Chelsea thay đổi nhờ sự táo bạo của Lampard
Frank Lampard là HLV thứ 13 của Chelsea trong 16 năm dưới triều đại Roman Abramovich. Những ý tưởng của anh đã khiến tỷ phú người Nga nhận ra tầm nhìn dài hạn đặc biệt quan trọng.
Frank Lampard, có vẻ là người đại diện cho sự thay đổi suy nghĩ nơi thượng tầng Chelsea. Đã rất lâu rồi người ta mới thấy một HLV của Chelsea dám nhìn xa trông rộng. Anh cố gắng áp dụng phong cách mới mẻ của riêng mình, tạo ra một sự thay đổi về văn hóa mà CLB đã không chứng kiến trong gần một thập kỷ qua.
Lampard khiến Abramovich phải kiên nhẫn
Trong quá khứ, Lampard là một trong những cầu thủ Chelsea gặp khó khăn nhiều nhất khi Villas-Boas cố gắng tạo nên một tập thể Chelsea mới mẻ. Anh đã quen làm việc với những HLV thân mật với cầu thủ như Jose Mourinho, Guus Hiddink hay Carlo Ancelotti – người mà anh chuẩn bị đối đầu.
Villas-Boas thì khác, ông lạnh lùng, tách biệt, tự nhận rằng mình “cải cách quá triệt để” trong nỗ lực tạo dấu ấn của mình lên một nhóm cầu thủ đã quen với cách chơi bóng, cách làm việc từ các đời HLV cũ.
“Kế hoạch của ông ấy là dài hạn nhưng kết quả hiện tại lại không như ý – và đó là nơi mọi vấn đề bắt đầu”, Lampard chia sẻ. “Công bằng mà nói, đó là một phần triết lý của Villas-Boas, chúng tôi hiểu mình phải có những thay đổi nhưng ông ấy không bao giờ nên bỏ qua thành tích ngay trước mắt của CLB”.
8 năm sau, Lampard – giờ đây đã là HLV trưởng Chelsea, cũng đi theo con đường Villas-Boas đã chọn: đem tới một làn gió mới mẻ tại CLB. Anh tạo ra một kế hoạch dài hạn với mục tiêu hồi sinh đội hình già nua của Chelsea. Các tài năng từ lò đào tạo Cobham như Reece James, Fikayo Tomori, Billy Gilmour, Mason Mount hay Tammy Abraham đều đã được tạo cơ hội, vài người trong số họ thậm chí giờ có thể xem là trụ cột của CLB.
Giờ đây thời gian tại vị của HLV Lampard đã vượt qua Villas-Boas. Chiến thắng 2-0 tại vòng 5 FA Cup trước Liverpool là trận đấu thứ 41 của chiến lược gia người Anh trên cương vị HLV trưởng Chelsea, hơn Villas-Boas và Luiz Felipe Scolari lần lượt 1 và 5 trận.
Ở cuộc tiếp đón Everton tới đây, HLV Lampard sẽ cân bằng thành tích của Di Matteo - 42 trận. Nhìn xa hơn một chút, Guus Hiddink (49 trận - 2 nhiệm kỳ), Rafa Benitez (48) và Avram Grant (54) cũng chẳng có thời gian nhiều hơn bao nhiêu. Chủ tịch Roman Abramovich đang mang lại cảm giác gần như tất cả HLV trưởng của Chelsea đều chỉ là những HLV tạm quyền.
Trong 12 sự bổ nhiệm trước HLV Lampard dưới kỷ nguyên Abramovich, chỉ có 3 người vượt qua mốc 12 tháng. Ancelotti (109 trận) và Antonio Conte (106) đều rời đội trong mùa giải thứ hai. Mourinho làm được điều này hẳn 2 lần (184 và 136 trận), dù cho tất cả cảm giác nhanh như chớp mắt và có phần nào hỗn loạn, nhưng với tiêu chuẩn Abramovich thì đó đã là đáng khen ngợi.
Giờ đây mọi thứ đã khác. Abramovich không còn nhúng tay nhiều vào hoạt động tại CLB, không còn chi hàng trăm triệu bảng để đưa Chelsea vượt lên so với các đối thủ.
Thay vào đó, ông sẵn sàng làm theo Luật Công bằng tài chính. Tỷ phú người Nga muốn Chelsea bước đi một cách bền vững hơn, và HLV Lampard chính là sự bổ nhiệm mà ông mong sẽ làm được điều đó.
Lùi một bước để tiến thêm nhiều bước
Ai cũng có thể thấy HLV Lampard đang cố gắng đưa Chelsea đến “miền đất hứa”. Sự thay đổi về mặt triết lý là rất rõ ràng. Nhóm từ khóa gắn với HLV Lampard và Chelsea lúc này là sức trẻ, năng lượng, nhịp độ cao, giành lại bóng trong thời gian ngắn, triển khai với tốc độ nhanh, đưa ra những quyết định liều lĩnh.
