Chelsea: Sự cứng rắn dẫn đến thành công của Tuchel
HLV Thomas Tuchel đưa Callum Hudson-Odoi vào sân từ ghế dự bị, rồi lại rút anh ra ngoài chỉ trong khoảng 30 phút. Đấy là câu chuyện ở trận gặp Southampton tại Premier League cuối tuần qua. Và đấy là một nguyên nhân quan trọng khiến Chelsea thắng Atletico tại Champions League, vào giữa tuần này.
Riêng tại Chelsea thời Thomas Tuchel, Callum Hudson-Odoi là một trường hợp đặc biệt. Anh luôn ra sân trong 8 trận đấu kể từ khi Tuchel thay chỗ Frank Lampard, trong đó có 6 lần đá chính. Nghĩa là Hudson-Odoi được tân HLV này trọng dụng. Mặt khác, Hudson-Odoi lập tức tỏa sáng, trong một vai trò mới mẻ (wingback/chạy cánh), ngay từ trận đầu tay của Tuchel, và anh luôn giữ vai trò này từ đó đến nay. Có nghĩa, Hudson-Odoi là quân bài chiến thuật quan trọng của Tuchel.
Cuối cùng, Hudson-Odoi đảm trách những phần việc cụ thể cả trong phòng ngự lẫn tấn công (trước đây anh hầu như không phòng ngự). Thể lực sung mãn và ý thức tập trung cao độ là những yêu cầu quan trọng trong sự thay đổi đáng kể này. Khởi đầu là pha cứu thua ngay trên vạch vôi trong trận đầu tiên (hòa Wolverhampton 0-0), tiếp theo là pha kiến tạo thành bàn trong trận thắng Burnley 2-0...
Thông thường, thay một cầu thủ chỉ vừa vào sân từ ghế dự bị đã là hành động hiếm hoi và nặng nề. Phải thất vọng đến mức suy sụp, giới cầm quân mới làm như thế. Và hệ quả trước tiên là chính cầu thủ bị thay cũng dễ suy sụp tinh thần. Quan hệ cá nhân có thể rạn nứt, chưa kể bầu không khí toàn đội cũng sẽ thay đổi theo. Vậy, Chelsea thay đổi thế nào sau khi Tuchel thay cầu thủ dự bị Hudson-Odoi trong trận gặp Southampton cuối tuần trước?
Hudson-Odoi vẫn đá chính và Chelsea thắng Atletico Madrid 1-0 trong trận đấu hôm 24/2, tất nhiên là quan trọng hơn, ở lượt đi vòng 1/8 Champions League. Đáng nói ở chỗ: cái nhìn tổng quát cho thấy Chelsea thắng chủ yếu bằng ý thức kỷ luật chiến thuật. Bản thân Hudson-Odoi chính là một mắt xích tuyệt vời, trong hệ thống chiến thuật ấy. Suy luận: có thể Tuchel đã đưa ra một thông điệp với toàn đội qua hành động thay Hudson-Odoi ở trận trước, và ông đã thành công với thông điệp ấy. Tuchel sẽ không chấp nhận bất cứ cầu thủ nào không phát huy toàn bộ năng lực và đáp ứng 100% nhiệm vụ được giao (như cách giải thích của ông về việc thay Hudson-Odoi trong trận gặp Southampton). Tất nhiên, ngoài việc (có thể) “dằn mặt” toàn đội, Tuchel còn thành công trong cách cư xử riêng với cá nhân Hudson-Odoi.
Đấy là câu chuyện tổng quát. Đi vào cụ thể thì cách pressing đồng bộ, đầy kỷ luật và rất tập trung của Chelsea đã phá tan hoàn toàn sở trường phản công/tấn công nhanh rất đặc sắc của Atletico. Ngoài 4-5 tình huống hiếm hoi có thể lên bóng theo cách chơi quen thuộc, cầu thủ Atletico hầu như đành phải chuyền về trong hình ảnh bế tắc ngay từ phần sân nhà. Đội bóng của HLV Diego Simeone hầu như không có giải pháp chuyền bóng cho nhau, chứ khoan nói đến kiểu chuyền thông minh để lập tức đưa bóng ra khỏi hàng thủ và có ngay tình huống tấn công nguy hiểm như thường thấy. Một phần nguyên nhân khiến Atletico bế tắc có thể là vì Simeone quá chăm bẵm vào cách chơi sở trường và không có kế hoạch B. Nhưng, nhìn từ góc độ Chelsea, đây là thành công của kỷ luật chiến thuật và sự tập trung tinh thần cao độ, hơn là thành công theo hơi hướng kỹ thuật.
Có chút chuệch choạc trong hệ thống chiến thuật của Chelsea, khi các đôi chân đã mệt mỏi trong hiệp 2. Bù lại, Chelsea coi như “không chơi bóng” nữa sau khi đã có bàn thắng, và nhiệm vụ của chính họ nhẹ nhàng hẳn trong hoàn cảnh ấy.
3 - Trong suốt 90 phút của trận gặp Chelsea, các cầu thủ Atletico chỉ có vỏn vẹn 3 đường chuyền dẫn đến tình huống dứt điểm. Nghĩa là Atletico gần như không có khả năng tạo dựng cơ hội dứt điểm, trước lối chơi của đối phương.