Chế độ tiền lương dạy thêm giờ
* Hỏi: Tôi là giáo viên Tin học THCS. Trường tôi có 2 giáo viên dạy Tin. Đến học kỳ II, đồng nghiệp của tôi nghỉ thai sản nên tôi phải dạy bổ sung phần việc của giáo viên đấy.
Xin hỏi, tôi có được tính tiền dạy thêm giờ không? – Hoàng Thành An (hoangan***@gmail.com).
* Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 6 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (ban hành kèm theo Thông tư số 28 /2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) quy định: Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau: Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.
Khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 "Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập", quy định: Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.
Khoản 1 Điều 5 Thông tư trên hướng dẫn về nguồn kinh phí như sau: Đối với các cơ sở giáo dục công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ do ngân sách Nhà nước bảo đảm và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.
Căn cứ vào các quy định nêu trên và theo thư bạn viết, trường hợp của bạn đủ điều kiện được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/che-do-tien-luong-day-them-gio-20200620160031840.html