Chế độ giáo viên được hưởng khi tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi
Tổng hợp các chế độ nghỉ việc theo diện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi mới nhất mà giáo viên cũng như người lao động rất quan tâm.
Từ năm 2021, thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động, cộng với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục, bên cạnh đó với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Do vậy, giai đoạn hiện nay, nhà giáo các cấp đang có việc nhiều người từ đạt chuẩn thành dưới chuẩn, nhiều người sức khỏe không đảm bảo,…có nhiều giáo viên xin nghỉ hưu trước tuổi, xin nghỉ diện tinh giản biên chế,…
Trong bài viết hôm nay, xin cung cấp cùng bạn đọc chế độ mà giáo viên được hưởng khi tinh giản biên chế mới nhất năm 2023.
Quy định về các trường hợp nghỉ việc tinh giản biên chế mới nhất
Căn cứ Văn bản hợp nhất Số: 1/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP , Nghị định 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các chế độ chính sách tinh giản biên chế như sau:
Thứ nhất, chính sách về hưu trước tuổi
Tại Điều 8 quy định về chính sách về hưu trước tuổi
1. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:
a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
b) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động;
c) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương.
2. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động.
3. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
4. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi."
Thứ hai, chính sách chuyển việc
Tại Điều 9 quy định chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước được hưởng chế độ như sau:
“1. Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước được hưởng các khoản trợ cấp sau:
a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng;
b) Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.
2.Không áp dụng chính sách quy định tại khoản 1 Điều này đối với những người đã làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đơn vị chuyển đổi sang đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa vẫn được giữ lại làm việc; những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn đủ 3 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn đủ 3 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.”
Thứ ba, chính sách thôi việc
Tại Điều 10 quy định về chính sách thôi việc được hưởng các chế độ sau:
“1. Chính sách thôi việc ngay
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này có tuổi tối đa thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này hoặc có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:
a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;
b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.
2. Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:
a) Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng;
b) Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;
c) Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;
d) Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;
đ) Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.
3. Các đối tượng thôi việc quy định tại khoản 1, 2 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; không được hưởng chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Tiền lương tháng quy định tại Nghị định này được tính bao gồm: tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp quy định này được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản. Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.
Nghỉ hưu trước tuổi trong điều kiện lao động bình thường
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu (về hưu sớm, nghỉ hưu trước tuổi) trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Theo đó, người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên;
Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và thêm một trong các điều kiện sau:
Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Người lao động không bị quy định giới hạn về tuổi đời khi đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;
Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp người lao động nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Bên cạnh đó, người lao động có 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí, không đi làm việc có thể lựa chọn như sau: Chờ đến khi đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng tỷ lệ % lương hưu và được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Trên đây là tổng hợp các chế độ nghỉ việc theo diện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi mới nhất mà giáo viên cũng như người lao động có thể tham khảo.