Nó không quá khác với những gì Villas-Boas hay gần đây hơn là Maurizio Sarri đã thử nghiệm và gặp khó khăn với một nhóm cầu thủ đã quen với lối suy nghĩ khác.
Ở giai đoạn đầu mùa giải năm nay, cụ thể hơn là từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, Chelsea đã giành 6 chiến thắng liên tiếp tại Premier League. Mason Mount và Abraham thay nhau ghi bàn, những khán đài Stamford Bridge tràn đầy sức sống. Sau 12 vòng đấu, họ đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng, hơn 1 điểm so với Manchester City và bỏ xa đội đứng thứ 5 – Sheffield United tới 9 điểm.
Tuy vậy, kể từ đó, Chelsea chỉ giành 5 chiến thắng, hòa 4 trận và nhận tới 7 thất bại. Họ cũng đang đứng thứ 4 trên BXH, trao cho nhóm bám đuổi bao gồm kình địch Man United hy vọng bắt kịp mỗi tuần, khi không bao giờ tìm được sự ổn định.
Chuỗi phong độ tương tự thế này đã dẫn đến quyết định sa thải Luiz Felipe Scolari và Villas-Boas, cũng như quyết định thay thế Ancelotti, Conte và Sarri sau khi mùa giải kết thúc. Nhưng HLV Lampard vẫn ở đây, vị trí của anh chẳng có vẻ gì là lung lay.
Việc bổ nhiệm HLV Lampard dễ được đem ra so sánh với Ole Gunnar Solskjaer tại Man United và Mikel Arteta tại Arsenal. 3 trong số “Big 4 truyền thống” chọn những cựu cầu thủ với hy vọng tìm lại bản sắc cho CLB, đưa ra một hướng đi rõ ràng và quan trọng nhất là sự đoàn kết, giữa các thành viên trong đội bóng cũng như trong mối quan hệ với các CĐV.
Những đội bóng như Chelsea, Man United, Arsenal chấp nhận lùi 1 bước để tiến 2 bước với những sự bổ nhiệm này. Với trường hợp của Chelsea, có thể họ đã giành được chức vô địch Europa League dưới thời Benitez và Sarri, lên ngôi tại Premier League dưới thời Mourinho và Conte, nhưng họ cũng nhận ra không giải quyết tận gốc vấn đề - những cái tên trên ra đi không lâu sau khi họ đem về vinh quang cho CLB. Họ có thực sự tạo ra những bước tiến khi cứ giữ phong cách bổ nhiệm như cũ, đi theo lối đi cũ?
Khi được hỏi về điểm sáng trong thời gian cầm quyền tại Chelsea tính tới lúc này, HLV Lampard đưa ra một cột mốc có thể khiến nhiều người bất ngờ: “Đó là chiến thắng 5-2 trước Wolves, Tomori ghi bàn mở tỉ số, Tammy lập hat-trick, Mason cũng ghi bàn. Tôi biết các CĐV muốn thấy các cầu thủ trẻ được trao cơ hội. Tôi hiểu học viện của đội đã tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt để phát triển những tài năng này”.
Và đó chính là cốt lõi cho một cuộc cách mạng Chelsea có lẽ đã cần thực hiện từ cách đây rất lâu. Đúng, những danh hiệu ngay trước mắt là thứ nhiều người dùng để đánh giá một CLB, nhưng thành công trong thập kỷ qua của đội chủ sân Stamford Bridge đã được đánh đổi bằng sự chững lại về góc nhìn dài hạn. Rõ ràng họ cần một hướng đi khác.
Trước kia, Abramovich và các cộng sự có thể định nghĩa sự “tiến bộ” thông qua vinh quang trên bục nhận cúp, nhưng đó không phải định nghĩa duy nhất.
“Tiến bộ” cũng có thể thông qua việc thay máu đội hình, phát triển các cầu thủ trẻ, tạo nên sự gắn kết, một tầm nhìn cho đội bóng đã sai lầm về mặt quản lý trong nhiều năm liền. Điều quan trọng nhất là việc chuyển biến sự “tiến bộ” ấy thành động lực đưa Chelsea lên một tầm cao mới, giúp họ quay lại cạnh tranh các danh hiệu từng giành được trong quá khứ.
Chelsea từng là một CLB nơi người ta nhắc đến một danh sách cho mượn dài dằng dặc, những cầu thủ trẻ bị các HLV đánh giá là không sẵn sàng cho việc chơi bóng chuyên nghiệp, phần nào cũng vì họ lo cho chiếc ghế của mình. HLV Lampard là sự khác biệt. Anh đang bước đi trên con đường những người khác không dám sải chân.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chelsea-thay-doi-nho-su-tao-bao-cua-lampard-post1056036.html