Chênh lệch giá mua, bán vàng SJC vẫn trên 1 triệu đồng mỗi lượng
Chênh lệch giá mua và bán vàng SJC tiếp tục giữ được các doanh nghiệp duy trì ở mức rất cao trong sáng 30/7, dao động trong khoảng từ 1,1-1,3 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng SJC tiếp tục duy trì gần mốc 58 triệu đồng trong phiên sáng 30/7, cùng với đó chênh lệch giá mua/giá bán cũng ở mức rất cao.
Đầu phiên giao dịch, Công ty Doji Hà Nội niêm yết giá mua và bán vàng SJC từ 56,65-57,65 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, doanh nghiệp này cũng nâng giá vàng SJC thêm 200.000 đồng/lượng, chiều mua vào là 56,70 triệu đồng/lượng và bán ra là 57,95 triệu đồng/lượng.
Trong 3 phiên gần đây, giá vàng SJC liên tục trồi sụt. Tuy vậy, chênh lệch giá mua/giá bán luôn duy trì trong khoảng từ 1,1-1,3 triệu đồng/lượng, cao gấp 3-4 lần so với đầu tháng 6/2020.
Cùng thời điểm trên, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long từ 54,08-55,28 triệu đồng/lượng, tăng 220.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Chênh lệch giá mua/giá bán của vàng Rồng Thăng Long cũng ở mức 1,2 triệu đồng mỗi lượng.
Như vậy, với mức giá hiện tại, thương hiệu SJC đắt hơn vàng Rồng Thăng Long gần 2,7 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng dao động ở ngưỡng 1.964,2 USD/ounce, giảm 7,6 USD/ounce so với chốt phiên trước. Mức giá này xấp xỉ 55,1 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá trong nước.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD áp dụng ngày 30/7 là 23.212 VND/USD, giảm 4 đồng so với ngày 29/7.
Với biên độ tỷ giá +/-3%, Ngân hàng Vietcombank và BIDV cùng niêm yết tỷ giá từ 23.070-23.290 đồng/USD, ổn định hai phiên gần đây.
Ngân hàng Vietinbank niêm yết từ 23.085-23.265 đồng/USD (mua vào/bán ra) tăng 2 đồng/USD; trong khi ngân hàng Eximbank niêm yết từ 23.080-23.250 đồng/USD, không đổi so với chốt phiên hôm qua./.