vào cơ thể phải phụ thuộc vào lượng nước tiểu bài tiết trong 24 giờ.
- Giảm muối trong khẩu phần ăn: Hạn chế muối ở mức độ 4-5 g/ngày (tương đương một muỗng cà phê) để giảm phù. Giúp thận bài tiết các chất đào thải của chuyển hóa đạm, chất béo, tinh bột, đường.
Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa cà, hành muối, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích.
- Năng lượng trong khẩu phần nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tuần hoàn và tiêu hóa. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở 30-35 kcalo/kg cân nặng/ngày. Nguồn năng lượng nên lấy từ khoai, củ, cơm, mì, bún, miến, đậu, đỗ.
Nhu cầu dinh dưỡng cụ thể
Chất đạm: 0,8 g/kg cân nặng/ngày. Chọn thực phẩm ít cholesterol và nhiều đạm thực vật như các loại đậu, cá biển, thịt nạc, sữa gầy. Nếu bệnh nhân bị suy thận cần giảm lượng đạm trên còn 1/2.
Chất béo: 25-30 g/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật, 2/3 còn lại là chất béo thực vật.
Các acid béo trong dầu thực vật có khả năng làm giảm nguy cơ tái đột quỵ, đặc biệt là do cục máu đông trong lòng mạch máu não. Nên giảm mỡ, chất béo bão hòa, nội tạng động vật. Nên ăn nhiều cá vì trong cá chứa nhiều acid béo Omega 3.
Chất khoáng: Trong rau củ, các loại hoa quả chín có chứa nhiều kali, tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp, chống lại tình trạng toan của cơ thể.
Trung bình một quả chuối chứa 411 mg kali/100 g, tương đương với một củ khoai tây nướng hay một ly nước cam. Người tiêu thụ
Vitamin: Tăng cường vitamin C và acid folic. Nên dùng acid folic ít nhất 300 mcg/ngày, điều này giúp giảm 20% nguy cơ đột quỵ, 13% nguy cơ bệnh tim. Ngoài ra, acid folic còn có tác dụng chống xơ vữa động mạch, hạ huyết áp, giảm mỡ máu.
Acid folic có nhiều trong gan, trái cây có vị chua, rau ăn lá màu xanh đậm, các loại đậu…
Các loại rau không chứa tinh bột bao gồm bông cải xanh, cải bó xôi, nấm, hành tây, cà tím… Những loại rau này giàu vitamin, muối khoáng và chất xơ, tác dụng chống táo bón, giảm rặn khi đại tiện (ngăn ngừa tai biến mạch máu não).
Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Vận động thể lực: Luyện tập đều đặn mỗi ngày khoảng 30 phút bằng cách đi bộ hoặc chạy bộ nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, yoga… Không tập các bài tập nặng, gắng sức.
Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá là một yếu tố gây xơ vữa động mạch và co thắt động mạch rất mạnh. Các hóa chất trong khói thuốc làm tăng phản xạ giao cảm, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, béo phì nội tạng và tăng tiến triển của bệnh thận mạn.
Rượu: Uống vừa phải 20-30 ml/ngày với loại có nồng độ cồn
Khi uống nên chọn rượu vang vì chứa nhiều resveratrol, tác dụng bảo vệ tim mạch, chống ung thư da, ruột già, máu và bảo vệ chức năng gan.
Bớt stress: Giữ thái độ tinh thần thích hợp, lạc quan, tránh căng thẳng, nóng giận.
Giảm cân nặng: Tập trung vào bữa ăn sáng, trưa ăn vừa phải, tối ăn ít. Không nên để bụng rỗng nhưng cũng đừng ăn quá no. Tránh nước ngọt, chocolate, các bánh kẹo ngọt. Cố gắng đưa BMI về mức lý tưởng trong khoảng 18-23. Vòng bụng
Điều trị tốt bệnh cao huyết áp:Cao huyết áp lànguyên nhân gây đột quỵ. Nên nhớ khi đã được chẩn đoán bị cao huyết áp cần phải uống thuốc thường xuyên, không được ngắt quãng. Nếu không sẽ làm cho huyết áp dao động nhiều, ảnh hưởng huyết động dễ gây đột quỵ não.
Phòng ngừa và điều trị tốt bệnh đái tháo đường: Vì đây là tác nhân gây mảng xơ vữa động mạch lớn, tạo cục máu đông trong lòng mạch dẫn đến đột quỵ.
Khi được chẩn đoán bị rung nhĩ: Ngoài thuốc điều trị rung nhĩ (chẳng hạn nhóm chẹn beta), cần dùng thêm thuốc chống đông máu như Aspirin hay Clopidogrel.
Lý do là khi bị rung nhĩ, máu dễ vón cục trong tâm nhĩ của tim, dẫn đến tắc mạch máu não gây đột quỵ não.
Điều trị tốt rối loạn lipid máu: Rối loạn lipid máu biểu hiện qua việc tăng cholesterol máu hay tăng triglycerides máu. Dùng nhóm “statin” (lovastatin, simvastatin…) cho bệnh nhân bị tăng cholesterol máu và nhóm “fibrat” cho bệnh nhân bị tăng triglycerides máu.
Ngoài ra tránh ăn nhiều dầu mỡ, chỉ nên dùng dầu ô liu, đậu nành. Tránh ăn thịt mỡ, phủ tạng động vật.
Phụ nữ dùng thuốc ngừa thai: Cần sự tư vấn cụ thể của thầy thuốc cho từng trường hợp.
Theo BS Ngô Văn Tuấn (Suckhoedoisong.vn)
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/che-do-an-uong-sinh-hoat-hop-ly-cho-nguoi-dot-quy-876282.html