Chế lời ca khúc: Khi nào cần phê phán?

Nhà thơ Hữu Thỉnh, 'cha đẻ' bài thơ 'Trên một chiếc xe tăng', được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát 'Năm anh em trên một chiếc xe tăng' cho rằng: Việc sửa, chế lời bài hát hay bài thơ là kém văn hóa, vi phạm bản quyền, cần phê phán. Nhưng một nhà thơ khác lại phản biện:

“Món quà” đêm giao thừa, “Gặp nhau cuối năm” (Táo quân) ấy chẳng chuyên chế lời bài hát đó sao? Thế mà khán giả vẫn vỗ tay rào rào. Chỉ có một điểm chung: Từ nhà thơ, nhà văn đến khán giả không ai chấp nhận và tha thứ cho việc chế lời Quốc ca.

NSND Công Lý (trái) và NSND Xuân Bắc (phải) trong một chương trình Táo quân. Ca khúc thiếu nhi “Đi học” (Thơ: Hoàng Minh Chính, Nhạc: Bùi Đình Thảo) từng lên chương trình Táo quân với lời chế được “Cô Đẩu” (NSND Công Lý đóng) thể hiện: “Hôm qua em tới trường, bạn đánh em gần chết” để nói về vấn nạn bạo lực học đường. Câu chế này từng “gây bão” nhưng cũng có ý kiến chê phản cảm

NSND Công Lý (trái) và NSND Xuân Bắc (phải) trong một chương trình Táo quân. Ca khúc thiếu nhi “Đi học” (Thơ: Hoàng Minh Chính, Nhạc: Bùi Đình Thảo) từng lên chương trình Táo quân với lời chế được “Cô Đẩu” (NSND Công Lý đóng) thể hiện: “Hôm qua em tới trường, bạn đánh em gần chết” để nói về vấn nạn bạo lực học đường. Câu chế này từng “gây bão” nhưng cũng có ý kiến chê phản cảm

Nhận thức quá kém

Mới đây, Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới 2017 Phương Lê gây phẫn nộ trong dư luận khi bà sửa câu đầu tiên của Quốc ca trên sóng livestream. Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh đã phản hồi về sự việc: Hoa hậu Quý bà sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Nhưng làn sóng phẫn nộ vẫn dâng lên trên khắp các diễn đàn.

Không ít tài khoản trích dẫn luật: “Điều 351 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca như sau: Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ 06 tháng đến 03 năm”.

Phương Lê đã khóc, đã xin lỗi song thái độ của khán giả vẫn không thay đổi bởi “không thể cứ làm sai rồi xin lỗi là cho qua chuyện được”, một ý kiến nhận được cả ngàn like. Nhiều tài khoản đề nghị nên xử lý mạnh tay với trường hợp Phương Lê và tẩy chay quý bà này.

PGS.TS Nguyễn Văn Cương, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bày tỏ: “Việc sửa lời Quốc ca của Hoa hậu Quý bà Phương Lê có thể đánh giá là nhận thức quá kém, cần lên án. Là người có danh hiệu thì càng phải cẩn thận trong lời ăn, tiếng nói, việc làm vì độ phủ sóng cao, ảnh hưởng lớn”.

Phóng viên liên lạc với họa sĩ Nghiêm Thành, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao. Ông cho biết: “Vì cha tôi đã hiến tặng Nhà nước tác phẩm này nên gia đình không có ý kiến quanh ồn ào”. Phóng viên hỏi: “Ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao có hay bị chế lời không?”. Ông nói: “Cũng bị chế không ít. Theo tôi, những bài liên quan chính trị, liên quan lịch sử thì cần nghiêm túc, đừng sửa lời bừa bãi”.

Đáng nói, tác phẩm bị chế lời nhiều nhất của nhạc sĩ Văn Cao lại là “Tiến quân ca”. Theo họa sĩ Nghiêm Thành: “Có thể vì nó dễ thuộc, dễ hát. Hồi còn sống, ông cụ tôi cũng từng nói về chuyện bài Tiến quân ca khi đã được chọn làm Quốc ca vẫn bị chế lời nhưng giờ tôi quên lời chế ấy rồi.

Cố nhạc sĩ Văn Cao, tác giả “Tiến quân ca”, bài hát được chọn làm Quốc ca

Cố nhạc sĩ Văn Cao, tác giả “Tiến quân ca”, bài hát được chọn làm Quốc ca

Cha tôi không phản ứng gắt vì nhiều nhạc phẩm của các nhạc sĩ khác cũng bị chế. Thí dụ, cố nhạc sĩ Xuân Hồng hồi còn sống cũng từng qua nhà tôi và kể rằng bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo bị chế lời nhiều, thậm chí lời chế còn phổ biến. Cái câu Túng tiền tiêu người yêu anh cũng bán là chế lời đấy thôi”.

