Chế độ tiền tệ lưỡng cực sẽ thay thế vị trí thống trị của đồng đô la
Đồng bạc xanh đang phải chịu tác động của việc gia tăng cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ toàn cầu kể từ khi hệ thống Bretton Woods được thiết lập sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng với việc tăng cường vũ khí hóa đồng đô la vì mục đích an ninh quốc gia và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa phương Tây và các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, một số người cho rằng quá trình phi đô la hóa sẽ tăng tốc. Quá trình này cũng được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có thể dẫn đến một loại tiền tệ đa cực thay thế và chế độ thanh toán quốc tế.
Những người hoài nghi lập luận rằng, tỷ trọng của đồng đô la Mỹ trên toàn cầu với tư cách là đơn vị tài khoản, phương tiện thanh toán và kho lưu trữ giá trị đã không giảm nhiều, bất chấp mọi lời bàn tán về sự suy giảm.
Các lập luận sắc nét hơn chỉ ra rằng, với một số nền kinh tế theo quy mô và mạng lưới dẫn đến tình trạng độc quyền tương đối trong trạng thái tiền tệ dự trữ, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không thể trở thành một loại tiền tệ dự trữ thực sự trừ khi các biện pháp kiểm soát vốn được loại bỏ dần và tỷ giá hối đoái được thực hiện linh hoạt hơn.
Hơn nữa, một quốc gia sử dụng đồng tiền dự trữ cần phải chấp nhận, thâm hụt tài khoản vãng lai vĩnh viễn để phát hành đủ các khoản nợ mà người không cư trú nắm giữ như một đối trọng.
Cuối cùng, những người hoài nghi lập luận rằng, tất cả các nỗ lực nhằm tạo ra một chế độ tiền tệ dự trữ đa cực - ngay cả Quyền rút vốn đặc biệt của IMF bao gồm đồng nhân dân tệ - cho đến nay đều thất bại trong việc thay thế đồng đô la.
Những điểm này có thể đã từng có giá trị nhất định, nhưng trong một thế giới ngày càng bị chia cắt thành hai phạm vi ảnh hưởng địa chính trị - cụ thể là những khu vực xung quanh Mỹ và Trung Quốc - thì có khả năng một chế độ tiền tệ lưỡng cực thay vì đa cực sẽ trở thành giải pháp.
Trong khi đó, việc tỷ giá hối đoái và lưu động vốn quốc tế hoàn toàn linh hoạt là không cần thiết để một quốc gia đạt được trạng thái đồng tiền dự trữ. Tóm lại, trong thời đại của bản vị hối đoái vàng, đồng đô la chiếm ưu thế bất chấp tỷ giá hối đoái cố định và sự kiểm soát vốn rộng rãi.
Và trong khi Trung Quốc có thể có các biện pháp kiểm soát vốn, Mỹ có phiên bản riêng có thể làm giảm sức hấp dẫn của tài sản bằng đô la. Chúng bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các đối thủ, hạn chế đầu tư vào nhiều lĩnh vực và công ty nhạy cảm với an ninh quốc gia, và thậm chí cả các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những quốc gia vi phạm những điều cơ bản.
Vai trò của đồng đô la Mỹ có thể suy giảm trong thập kỷ tới
Vào tháng 12 vừa qua, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã thực hiện giao dịch đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể cung cấp cho Ả Rập Xê Út và các quốc gia dầu mỏ khác thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) khả năng giao dịch dầu mỏ bằng nhân dân tệ và nắm giữ một phần lớn hơn dự trữ của họ bằng nhân dân tệ.
Có khả năng là các quốc gia GCC, cũng như nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi khác có thể sớm bắt đầu chấp nhận những đề nghị như vậy của Trung Quốc do họ thực hiện giao dịch thương mại với Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ.
Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng tiến thoái lưỡng nan Triffin (được đặt tên theo nhà kinh tế học Robert Triffin) trong một chế độ tiền tệ, trong đó một quốc gia muốn đồng tiền của mình được sử dụng làm tiền tệ dự trữ sẽ phải chịu cảnh thâm hụt tài khoản vãng lai vĩnh viễn, điều này cuối cùng sẽ làm suy yếu tình trạng dự trữ khi tăng trưởng nợ quốc tế trở nên không bền vững.
Các nhà phê bình đặt câu hỏi liệu đồng tiền của một quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai liên tục có thể đạt được trạng thái dự trữ toàn cầu hay không. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Trung Quốc có thể đang hướng tới một mô hình tăng trưởng ít phụ thuộc vào thặng dư thương mại.
Mặt khác, tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu của Mỹ đã giảm một nửa xuống còn 20% kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng đồng đô la vẫn chiếm ít nhất 2/3 tổng số giao dịch trên toàn cầu. Hệ thống hiện tại làm cho các nền kinh tế thị trường mới nổi dễ bị tổn thương về tài chính và kinh tế trước những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ do các yếu tố trong nước như lạm phát.
Cuối cùng, các công nghệ mới bao gồm CBDC, các hệ thống thanh toán như WeChat Pay và Alipay, các đường chuyển đổi giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, và các lựa chọn thay thế cho Swift sẽ đẩy nhanh sự ra đời của một hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu lưỡng cực.
Vì tất cả những lý do này, sự suy giảm tương đối của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ chính trên toàn cầu có thể sẽ xảy ra trong thập kỷ tới. Cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ được cảm nhận trong chế độ tiền tệ dự trữ toàn cầu lưỡng cực.