Chế tài xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu

ThS. NGUYỄN HOÀN HẢO (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Hiện nay, các quy định của pháp luật Việt Nam về chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền sỡ hữu công nghiệp (SHCN), trong đó có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) liên quan đến nhãn hiệu tương đối đầy đủ.Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, các quy định này còn chưa toàn diện và bao quát hết. Chính vì vậy nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về chế tài xử lý CTKLM liên quan đến nhãn hiệu, hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu thực tiễn về xử lý các hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu là hết sức cần thiết.

Từ khóa: Cạnh tranh không lành mạnh, nhãn hiệu, chế tài xử lý.

1. Đặt vấn đề

Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền SHCN, khai thác nhãn hiệu chính là khai thác quyền SHCN đối với nhãn hiệu, tại Điều 7 Luật SHTT đã khẳng định, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, bảo hộ nhãn hiệu từ phía Nhà nước nhằm chống CTKLM giữa các chủ thể là việc tất yếu. Chế tài đối với hành vi CTKLM là biện pháp được Nhà nước áp dụng xử lý đối với các chủ thể kinh doanh, buộc các chủ thể đó phải chịu hậu quả do có hành vi CTKLM gây thiệt hại cho các chủ thể kinh doanh và các chủ thể khác có liên quan. Chế tài đối với hành vi CTKLM nói chung và đối với hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu nói riêng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, chống lại hành vi CTKLM của các doanh nghiệp đối thủ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời là công cụ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

2. Chế tài xử lý hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu

2.1. Xử lý hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự

Bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại bằng các biện pháp dân sự được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 198 Luật SHTT Theo quy định này, các chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp dân sự, biện pháp hành chính xử lý các hành vi CTKLM. Các biện pháp được Tòa án áp dụng để xử lý tổ chức cá nhân có hành vi CTKLM liên quan tới quyền SHCN đối với nhãn hiệu bao gồm:Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xin lỗi cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, buộc bồi thường thiệt hại, buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT”. Các biện pháp này được thực hiện theo trình tự thủ tục của Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trong các biện pháp dân sự, biện pháp buộc chấm dứt hành vi CTKLM là biện pháp được áp dụng thường xuyên nhất và là biện pháp giúp bảo vệ quyền lợi của các chủ thể bị thiệt hại một cách tốt nhất. Yêu cầu chấm dứt hành vi CTKLM giúp các chủ thể bị thiệt hại tránh thêm các tổn thất về sau, không tiếp tục làm phương hại ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bình thường của chủ thể quyền. Các biện pháp buộc xin lỗi, cải chính công khai và buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự mang tính chất là biện pháp bổ sung nhằm khắc phục hậu quả do hành vi CTKLM xảy ra trên thực tế.

Theo quy định tại Điều 203 Luật SHTT thì tổ chức cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi CTKLM có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự nhưng phải có nghĩa vụ chứng minh được mình là chủ thể quyền SHTT và phải cung cấp các chứng cứ về hành vi CTKLM. Nghĩa vụ chứng minh được thực hiện theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, ngoại trừ các trường hợp người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo quy định tại Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi CTKLM đối với nhãn hiệu cũng được hiểu là hình thức trách nhiệm dân sự mang tính tài sản áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm gây thiệt hại nhằm bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có các yếu tố thiệt hại, hành vi vi phạm gây thiệt hại, lỗi và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và sự thiệt hại mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc xác định hình thức lỗi chỉ có ý nghĩa trong một số trường hợp nhất định. Trong một số trường hợp, lỗi vô ý là một trong những điều kiện cần để được xem xét giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại, còn mọi trường hợp gây thiệt hại do lỗi cố ý luôn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ. Thiệt hại do hành vi CTKLM có thể được xác định dựa theo các tiêu chí xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT được quy định tại Điều 204 Luật SHTT: “Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền SHTT phải chịu do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra”, Theo đó, thiệt hại sẽ bao gồm thiệt hại về vật chất, các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại. Căn cứ xác định mức bồi thường cũng sẽ được xác định theo quy định tại Điều 205 Luật SHTT về căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT.

