Che giấu nhận 260 triệu đồng, cựu trưởng Công an TP Thanh Hóa chỉ đạo lập khống 3 biên bản
Để che giấu việc nhận 260 triệu đồng từ Đỗ Đức Hiếu, cựu trưởng Công an TP Thanh Hóa Nguyễn Chí Phương đã gọi 4 thuộc cấp tới yêu cầu lập khống 3 biên bản ghi nhận Hiếu đưa tiền cho mình vào các ngày khác nhau và có sự chứng kiến của 4 người trên.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, sau nhiều lần bị hoãn, sáng ngày 8-5, phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tội "Nhận hối lộ" theo Điểm C, Khoản 2, Bộ Luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Nguyễn Chí Phương, cựu đại tá, cựu Trưởng Công an TP Thanh Hóa đã diễn ra như dự kiến.
Tại phiên xét xử, bị cáo Phương đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình. Đỗ Đức Hiếu - người đưa 260 triệu đồng cho Nguyễn Chí Phương nhờ "chạy án" - cũng cho biết không mong muốn sự việc này xảy ra, nhưng để đòi lại 260 triệu đồng, Hiếu mới làm đơn tố cáo. Tại tòa, Hiếu cũng mong HĐXX xem xét giảm án cho cựu lãnh đạo của mình.
Đáng chú ý, theo cáo trạng của VKDND Tối cao, trong quá trình diễn ra vụ việc, Nguyễn Chí Phương đã nhận tiền của Đỗ Đức Hiếu để "chạy án", tuy nhiên khi sự việc không thành, Nguyễn Chí Phương đã tìm cách "thoát tội" bằng cách gọi 4 thuộc cấp là các ông Mỵ Duy Xuân (thời điểm đó là Phó trưởng Công an TP Thanh Hóa); Đào Quang Thạch, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an TP Thanh Hóa; Trương Văn Quang, Đội trưởng Đội Chính trị Hậu cần, và anh Lê Thành Chung, Đội phó Đội Cảnh sát trật tự, đến phòng làm việc của mình.
Tại đây, Nguyễn Chí Phương đã đưa ra thông tin không đúng sự thật là việc Đỗ Đức Hiếu đưa tiền cho mình đã được báo cáo Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Thường vụ Đảng ủy; lãnh đạo Công an TP Thanh Hóa. Để giữ uy tín cho đơn vị, cá nhân và có căn cứ báo cáo cấp trên, Phương yêu cầu cấp dưới lập biên bản sự việc các lần Hiếu đưa tiền.
Sau đó, Nguyễn Chí Phương chỉ đạo ông Đào Quang Thạch và Trương Văn Quang lập 3 biên bản khống ghi nhận sự việc Đỗ Đức Hiếu đưa tiền vào các ngày 19-7-2018, 20-7-2018 và 4-8-2018.
Tới ngày 29-11-2018, khi biết Nguyễn Chí Phương đã nhận tiền của Đỗ Đức Hiếu nhưng không báo cáo cho ai biết và lợi dụng các biên bản ghi nhận sự việc được lập khống ngày 25-11-2018 để che giấu vi phạm, ông Mỵ Duy Xuân và 3 người trên đã thống nhất báo cáo sự việc tới thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa.
Cáo trạng cũng khẳng định, mặc dù không chứng kiến việc Đỗ Đức Hiếu đưa tiền cho Nguyễn Chí Phương, nhưng các ông Mỵ Duy Xuân, Đào Quang Thạch, Trương Văn Quang và Lê Thành Chung lại tham gia lập và ký tên vào 3 biên bản ghi nhận sự việc Đỗ Đức Hiếu để lại tiền tại nhà riêng và phòng làm việc của bị cáo Phương, có dấu hiệu "Che giấu tội phạm".