Một nhà thơ U70 cũng xác nhận: “Thời tôi còn bé tí đã nảy ra nạn chế lời rồi. Quốc ca cũng bị chế”. Ông nhắc lại lời chế Quốc ca, hóa ra lại là một câu khá quen thuộc chắc trẻ em nhiều vùng quê trước đây cũng thuộc. Sau này, việc chế lời Quốc ca hiếm xảy ra vì nhận thức của người dân đi lên. Một tài khoản viết: “Hát Quốc ca chẳng những cần đúng lời mà còn phải đúng cả cử chỉ, hành vi”.

Chính vì vậy việc Hoa hậu Quý bà Phương Lê chế câu đầu tiên trong bài Quốc ca đã bị lên án mạnh mẽ. Lúc này, người bạn đời của Phương Lê, NSƯT Vũ Luân cũng bị chỉ trích, vì trên sóng livestream anh ngồi bên cạnh Phương Lê để cô chế lời quốc ca mà vẫn cười như không có chuyện gì xảy ra. PGS.TS Nguyễn Văn Cương cũng trừ điểm NSƯT Vũ Luân: “Hoa hậu Quý bà với NSƯT Vũ Luân lên sóng livestream vừa qua đều là thiếu ý thức”.

NSƯT Vũ Luân và Hoa hậu Quý bà Phương Lê ở khoảnh khắc livestream ồn ào

NSƯT Vũ Luân và Hoa hậu Quý bà Phương Lê ở khoảnh khắc livestream ồn ào

Đừng đánh đồng chế lời có xin phép với vô phép

Quốc ca có luật bảo vệ và hơn hết, có người dân Việt Nam bảo vệ. Bất kể ai xúc phạm Quốc ca đều phải trả giá đắt. Còn nhiều ca khúc nổi tiếng ở ta bị ứng xử như trò giải trí bên bàn nhậu.

Trần Đăng Khoa là tác giả của nhiều bài thơ được phổ nhạc như “Thơ tình người lính biển” được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành bài hát “Chút thơ tình người lính biển”. “Hạt gạo làng ta” của ông cũng được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc thành bài hát được thiếu nhi yêu thích và người lớn cũng thuộc.

“Bài nào của tôi mà chẳng bị chế: Biển một bên và bia một bên; Hạt gạo làng ta, rượu vào lời ra. Tôi thấy buồn cười thôi”, Trần Đăng Khoa nói.

Nhà thơ Hữu Thỉnh không hài lòng khi biết bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” do nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc từ thơ của ông cũng bị chế. Ông nói cần phê phán vì đó là việc kém văn hóa, vi phạm bản quyền. Một cô giáo dạy văn bày tỏ quan điểm: “Hồn nào áo nấy. Ca từ và giai điệu sinh ra đã là cặp hoàn hảo. Tôi dị ứng kiểu mượn nhạc thay lời. Dù tôi không sành ngoại ngữ nhưng cũng chỉ nghe nguyên bản, không thích nhạc ngoại lời Việt.

Tất nhiên tôi không phản đối người khác thích những ca khúc kiểu ấy. Tuy nhiên, sửa lời, chế lời ca khúc cũng cần có barie. Riêng Quốc ca tôi kịch liệt phản đối. Cần phải biết có những thứ thuộc về tôn nghiêm”.

Một nhà thơ đặt câu hỏi: Chương trình Táo quân hay chế lời bài hát sao không vấn đề gì, còn được vỗ tay? Nhà báo Hồng Tuyến, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên từng tiết lộ, chương trình có xin phép tác giả đàng hoàng.

Cụ thể, năm 2009, chương trình Táo quân đã xin phép nhạc sĩ Phạm Tuyên để được cải biên ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” thành “Lụt từ ngã tư đường phố”. Ông vui vẻ đồng ý. “Lụt từ ngã tư đường phố” được Táo thoát nước Tự Long trình diễn ấn tượng, tái hiện cảnh ngập lụt tại thủ đô trong trận lụt lịch sử 2008. Nhưng chế lời nhan nhan ngoài kia đã ai xin phép các tác giả chưa?

Không chế thì không có đời sống?

