Chen nhau đi lễ trong hỗn loạn: Đã đến lúc phải giáo dục tâm linh

Cảnh hỗn loạn ở đền chùa cho thấy tuy đời sống vật chất, học vấn của người dân khá hơn xưa rất nhiều nhưng nhận thức tâm linh lại kém, thậm chí mê muội hơn.

Sau thời gian im ắng do dịch COVID-19, hình ảnh hàng mấy vạn người chen lấn để lễ chùa Tam Chúc cuối tuần qua cho thấy nhu cầu tâm linh của người dân lớn đến thế nào, cũng như hoạt động thực hành tâm linh hỗn loạn ra sao.

Có lẽ chưa bao giờ từ “tâm linh” được nói nhiều như bây giờ; nhưng nói một cách chính thức trên các phương tiện thông tin chính thống, đặc biệt là nói nghiêm túc bằng các văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì lại không nhiều.

Mỗi mùa lễ tết, lại có bao nhiêu chuyện bức xúc liên quan đến vấn đề tâm linh. Sự xuất hiện những chùa chiền, tượng Phật lớn kỷ lục khu vực, thế giới, việc cả xã hội đi lễ bái mấy tháng trong năm có làm cho người dân kính Phật, sợ thần, hiền lành hơn, biết yêu thương đồng loại hơn, giúp cho đạo đức xã hội nâng lên không? Hay lại làm cho con người thêm chia rẽ?

Những cảnh bạo lực, phi nhân tính ngay chốn cửa Phật, đền Thánh, trong lễ hội xảy ra nhan nhản: Người ta có thể đánh trọng thương một cụ già sơ ý giẫm phải chân mình, dùng cả gậy gộc đánh nhau để tranh một chút lộc trong lễ hội. Chuyện cướp lộc, tranh lễ theo cách phản cảm, bạo lực, đua nhau dâng cúng những đồ lễ kỷ lục kệch cỡm, buôn thần bán thánh, bói toán, cúng thuê lừa đảo… nhiều không kể xiết.

Chùa Tam Chúc đông nghịt người trong ngày 14/3. (Ảnh: OFFB)

Chùa Tam Chúc đông nghịt người trong ngày 14/3. (Ảnh: OFFB)

Nhiều nhà khoa học, nhà tu hành đã lên tiếng phê phán, thường giải thích là do nhận thức hạn chế, sai lầm của một bộ phận nhân dân và công tác tổ chức lễ hội chưa tốt. Nhưng năm này qua năm khác, tệ nạn ấy vẫn không giảm, có khi còn tăng lên. Điều đó chứng tỏ những cách giải thích, phê phán ấy không lọt được vào tai dân chúng. Việc thể hiện niềm tin vào thánh thần có vẻ ngày càng cuồng loạn, lộn xộn, mê tín dị đoan ngày càng phát triển. Vậy phải hiểu, phải ứng xử thế nào cho đúng?

Nói tâm linh mà không nói về thần linh là khiên cưỡng. Dù có né tránh thì cũng vẫn phải công nhận một thực tế là số người tin có thần linh không phải ít. Quyền của người dân tin vào thần linh chính là tự do tín ngưỡng đã được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Do vậy, việc giáo dục pháp luật cho nhà quản lý, cho người dân nhận thức và ứng xử đúng trong vấn đề tâm linh, kể cả chuyện thần linh, cũng là việc không thể không nói tới.

Ở Tây phương, từ thời cổ đến giờ, thần linh là vấn đề triết học, được nghiên cứu, giảng dạy rất nghiêm túc trong hệ thống nhà trường. Ở nhiều nước, môn Thần học rất phổ biến.

Ở Việt Nam trước đây, do nhận thức ấu trĩ theo lối duy vật giản đơn, vô thần cứng nhắc nên người ta phá bỏ hàng loạt đình chùa miếu mạo, đả kích, quy mọi hoạt động thờ cúng tâm linh là mê tín dị đoan. Hầu hết các lễ hội truyền thống bị bỏ bê, xao lãng, thậm chí bị cấm. Đó là thái độ cực đoan, thực tế đã chứng minh là rất sai lầm.

Sang thời kỳ kinh tế thị trường, dần dần các hoạt động tâm linh, lễ hội được tôn trọng và khôi phục. Bây giờ thêm sự tác động của nhiều mặt mà hoạt động này phát triển đến mức lạm phát, hỗn độn, nhiều người không phân biệt được phải trái. Từ chỗ phá sạch đền chùa trước đây, giờ người ta xây nhiều ngôi chùa to kỷ lục. Tháng Giêng cả nước đi lễ, hội, đua nhau cúng bái, tốn kém thời gian, tiền bạc không biết bao nhiêu mà kể. Tiêu cực nảy sinh ngày càng nhiều, đòi hỏi Nhà nước lại phải ra tay can thiệp, quản lý.

Bức ảnh này được chụp tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) vào tháng 3/2020 khi dịch COVID-19 đang hoành hành. Phủ đóng cửa nhưng đám đông vẫn chen nhau đặt lễ và cúng bái, nhiều người không đeo khẩu trang.

Bức ảnh này được chụp tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) vào tháng 3/2020 khi dịch COVID-19 đang hoành hành. Phủ đóng cửa nhưng đám đông vẫn chen nhau đặt lễ và cúng bái, nhiều người không đeo khẩu trang.

Trước đây thì cấm, nay thì đâu cũng nói đến tâm linh, “công trình tâm linh”, “du lịch tâm linh”… Nhưng nói, viết về “thần linh” thì người ta lại ngại, dù thực tế người ta đi lễ hội, chùa chiền thì phần nhiều là để cầu mong thần linh phù hộ.

