Chè sắn - món ngon nhà nghèo

Cái ngon của chè sắn là phải ăn khi còn nóng ấm. Miếng sắn dẻo quẹo, vị gừng cay cay, thơm lừng. Mùi lá dứa thanh mát.

Hồi xưa, mỗi khi biết ngoại chuẩn bị nấu chè sắn, là chị em tôi chộn rộn đứng ngồi không yên. Chỉ mong sao mau đến buổi chiều, sau giấc ngủ trưa là được ngoại chia cho mỗi đứa một chén chè thơm nức mũi. Cái hồi gian khó ấy, được ăn chén chè sắn nóng hổi của ngoại, thật xa xỉ biết bao.

Chè sắn

Chè sắn

Mỗi lần nhớ ngoại, tôi lại hay nhớ về những ngày mưa dài lê thê không dứt ở quê nhà. Khi mọi người chỉ biết quanh quẩn ngồi yên, mẹ tôi, ngoại tôi thường bày biện nấu ăn, chỉ mong lấp đầy cái bụng rỗng trong những ngày mưa gió buồn tênh.

Hồi ấy, bên hông vườn nhà tôi có khoảnh đất nhỏ, quanh năm mẹ tôi đều trồng sắn, loại sắn ba trăng bở khô, thơm bùi. Những chiều mưa ngút ngàn ấy, những món ăn từ củ sắn luôn được ưu tiên hàng đầu. Mà kỳ thực, ngoài sắn, hồi ấy cũng chẳng có gì nhiều để chế biến.

Ngoại tôi hay bảo: "Có sắn ăn là ngon rồi. Nhà ông A, ông B đầu thôn còn chẳng có để ăn kia kìa", nếu không may đứa nào trong chị em tôi than thở. Ông ngoại tôi hay kể, hồi ông còn nhỏ, ngày ba bữa cơm bà cố tôi đều nạo sắn để hấp đầy nồi. Ngán mùi sắn đến nỗi, cứ hễ thấy bà cố mở vung nồi cơm, ông tôi lại co giò bỏ chạy. Thế nên so với thời ông, chị em tôi vẫn còn sướng lắm.

Nhiều nơi gọi củ sắn là khoai mì. Ảnh: Internet

Nhiều nơi gọi củ sắn là khoai mì. Ảnh: Internet

Từ củ sắn trong vườn nhà, mẹ tôi có thể biến hóa đủ món ăn, bánh tằm, bánh sắn nướng, bánh sắn hấp đủ cả. Còn ngoại tôi chỉ chuyên trị mỗi món chè sắn. Món chè sắn của ngoại nấu cực kỳ đơn giản. Chỉ có sắn, đường bánh và một miếng gừng. Nhưng đó là món chè mà chị em tôi luôn trông đợi nhiều nhất.

Hồi ấy, để kiếm được bánh đường nấu chè cũng chẳng dễ. Nên lâu lâu ngoại mới nấu một lần để cả nhà… tẩm bổ. Chè đậu các loại thì đừng mong mơ đến. Bởi mấy thứ đậu xanh đậu đỏ ít ỏi trong nhà, còn phải đem bán lấy tiền mua gạo.

Sắn nấu chè, ngoại hay ngâm qua nước vo gạo, để cho hết vị hăng, sau đó hấp chín cùng lá dứa. Miếng sắn khi chín, được hương dứa ướp nên mùi thơm dìu dịu, mát lành. Đường nấu chè là đường bánh được nấu thủ công, miếng đường vàng ươm màu mật. Ngoại đem đập giập, rồi nấu lên với nước giếng.

Chỉ cần một miếng gừng nhỏ là đủ cho một nồi chè năm bảy chén. Gừng cắt sợi, cho vào nồi nấu cùng. Đường tan, ngoại cho sắn đã cắt miếng vào nấu trên lửa liu riu. Khi miếng sắn đã đượm vị ngọt thanh của đường, ngoại tôi sẽ cho ít bột lọc đã pha sẵn trong chén nước, đổ từ từ vào nồi chè rồi khuấy đều, để nồi chè thêm sóng sánh.

Sự vừa đủ luôn khiến chén chè ngoại nấu ngon vô cùng. Vị ngọt vừa tới, không nhạt, không đậm, không gắt, không ngán. Độ sền sệt vừa tầm, không quá lỏng mà chẳng quá đặc. Những buổi chiều mưa lành lạnh, vừa ngồi co ro bên bếp, nghe tiếng củi lửa kêu tí tách, vừa chậm rãi thưởng thức chén chè sắn, thiệt chẳng còn gì thích thú bằng.

Cái ngon của chè sắn là phải ăn khi còn nóng ấm. Miếng sắn dẻo quẹo, vị gừng cay cay, thơm lừng. Mùi lá dứa thanh mát. Hôm nào sang, ngoại cho thêm ít đậu phộng đập giập vào, ăn bùi bùi mà thơm nức mũi, ngon không nỡ nuốt.

Sau này cuộc sống khá hơn, món chè sắn của ngoại lâu lâu mới hiện diện một lần trong những buổi chiều mưa lạnh. Rồi ngoại không còn, món chè sắn cũng không ai nấu. Để chiều nay, có người bạn về quê lên, tặng cho mấy củ sắn vườn. Tôi lại nhớ đến cái vị chè sắn của ngoại năm xưa đến quay quắt cả lòng.

Theo Ngọc Hà (phunuonline.com.vn)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/chuyen-trang-phu-nu/che-san-mon-ngon-nha-ngheo-20200526131320077.htm