2.2. Xử lý hành vi CTKLM liên quan nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính

Xử lý vi phạm hành chính đối với quyền SHTT nói chung và quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nhất định để xử lý các hành vi CTKLM mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Về các biện pháp hành chính, Luật SHTT hoàn toàn dẫn chiếu tới các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các văn bản pháp luật cạnh tranh. Điều này tiếp tục được thể hiện tại khoản 3 Điều 211 Luật SHTT “tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi CTKLM về SHTT thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 198 Luật SHTT thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi CTKLM có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Như vậy, Luật SHTT chỉ quy định về biện pháp dân sự, còn biện pháp hành chính được quy định dẫn chiếu sang các quy định của Luật Cạnh tranh.

Các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung, các hình thức xử phạt chính bao gồm hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu có thể chịu mức phạt tiền lên đến 250.000.000 đồng đối với hành vi gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục, như: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được và biện pháp buộc cải chính công khai.

Theo Luật SHTT thì nghĩa vụ chứng minh các hành vi CTKLM thuộc về người nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi CTKLM. Trong khi đó, theo quy định về pháp luật cạnh tranh thì người nộp đơn chỉ phải nộp đơn và điều tra viên sẽ tiến hành điều tra để xác minh có hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu xảy ra trên thực tế hay không. Tuy nhiên, theo pháp luật cạnh tranh, người khiếu nại phải nộp một khoản tiền tạm ứng chi phí cho xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật, trong khi đó theo pháp luật về SHTT, người nộp đơn không phải nộp khoản chi phí này.

Việc giải quyết các tranh chấp về hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính là biện pháp được sử dụng phổ biến, có ưu điểm là nhanh chóng xử lý được các chủ thể và tang vật vi phạm mà ít tốn kém, hiệu quả lại cao. Tuy nhiên, mức phạt như trên mới mang tính chất xử lý nhẹ so với những thiệt hại thực tế mà hành vi CTKLM gây ra. Hầu hết các vi phạm là do lỗi cố ý thực hiện hành vi thu lợi bất chính, việc xử lý bằng biện pháp hành chính tuy nhanh chóng nhưng chưa triệt để. Để tăng tính răn đe, cần tăng mức tiền xử phạt đối với những hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu.

2.3. Xử lý hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu bằng biện pháp hình sự

Xử lí bằng biện pháp hình sự đối với các hành vi CTKM liên quan tới nhãn hiệu là biện pháp nghiêm khắc nhất. Trong trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Thủ tục xử lý các hành vi này tuân theo pháp luật tố tụng hình sự.

Thông thường, các hành vi vi phạm đối với nhãn hiệu áp dụng biện pháp hình sự là các hành vi có tính chất mức độ nguy hiểm cao cho xã hội tới mức bị coi là tội phạm. Các hành vi vi phạm quyền SHCN đới với nhãn hiệu có thể cấu thành một trong các tội như tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định tại Điều 193, Tội buôn bán, sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định tại Điều 194… Tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị áp dụng các chế tài như phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn.

Việc áp dụng biện pháp hình sự là biện pháp nghiêm khắc và có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa và xử lý tội phạm. Biện pháp hình sự có tác động rất lớn vào ý thức của người dân trong việc chống lại các hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu, góp phần bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu và người tiêu dùng.

2.4. Xử lý hành vi CTKLM liên quan nhãn hiệu bằng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Bảo vệ quyền SHCN đối với nhãn hiệu khỏi các hành vi CTKLM bằng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn hàng hóa, sản phẩm vi phạm từ thị trường nước ngoài nhập vào thị trường Việt Nam và hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Biện pháp này góp phần bảo vệ quyền lợi của chủ thể nhãn hiệu, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng như việc ngăn ngừa hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo Điều 216 Luật SHTT, các biện pháp kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu liên quan đến SHTT nói chung và nhãn hiệu nói riêng gồm tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT, kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT.

Luật Hải quan năm 2014 có quy định các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT tại Điều 73 và Điều 74, khi yêu cầu cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT, người yêu cầu phải nộp các khoản phí theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp số tiền bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan. Nếu không xác định được giá trị lô hàng thì người yêu cầu phải nộp số tiền tối thiểu là 20.000.000 đồng.