Do tư duy cực đoan nên những người có niềm tin tâm linh khác nhau thường rất khó đồng ý với nhau. Người hữu thần và người vô thần thường rất khó thuyết phục nhau. Tuy nhiên khi các chuyên gia, các nhà tu hành lên tivi nói phải trái về tâm linh, cúng lễ, thường họ không phân biệt là nói cho người vô thần hay hữu thần nghe. Vì vậy, dù họ giảng giải nhiều nhưng nhận thức trong dân chúng cũng chẳng thống nhất được.

Đời sống vật chất, học vấn và điều kiện tiếp cận thông tin của người dân bây giờ khá hơn xưa rất nhiều nhưng nhận thức tâm linh lại thấp kém, lộn xộn, thậm chí mê muội hơn, dẫn đến sự lộn xộn trong hoạt động lễ hội thời gian qua.

Nước ta có nhiều truyền thuyết về thần linh, cũng có nhiều sách cúng bái, bói toán nhắc đến thần linh, song một cách công khai thì không nhiều người nghiên cứu nghiêm túc chuyện này. Trong khi đó, hệ thống thần linh của Việt Nam rất phức tạp, ngoài thiên thần (Ngọc hoàng, thổ công, hà bá…) và nhân thần (Đức Thánh Trần…) còn có cả quỷ thần, tà thần mà người ta thờ cúng để được yên ổn làm ăn. Do đó, việc tế lễ, cúng kiếng phức tạp là đương nhiên.

Chẳng hạn, theo quan niệm phổ biến thì “Phật từ bi, Thánh một ly cũng chấp”, nghĩa là thờ Phật tùy theo điều kiện, không câu nệ, miễn lòng thành, nhưng thờ thánh thần thì ngoài lòng thành còn phải đúng nghi thức, nếu sai có thể bị quở phạt, giáng họa. Nhưng thế nào là đúng? Có bao giờ thánh thần hiện giữa thanh thiên bạch nhật mà chỉ dẫn đâu. Thế nên người ta thường nhờ, thuê thầy cúng. Có những đám cúng rất to, làm lễ cả ngày, có khi vài ba ngày, tốn cả trăm triệu đồng. Có thầy cúng nhập trạch lấy tiền theo diện tích nhà. Có thầy cúng đơn giản, tiền đưa bao nhiêu tùy tâm. Thầy nào cũng cho mình là đúng cả.

Ai sẽ chăm lo đời sống tâm linh cho người dân?

Trước nay, chúng ta nói nhiều về việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, song về đời sống tâm linh thì hay né tránh vì cho là “nhạy cảm”. Trong khi thực tế, đa số mọi người đều có hoạt động thờ cúng, lễ bái, không nhiều thì ít. Dù chưa có điều tra xã hội học xem bao nhiêu phần trăm dân số tin có thánh thần, nhưng nhìn trong đời sống, dễ thấy có khá nhiều người tin. Với họ, nhu cầu được hỗ trợ để tiếp cận thần linh, được thần linh che chở, giúp đỡ… là có thật.

Tuy nhiên, nhu cầu chính đáng này dường như chưa được quan tâm đúng mức. Việc giáo dục tâm linh, đặc biệt là về nhận thức và “ứng xử” (như cúng lễ) với thần linh ở gia đình, nhà trường, xã hội còn để trống, thậm chí không được đặt ra một cách công khai. Rõ ràng đó là khoảng trống về mặt giáo dục. Vì vậy, dù cho đời sống vật chất, trình độ học vấn và điều kiện tiếp cận thông tin, văn hóa của người dân bây giờ khá hơn xưa rất nhiều nhưng nhận thức tâm linh lại rất thấp kém, lộn xộn, thậm chí mê muội hơn, dẫn đến sự lộn xộn trong các hoạt động lễ hội thời gian qua.

Nếu sự thiếu ngăn nắp trong nhận thức tâm linh không được giải quyết, thì các biện pháp tăng cường quản lý lễ hội chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ không phải giải pháp cơ bản lâu dài. Bất cứ lúc nào có điều kiện, sự lộn xộn đó lại bùng phát, rất khó kiểm soát.

Còn một vấn đề nữa là ngày nay, các sách hành lễ cúng tế chỉ lưu truyền không công khai trong giới “thầy cúng” với nội dung rời rạc, tản mạn, thật - giả, cũ - mới không ai kiểm định. Mỗi thầy một sách, dân có nhu cầu tâm linh thì cứ vái tứ phương, cộng với sự tác động của tiền bạc mà thành biến tướng, chẳng ai biết đâu là chuẩn.

Đời sống tâm linh là bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Có lẽ đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần xây dựng, ban bố một thiết chế gồm hệ thống danh vị, đẳng cấp thần linh và chế độ tế lễ, có cơ quan phụ trách theo dõi theo luật định. Ngoài hệ thống này, ai tự ý lập ra việc thờ cúng các “tà thần” khác là mê tín dị đoan. Việc giáo dục tâm linh cũng cần có nội dung chính thức trong nhà trường (ở bậc học nào thì cần nghiên cứu thêm), làm cơ sở chung cho giáo dục tâm linh ở gia đình và xã hội.

Theo quan điểm duy vật lịch sử, chừng nào các điều kiện vật chất, cơ sở xã hội cho sự tồn tại của niềm tin tâm linh vẫn còn thì thờ cúng, tế lễ vẫn là nhu cầu thiết yếu của dân. Chừng nào nhu cầu ấy chưa được chăm lo đầy đủ thì sự hỗn loạn trong đời sống tâm linh vẫn tồn tại.

Trần Văn Sỹ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chen-nhau-di-le-trong-hon-loan-da-den-luc-phai-giao-duc-tam-linh-ar601125.html