Chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024: Lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ thế nào?

Một trong những điều kiện thuận lợi khi thực hiện cải cách tiền lương là tích lũy đủ nguồn ngân sách để triển khai đồng bộ nội dung của chế độ tiền lương mới.

Hiện quỹ tiền lương đạt khoảng 560.000 tỉ đồng, dư để đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 và trong khoảng ba năm từ 2024 - 2026 theo đúng Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Đây đang là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do đây đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và là đối tượng được thụ hưởng chính sách cải cách tiền lương này.

Về cải cách tiền lương, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Đinh Thị Phương Lan - đoàn Quảng Ngãi, đã đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể nguồn lực chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng cho rằng, trong cải cách chính sách tiền lương, cần đặc biệt quan tâm đến tiền lương, phụ cấp của cán bộ, công chức cấp cơ sở, cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn và thôn bản.

Hay trước đó, đại biểu Hà Ánh Phượng - đoàn Phú Thọ cho rằng, thực hiện cải cách tiền lương lần này, cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024: Lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ thế nào? - Ảnh: TTXVN

Chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024: Lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ thế nào? - Ảnh: TTXVN

Lộ trình thực hiện sẽ từ 1/7/2024 với tinh thần, quan điểm thực hiện 6 nội dung của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.

Thứ nhất, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang. Thứ hai, sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay. Thứ ba, chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ tư, chế độ nâng bậc lương. Thứ năm, nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Thứ sáu, quản lý tiền lương và thu nhập. Vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, thuộc lĩnh vực nội vụ, trong đó có vấn đề về chính sách tiền lương. Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị “là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương” làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Được biết, thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm từ ngày 1/7/2024, dự kiến phương án được trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Về nguồn tài chính, thời gian qua, ở Trung ương đã tiến hành sắp xếp, giảm 17 cấp tổng cục; giảm 8 cục, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; còn ở địa phương giảm được 7 sở, 6 tổ chức hành chính khác, qua đó góp phần tinh giản biên chế - cơ sở tạo nguồn cải cách tiền lương.

Từ ngày 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, qua đó mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương tháng tối thiểu dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng I hiện là 4,68 triệu đồng; vùng II là 4,16 triệu đồng, vùng III là 3,64 triệu đồng và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Giải pháp này được Bộ trưởng Nội vụ nêu ra nhằm hướng tới giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo làm cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương trong thời gian tới.

Tại báo cáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã nêu 5 giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, kịp thời vào thời điểm từ ngày 1/7/2024. Một là, trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Hai là, tập trung triển khai Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về cải cách chính sách tiền lương ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Ba là, thực hiện các giải pháp tài chính để tạo nguồn bảo đảm thực hiện cải cách chính sách tiền lương bền vững; xây dựng quy định về cơ chế quản lý tiền lương mới của khu vực công trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bốn là, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo làm cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương mới.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về cải cách chính sách tiền lương; đặc biệt tránh lợi dụng tăng lương để tăng giá làm mất cân đối thị trường.

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, thực hiện chế độ cải cách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cũng được "cải cách" đáng kể, từ đó giảm độ chênh lệch giữa thu nhập từ lương với biên độ giá cả thực tế thị trường; đảm bảo hơn đời sống vật chất cho đội ngũ người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Như vậy, điều này góp phần tạo thêm sức hấp dẫn từ khu vực công, là tiền đề để tuyển chọn và giữ chân người có năng lực, hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám" từ khu vực công sang khu vực tư trong bối cảnh hiện nay.

Nhật Khôi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/che-do-tien-luong-moi-tu-172024-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-se-the-nao-283555.html