3. Một số khuyến nghị hoàn thiện việc xử lý các hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu

Thứ nhất, cần tập trung thống nhất các quy định pháp luật về CTKLM liên quan đến nhãn hiệu trong một văn bản quy phạm pháp luật độc lập

Hiện nay, các hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu cũng như các biện pháp xử lý các hành vi này chưa được quy định tập trung trong một văn bản pháp luật duy nhất, mà vẫn còn nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, làm phát sinh nhiều kẽ hở trong thực tiễn áp dụng. Ví dụ, thủ tục tiến hành xử lý CTKLM liên quan đến nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính vừa được quy định trong pháp Luật Cạnh tranh mới được điều chỉnh bởi Luật SHTT với những quy định giải quyết khác nhau. Thủ tục trách nhiệm của bên khiếu nại cũng như các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu theo quy định của pháp luật cạnh tranh và Luật SHTT là hoàn toàn khác nhau. Sự khác nhau này sẽ khiến cho các doanh nghiệp bị xâm phạm khó khăn trong việc chọn lựa cách thức khiếu nại. Đồng thời, việc phân định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền xử lý cũng không rõ ràng. Hiện nay, Việt Nam chưa có luật riêng điều chỉnh từng đối tượng SHTT, kinh nghiệm của các nước phát triển với bề dày lịch sử bảo hộ SHTT hàng trăm năm như Anh, Pháp, Nhật Bản đều xây dựng các luật độc lập cho từng đối tượng của SHTT, theo đó Luật Chống CTKLM được quy định riêng và không nằm cùng với các đối tượng SHCN khác. Ví dụ: Nhật Bản có Luật Chống hành vi CTKLM hay Hàn Quốc có Luật Chống CTKLM và bí mật thương mại. Khi quyền chống CTKLM được xây dựng trong một đạo luật riêng, có thể quy định một cách chi tiết nhất về chống CTKLM trong văn bản pháp lý, từ đó tránh được tình trạng quy định rời rạc như trong các văn bản riêng lẻ tại Việt Nam, đồng thời khi áp dụng có thể tách biệt với các đối tượng khác.

Thứ hai, cần đa dạng hóa các hình thức xử lý vi phạm và tăng mức phạt vi phạm

Các hình thức xử lý CTKLM liên quan đến nhãn hiệu mới dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp dân sự hay hình sự ít được áp dụng trên thực tế. Lợi thế của biện pháp hành chính là áp dụng nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian, tuy nhiên mức xử phạt quy định trong các văn bản pháp luật cạnh tranh còn thấp so với mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thực hiện hành vi CTKLM thu được dẫn tới việc doanh nghiệp vi phạm sẵn sàng nộp phạt. Cần xem xét mức xử phạt và hình thức xử phạt đối với các hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu. Trên thực tế những hành vi CTKLM có thể mang lại lợi ích khổng lồ cho doanh nghiệp và lợi hơn rất nhiều so với số tiền phạt họ phải gánh chịu.

Chế tài phạt tiền tuy đã được quy định trong Nghị định 71/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, nhưng quy định khung tiền phạt thường nhanh chóng lạc hậu theo thời gian và chưa mang nhiều tính răn đe với các đối tượng vi phạm. Để khắc phục vấn đề này, hiện cơ quan quản lý chuyên môn đang dự thảo Nghị định quy định việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, hướng dẫn cụ thể vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh trong Luật Cạnh tranh 2018. Theo tác giả, nên áp dụng mức phạt tiền cao hơn gấp nhiều lần so với lợi nhuận mà doanh nghiệp vi phạm thu được từ hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế đảm bảo thi hành để việc áp dụng các chế tài hành chính đạt hiệu quả cao. Trong trường hợp doanh nghiệp không chấp hành cần có các biện pháp cưỡng chế đủ mạnh để răn đe, đồng thời có thể áp dụng cơ chế tăng nặng hình phạt, mức phạt nếu như doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quyết định xử phạt. Có như vậy, việc áp dụng các chế tài hành chính mới đạt hiệu quả cao. Từ thực tiễn kinh nghiệm một số nước cho thấy, song song với việc áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự cần đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý CTKLM liên quan đến nhãn hiệu, như: Thưởng tiền cho những người có công phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng về việc vi phạm liên quan đến CTKLM trong SHCN nói chung cũng như liên quan đến nhãn hiệu nói riêng, điều đó góp phần hạn chế được các hành vi CTKLM liên quan đến nhãn hiệu.