Tuy nhiên, những người này là cấp dưới của Nguyễn Chí Phương, bị Phương đưa thông tin lừa dối và yêu cầu thực hiện, thời điểm lập và ký biên bản chưa biết rõ Phương phạm tội "Nhận hối lộ", đã chủ động báo cáo sự thật với Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa và Thanh tra Bộ Công an trước khi bị phát hiện. Vì vậy, xét tính chất và mức độ, cơ quan điều tra không xử lý hình sự mà kiến nghị Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa xử lý hành chính.
Dù bị truy tố với khung hình phạt từ 7-15 năm tù, thế nhưng do có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Nguyễn Chí Phương đã được đại diện VKSND đề nghị xử dưới khung với hình phạt từ 2-3 năm tù giam. Sau thời gian nghị án, phiên xét xử sẽ mở lại và tuyên án vào chiều ngày 12-5.
Theo cáo trạng, ngày 18-7-2018, anh Đỗ Đức Hiếu (khi đó là cán bộ Đội Cảnh sát trật tự Công an TP Thanh Hóa) đã có hành vi trộm cắp xe máy của một người trong cơ quan và bị phát hiện.
Nhằm "chạy tội", Đỗ Đức Hiếu đã tìm gặp Nguyễn Chí Phương (thời điểm đó là đại tá, Trưởng Công an TP Thanh Hóa) và có 3 lần đưa tiền cho Phương, với tổng số tiền 260 triệu đồng. Lần 1 vào tối 19-7-2018, đưa tại nhà riêng Nguyễn Chí Phương (ở số 158, đường Triệu Quốc Đạt, TP Thanh Hóa) đưa 50 triệu đồng; lần 2 vào sáng 20-7-2018 đưa 200 triệu đồng (tại phòng làm việc của Phương); lần 3 vào tối 26-7-2018 tại nhà riêng với số tiền 10 triệu đồng.
Các lần nhận tiền, Nguyễn Chí Phương đồng ý nhận lời giúp và nói với anh Hiếu: "Bác đồng ý giúp, nhưng phải xin ý kiến của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa và phải mất chi phí". "Bác sẽ bàn với Thanh (ông Nguyễn Đức Thanh, Viện trưởng VKSND TP Thanh Hóa), rồi sau giữa công an với viện kiểm sát họp lại thống nhất là không cần thiết phải khởi tố… đấy. Bác sẽ chặt chẽ. Bác sẽ cố gắng thu xếp. Bác chưa dám hứa trước nhưng mà sẽ tích cực".
Để giúp anh Hiếu, Nguyễn Chí Phương đã tổ chức họp cơ quan bàn biện pháp xử lý vụ việc của anh Hiếu. Phương đưa ra hướng xử lý, đồng thời chỉ đạo đơn vị liên quan làm thủ tục để cho anh Hiếu tự nguyện viết đơn xin ra quân, không phải xử lý hình sự.
Tuy nhiên, đến ngày 23-7-2018, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Phương phải tạm dừng công tác với anh Hiếu, đồng thời tiến hành quy trình tước danh hiệu Công an nhân dân, chứ không được xử lý nội bộ, cho xuất ngũ. Anh Hiếu sau đó đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân, bị khởi tố, xét xử về tội trộm cắp tài sản, bị TAND TP Thanh Hóa ngày 22-11-2018 tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ.
Tiền mất, công danh sự nghiệp cũng tiêu tan, lúc này anh Hiếu đi đòi lại số tiền 260 triệu đồng nhưng Nguyễn Chí Phương không trả nên đã làm đơn kèm ghi âm tố cáo Phương. Sự việc bại lộ, Phương tìm đủ cách trả tiền nhưng anh Hiếu không nhận.
Ngày 30-11-2018, Nguyễn Chí Phương đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa quyết định tạm đình chỉ công tác. Ngày 25-1-2019, Bộ trưởng Bộ Công an có quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với đại tá Nguyễn Chí Phương. Cũng trong ngày 25-1, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Chí Phương.