Chelsea: Chấn thương, lạc quan và mâu thuẫn
Tình hình ở Chelsea cho đến lúc này của mùa giải có thể được gói gọn trong 6chữ: Chấn thương, lạc quan và mâu thuẫn.
Nguồn ảnh: The Telegraph.
“Bệnh viện” Stamford Bridge
Nguyên do đầu tiên và đồng thuận nhất để lý giải cho thành tích bết bát của Chelsea đó là những ca chấn thương liên tục ập đến với đội bóng. The Blues dưới triều đại Pochettino đã mất đến 12 cầu thủ do những chấn thương khác nhau. Trong số này, ảnh hưởng nhiều nhất đến đội bóng là chấn thương của Nkunku và Chukwuemeka.
Nkunku được kỳ vọng sẽ thay đổi khả năng tấn công của Chelsea. Và thực tế, sự kết nối của anh với Nicolas Jackson trong chuyến du đấu ở Hoa Kỳ cũng vô cùng ấn tượng. Nhưng chấn thương đầu gối ngay trước thềm mùa giải của cầu thủ này khiến kế hoạch của Pochettino bị tan vỡ và cũng không có đủ thời gian để tìm phương án thay thế.
Carney Chukwuemeka trước khi chấn thương cũng đã chơi rất tốt trước Liverpool và ghi bàn thắng đẹp mắt trong trận thua West Ham. Nhưng ngay sau đó, cầu thủ này ngã xuống với một chấn thương đầu gối. Mất cầu thủ người Áo, Pochettino đã phải đẩy Enzo Fernandez lên đá như một “số 10”. Thi đấu trái sở trưởng, cầu thủ người Argentina không còn là chính mình, đồng thời cũng phá vỡ đi kế hoạch ghép đôi Fernandez với Moises Caicedo ở trung tâm hàng tiền vệ.
Những cái tên như Ben Chilwell và Levi Colwill cũng bị đẩy vào tình cảnh tương tự, khi phải chơi không đúng sở trường và phá vỡ sự gắn kết sau giai đoạn tiền mùa giải rất thành công.
Nguồn ảnh: Internet.
Với một giải đấu có tính cạnh tranh cao như Ngoại hạng Anh, thì những chấn thương ập đến theo kiểu bất chợt và không có phương án dự phòng rất dễ khiến cho các CLB vụn vỡ. Arsenal mùa bóng vừa rồi không thể đua vô địch với Man City một phần vì chấn thương của Saliba. Liverpool mất suất dự Champions League cũng vì hàng công của họ bị chấn thương tàn phá. Ten Hag mới đây chia sẻ, bản thân chưa bao giờ được sắp xếp một đội hình ưng ý tại Man United, bởi những chấn thương đeo bám các học trò của ông. Còn đối với Man City, mùa giải duy nhất họ hụt mất danh hiệu EPL, nguyên do chính đến từ chấn thương nặng của Laporte.
Tín hiệu để lạc quan...
Trên bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh, Chelsea đang đứng ở vị trí thứ 14, với 5 điểm và ghi được vỏn vẹn 5 bàn thắng. Trên thực tế, pha lập công mới đây của Nicolas Jackson trước Brighton tại vòng 3 Cúp Liên đoàn Anh là bàn thắng duy nhất của The Blues trong tháng 9.
Với thành tích bết bát kể trên, cùng với những khó khăn về mặt nhân sự, thì khó có thể tin tưởng vào sự vực dậy của đội bóng. Nhưng nếu nhìn vấn đề theo cách tích cực, cũng có lý do để lạc quan với tình hình hiện tại ở Chelsea.
Tỷ lệ bàn thắng kỳ vọng (xG) của Chelsea vượt xa số bàn thắng thực tế của họ, trong hầu hết các trận đấu Premier League của họ. Ví dụ: trong trận đấu với Nottingham Forest, Chelsea có xG là 2,30 nhưng họ không ghi được bàn nào. Trong 4/6 trận đấu đầu mùa, Chelsea đã tạo ra 3 cơ hội ghi bàn rõ rệt trở lên. The Blues cũng tung ra đến 28 cú sút trúng đích ở Premier League, nhưng số bàn thắng của họ ghi được chỉ dừng lại ở con số 5.