Một nhà văn, nhà thơ nói: “Chế lời vui thì đừng nặng nề. Sợ nhất là người ta không chế thì bài hát không có đời sống. Nhìn xem, chỉ toàn bài nổi tiếng mới được chế, trước đây cũng thế mà hiện tại cũng vậy. Bây giờ người ta chế Vợ người ta, Không phải dạng vừa đâu, Bên trên tầng lầu… toàn ca khúc ăn khách cả”. Có nhạc sĩ gật gù tán thưởng: “Chế lời càng giúp lan tỏa bài gốc”.

Chuyện có thật xảy ra trong một minishow ở phòng trà nổi tiếng TP.Hồ Chí Minh, một danh ca từng hát lời chế nhạc phẩm “Chiếc áo bà ba” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh trong phần hát theo yêu cầu khán giả. “Ngôi sao” bolero thay vì hát “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm” lại cất giọng: “Chiếc áo bà ba sao bà năm dám mặc?”. Phòng trà rộ lên tràng cười, một số khán giả phong luôn danh ca thành “danh hài”.

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng, “cha đẻ” của nhạc phẩm “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” chỉ cười khi kể cho nhạc sĩ Văn Cao chuyện “đứa con tinh thần” của mình bị chế

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng, “cha đẻ” của nhạc phẩm “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” chỉ cười khi kể cho nhạc sĩ Văn Cao chuyện “đứa con tinh thần” của mình bị chế

Có thể thấy một bộ phận khán giả và có khi cả một số “cha đẻ” của ca khúc chưa chắc đã quá khắt khe với việc chế lời. Muốn xóa hoàn toàn việc chế lời thơ, nhạc phảm cảm không xin phép cũng khó khăn. PGS.TS Nguyễn Văn Cương nhìn thoáng: “Cuộc sống luôn phong phú. Như chửi tục, chửi bậy có bao giờ hết đâu? Bên cạnh văn hóa thì luôn có cái gọi là phản văn hóa. Những vi phạm thuộc về nhận thức văn hóa thì cần lên án. Còn nhẹ hơn thì chỉ cần nhắc nhở là được, đừng nâng cao quan điểm khiến cuộc sống nặng nề”.

Ông thừa nhận bản thân ông từng nghe một số lời chế ca khúc nổi tiếng lại thấy vui, như được xem hài. Thực ra cũng không có gì lạ, nhiều khán giả cũng thích một số lời nhạc chế ở chương trình Táo quân, thậm chí có những câu chế, từ chế đã đi vào đời sống, chẳng hạn “Hoang mang style” được chế từ “Gangnam Style”. Không hiểu ca sĩ, rapper, người viết ca khúc người Hàn Psy, chủ nhân của MV tỷ view ấy, có biết ở Việt Nam còn phổ biến bản “Hoang mang style” hay không?

Táo kinh tế (NSƯT Quang Thắng đóng) nhảy điệu “hoang mang style”, mô phỏng điệu nhảy ngựa khuynh đảo thế giới của Psy

Táo kinh tế (NSƯT Quang Thắng đóng) nhảy điệu “hoang mang style”, mô phỏng điệu nhảy ngựa khuynh đảo thế giới của Psy

Là hình thức ngược lại của phổ nhạc cho thơ?

Một nhà thơ nhìn nhận: “Nhạc chế là cách gọi sau này. Trước đó hình thức này được sử dụng trong đời sống văn hóa từ khá lâu, viết lời mới cho chèo cổ là hình thức khá phổ biến, được khuyến khích. Lứa tuổi trẻ con ai chẳng từng nghe, thậm chí chế lời cho nhạc. Cho nên chế lời cho nhạc vốn là chuyện không xa lạ trong đời sống xã hội. Vì thế khi đánh giá nó phải căn cứ vào nội dung cụ thể của từng bài và mục đích sử dụng nữa. Vấn đề bản quyền chỉ có thể xem xét trong trường hợp tác phẩm chế dùng để kinh doanh. Không phủ nhận hiện nay nhiều người qua mạng xã hội công bố những tác phẩm chế rất nhảm nhí, tục tĩu, thiếu văn hóa, cần phê phán”. Nhà thơ xin giấu tên còn cho rằng: “Chế lời là hình thức ngược lại với phổ nhạc cho thơ (lời trước nhạc sau). Chế lời là nhạc trước lời sau, cũng cần phải có chút tài năng và khiếu hài hước mới hấp dẫn người nghe. Người nào giỏi chế lời cũng có đất dụng võ đàng hoàng, chẳng hạn tham gia viết kịch bản cho chương trình Táo quân có khi lại nổi tiếng”.

Nông Hồng Diệu

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/che-loi-ca-khuc-khi-nao-can-phe-phan-post1666698.tpo