Thứ ba, cần có sự thống nhất giữa Luật SHTT và Luật Cạnh tranh trong việc xác định luật áp dụng để xử lý hành vi CTKLM về SHTT nói chung và quyền SHCN đối với nhãn hiệu nói riêng

Hiện nay chưa có sự thống nhất trong việc xác định thẩm quyền xử lý hành vi CTKLM liên quan đến quyền SHTT. Theo khoản 3 Điều 211 Luật SHTT quy định tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi CTKLM về SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Cạnh tranh thì tại khoản 1 Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018 lại quy định rằng: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, trong đó có hành vi CTKLM trong lĩnh vực SHCN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, Luật SHTT xác định thẩm quyền giải quyết hành vi CTKLM về SHTT thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh, giải quyết bao gồm các hình thức kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hình thức xử lý bằng biện pháp dân sự sẽ do Luật SHTT điều chỉnh, nhưng Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018 quy định tại khoản 3 về các hình thức xử phạt bổ sung lại xác định các hình thức xử lý về CTKLM, trong đó có các biện pháp dân sự, có những quy định trùng lắp và những quy định bổ sung khác biệt với Luật SHTT, bao gồm cả việc cải chính công khai, khắc phục hậu quả...

Việc tồn tại song song một phương thức xử lý dựa trên cơ sở pháp luật cạnh tranh và pháp luật về SHTT đối với các hành vi vi phạm quyền SHTT là sự bổ sung cho nhau hay đó là sự chồng chéo. Do đó theo tác giả, nên quy định toàn bộ các hình thức xử lý vi phạm về CTKLM liên quan đến SHCN nói chung và nhãn hiệu nói riêng theo quy định của Luật SHTT điều chỉnh, không nên áp dụng một phương thức xử lý vi phạm trong Luật Cạnh tranh hoặc biện pháp trong Luật SHTT để giải quyết đối với một hành vi vi phạm. Đồng thời, dù là hành vi CTKLM nhưng đây là CTKLM liên quan trực tiếp đến lĩnh vực SHTT, đối tượng bị xâm phạm là quyền chống cạnh tranh không lành mạnh thuộc quyền sở hữu công nghiệp và pháp luật về sở hữu trí tuệ, vì vậy, việc xử lý vi phạm nên thống nhất theo hướng xử lý thuộc điều chỉnh của Luật SHTT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Đỗ Văn Đại (2005), “Bồi thường thiệt hại có yếu tố nước ngoài do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 50, Hà Nội.
Đinh Văn Thanh và Đinh Thị Hằng (2004), Nhãn hiệu hàng hóa trong pháp luật Dân sự, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội.
Lê Anh Tuấn (2007), “Điều chỉnh hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn theo pháp luật hiện hành”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 8, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Huyên (2004), Luật Cạnh tranh Pháp và Liên minh châu Âu, NxXB . Tư pháp, Hà Nội.
Trang tin Báo Đất việt, Nên khởi kiện khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Minh Cường, http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cuc-so-huu-tri-tue/nen-khoi-kien-khi-bi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-2353295/, [Truy cập ngày 4/8/2019].
Trang tin Tạp chí Dân chủ pháp luật, Áp dụng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Đặng Vũ Huân và Nguyễn Thùy Dung ,http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/phap-luat-kinh te.aspx?ItemID=141, [truy cập ngày 25/8/2019].

REUGLATIONS ON SANCTIONS AGAINST UNFAIR COMPETITION RELATED TO TRADEMARKS

Master. NGUYEN HOAN HAO

Ho Chi Minh City Pedagogical University

ABSTRACT:

At present, Vietnamese regulations on sanctions against infringement of industrial property rights including acts of unfair competition related to trademarks is relatively well-established. However, when implementing the law into practice, these regulations do not comprehensively cover all violation sistuations. Hence, it is necessary to improve the effectiveness of regulations on sanctions against unfair competition related to trademarks.

Keywords: Unfair competition, brand, sanction.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/che-tai-xu-ly-hanh-vi-canh-tranh-khong-lanh-manh-lien-quan-den-nhan-hieu-67536.htm