Chế tài mạnh xử lý chậm giải ngân đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công được coi là giải pháp có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, để giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ, cần sự quyết liệt, tăng tốc hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương và chế tài mạnh tay xử lý các dự án chậm giải ngân.

Giải ngân đạt 100%, GDP sẽ tăng 0,42%

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3 là hơn 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước giải ngân là hơn 58.595 tỷ đồng, vốn nước ngoài là hơn 2.995 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế

Ông Nguyễn Việt Phong – Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) – cho rằng, kết quả này do sự đổi mới về điều hành chính sách của Chính phủ. Cụ thể, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã giao hết vốn kế hoạch cho các địa phương và các bộ, ngành, trong khi, các năm trước Chính phủ giao thành nhiều lần, bộ, ngành và địa phương không chủ động được. Đồng thời, Luật Đầu tư sửa đổi cũng đã có những điểm thay thế những bất cập cũ, làm thủ tục đầu tư được đơn giản hơn, tháo gỡ vưỡng mắc, do vậy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm %, sẽ lan tỏa và đóng góp cho ngành xây dựng tăng thêm 1,34 điểm %. Điều này hàm ý là vốn đầu tư công chủ yếu đi vào cơ sở hạ tầng và làm nguồn vốn “mồi”, thúc đẩy đầu tư từ các khu vực khác. “Nếu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% sẽ giúp GDP tăng 0,42%”- ông Nguyễn Việt Phong nhấn mạnh.

Quyết liệt hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công

Thực tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là 1 trong những mục tiêu được các bộ, ngành, địa phương đã và đang rốt ráo thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay, các bộ, ngành, đơn vị đang chủ động vào cuộc, tìm giải pháp tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Đơn cử như, quý II/2020, dự kiến 3 dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020, gồm đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây được chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công – tư sang sử dụng vốn đầu tư công.

Với tinh thần quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng cũng đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển đổi 8 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang đầu tư công.

Mặc dù, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch vẫn còn rất lớn. Hiện, Việt Nam có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn vay. Câu hỏi đặt ra làm thế nào để giải ngân hết số vốn này? Theo TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu thái độ và cách thức làm việc của cơ quan chức năng chưa thay đổi thì chưa làm được. Phải cùng nhau xem xét và có cơ chế giải quyết nhanh thì mới làm được, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội giảm tốc suy giảm của nền kinh tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Trong đó, đưa ra các chế tài đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cắt số vốn đầu tư công không giải ngân hết của các Bộ, ngành, địa phương tính đến ngày 31/1 của năm sau - năm kế hoạch; nếu không có lý do bất khả kháng thì không được kéo dài thời gian giải ngân và bị hủy dự toán. Bên cạnh đó, cơ quan nào không phân bổ hết vốn được giao cũng sẽ bị xem xét thu hồi, điều chuyển cho các đơn vị khác có nhu cầu trước ngày 30/6.

"Đặc biệt, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với chính quyền các cấp, các bộ, ngành các cơ quan trung ương. Một tinh thần, chế tài đặt ra là cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải trực tiếp kiểm điểm"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng tuy cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn chủ yếu giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại, nên tỷ lệ giải ngân năm 2020 còn thấp.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/che-tai-manh-xu-ly-cham-giai-ngan-dau-tu-cong-135705.html