Chelsea dưới thời Pochettino cũng là CLB có khả năng kiểm soát bóng ấn tượng. Thất bại trước Aston Villa ở vòng đấu gần nhất, khi Chelsea chỉ còn 10 người, là trận đầu tiên đội chủ sân Stamford Bridge kiểm soát bóng dưới 60%. Nhìn rộng ra, Ngoại hạng Anh, chỉ Manchester City là kiểm soát nhiều bóng nhiều hơn Chelsea cho đến lúc này.
Lối chơi của Chelsea vẫn tràn đầy sức sống, vấn đề lớn nhất của họ nằm ở khâu dứt điểm. Yếu điểm này hoàn có thể được khắc phục, khi những ca chấn thương quay trở lại.
Thiếu kiên nhẫn nhưng thích sống ở tương lai
Những tiếng la ó đến inh ỏi của các CĐV Chelsea ở hai trận gần nhất, khi CLB thi đấu trên sân nhà tại giải Ngoại hạng Anh thật đáng để ngẫm nghĩ - những trận đấu mà Chelsea đã để thua trước Aston Villa và Nottingham Forest.
La ó khi đội nhà đá dở và phải nhận thất bại là điều hết sức bản năng và có thể thông cảm được. Nhưng nhìn lại, đây cũng chỉ là những trận thua đầu tiên trên sân nhà của họ và nghĩ sang một khía cạnh khác, các CĐV Chelsea không có đủ kiên nhẫn với dự án bóng đá của ông chủ Tood Boehly.
Thực tế, ông chủ người Mỹ cũng chẳng phải con người ưa sự kiên nhẫn, nếu như chúng ta nhìn vào những gì xảy ra ở Chelsea suốt 12 tháng qua. Cầu thủ - dù là tiềm năng hay có kinh nghiệm nhưng cũng bị bán đi hàng loạt ở phiên chợ hè vừa qua, trong khi đó chiếc ghế HLV trưởng của CLB cũng thay đi đổi lại liên tục.
CLB này đã có “văn hóa đổi mới” từ thời ông chủ Abramovic. Họ thiếu kiên nhẫn thì phải làm bóng đá theo cách “ăn xổi”, nhưng chính sách phát triển đội bóng đang tạo ra đối nghịch.
Với các giám đốc thể thao Paul Winstanley và Laurence Stewart, Chelsea đã đặt ra quy tắc mua cầu thủ từ 25 tuổi trở xuống - tức họ tìm cách hướng tới sự thành công trong tương lai.
Nguồn ảnh: Getty.
Quy tắc này có nghĩa là những cầu thủ như James Maddison và James Ward-Prowse, những người đang chơi ấn tượng ở Tottenham Hotspur và West Ham United, chưa bao giờ thực sự được xem xét ở Chelsea, mặc dù đây là CLB luôn dư dả về tài chính.
Chelsea đã trả nhiều tiền hơn cho Cole Parmer, 21 tuổi so với số tiền mà Spurs chi cho Maddison và trả 53 triệu bảng cho Romeo Lavia, 19 tuổi, cao hơn khoảng 20 triệu bảng so với giá West Ham phải trả cho Ward-Prowse.
Chiến lược này có thể mang lại hiệu quả về lâu dài cho Chelsea, nhưng đổi lại ở thời điểm hiện tại, là sự là bấp bênh của những người trẻ.
Và, những người trẻ tại Chelsea sẽ phải trưởng thành dưới tiếng la ó inh ỏi của các CĐV. Những người trẻ buộc thi đấu ấn tượng nếu họ không muốn bị hất văng khỏi nơi đây và bị coi như một bản đồng hớ.
Chelsea là CLB mâu thuẫn nhất thế giới - đầu tư cho tương lai nhưng lại không ưa sự kiên nhẫn!.