Chênh lệch giá vàng quá lớn: Ai đang hưởng lợi?

Hiện chênh lệch giá vàng trong nước thiết lập một kỷ lục mới – hơn 8,2 triệu đồng/ lượng. Vậy, trong khi giá vàng thế giới liên tục rớt giá thì vàng Việt Nam vẫn một mình một lối. Thực tế ấy sẽ giúp ai hưởng lợi?

Bài liên quan

Giá vàng 6/3: Giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua

Giá vàng thế giới 5/3: Tăng nhẹ khi các nhà đầu tư chờ bài phát biểu của Chủ tịch Fed

Chênh lệch giá vàng quá lớn: Ai đang hưởng lợi?

Giá vàng “quá nhanh, quá nguy hiểm”!

Giá vàng trong nước vừa trải qua năm 2020 biến động mạnh theo xu hướng đi lên. Đặc biệt, vào thời điểm tháng 8/2020, giá vàng chạm mức cao nhất trong lịch sử là 62,4 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá kim loại quý thế giới vượt mốc 2.000 USD/ounce, lên mức 2.077 USD/ounce.

Tuy nhiên, sau khi lập mức đỉnh trên, giá vàng sụt giảm mạnh xuống 57,7 triệu đồng/lượng và xoay quanh mốc 56,5 triệu đồng/lượng. Cho đến những tháng cuối năm 2020, sự lạc quan về sản xuất thành công vắc xin ngừa Covid-19 đã kéo giá vàng thế giới đi xuống nhưng giá kim loại quý trong nước vẫn ở mốc 56,5 triệu đồng/lượng.

Tính chung cả năm 2020, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 13,6 triệu đồng/lượng so với đầu năm, tương đương mức tăng 31,5%.

Bước sang những tháng đầu năm 2021, tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa phiên 5/3 niêm yết ở mức 55,50 - 55,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn ở hà Nội, giá vàng tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch quanh mức 52,68 – 53,33 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm 4/3 tại Mỹ giảm 13,8 USD xuống 1.696,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 5/3, giá vàng giảm tiếp xuống gần 1.690 USD/ounce.

Với mức giá khoảng 1.690 USD/ounce tại thời điểm hiện tại thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức khoảng gần 47,65 triệu đồng/lượng, và như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới đã leo lên hơn 8,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới.

Chênh lệch mua - bán trước hết là do nhà vàng tạo nên

Bình luận về diễn biến thị trường vàng trong nước đang có xu hướng đi ngược với thế giới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thực tế vàng trong nước đang ở tình trạng cung cao hơn cầu vì thế mà giá vàng trong nước bị đẩy lên quá cao.

Lý do chính dẫn tới giá vàng đột biến, tạo cơn sốt vàng có thể kể tới đầu tiên là do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong khi Vắc xin thì chưa được tiêm đại trà cho người dân.

Cùng với đó, tâm lý tích trữ đã duy trì qua nhiều thế hệ và trong bối cảnh dịch bệnh thì người dân càng có xu hướng dự phòng bằng vằng nhiều hơn.

Và một nguyên do phải kể đến đó là cũng có sự dao động trong tâm lý người dân, có nhiều người mua vàng vì họ biết giá vàng sẽ lên nhưng cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ của các nhà vàng. Nhưng, chênh lệch mua - bán trước hết là do nhà vàng tạo nên, vị chuyên gia này nhận định.

Theo ông Hiếu, nhà vàng bán ra thì bán đắt vì biết nhu cầu đang tăng, nhưng khi mua vào thì mua rẻ vì biết thị trường rất rủi ro. Chênh lệch mua - bán càng cao càng cho thấy nhà vàng đã tính tới sự biến động mạnh của thị trường. Họ cố thủ kiểm soát rủi ro bằng cách mua vào với giá thấp, tới khi thị trường giảm mạnh tới cả triệu đồng/lượng thì họ vẫn lãi.

Đó là cách để nhà vàng kiểm soát rủi ro. Người nào có vàng muốn bán ở thời điểm này sẽ bị kiểm soát ở mức sàn và vẫn buộc phải bán cho một vài nhà vàng với mức giá gần như tương tự nhau mà không có sự lựa chọn khác. Các nhà vàng có thể có những thỏa thuận ngầm với nhau để đẩy chênh lệch mua bán lên cao theo ý muốn và chỉ mua vào ở một mức giá thấp nhất định.

Ở một “thị trường hoàn hảo” sẽ không có giá chênh lên tới 1-2 triệu đồng/lượng. Còn với thị trường không hoàn hảo như thị trường vàng Việt Nam, không có nhiều người cạnh tranh, chỉ nhà vàng nào được cấp phép mới được kinh doanh, mua - bán vàng tự do là phạm pháp thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Chính vì thế, có lẽ đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp vào thị trường vàng mà phải để thị trường vàng tự do cạnh tranh, ông Hiếu đề xuất.

Biểu đồ giá vàng SJC trong suốt 1 năm qua.

Liên thông – từ khóa lấy lại “công bằng” cho thị trường vàng

Ở góc nhìn của người có thâm niên 30 năm chứng kiến biến động của thị trường vàng, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng, thị trường vàng sẽ được thổi vào luồng sinh khí mới nếu kiến nghị thành lập sở giao dịch vàng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tập trung được chấp thuận, đưa vào vận hành trong thời gian tới.

Đây là điều cần thiết vì không những quản lý mà còn tránh những rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư tham gia thị trường. Bởi theo quy định hiện nay, những người kinh doanh vàng miếng phải được sự chấp thuận có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Vậy những nhà đầu tư cá nhân tham gia mua bán vàng miếng liên tục có phải là người kinh doanh và có giấy phép hay không?, ông Hải nêu vấn đề.

Ngoài ra, giá vàng miếng SJC trong năm 2020 có những thời điểm giá không liên thông cùng thế giới, khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng giữa hai thì trường liên tục được nới rộng.

Sở dĩ có tình trạng trên là vì kể từ khi Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu và đã ngừng đấu thầu vàng miếng vào cuối năm 2013. Do đó, mỗi khi thị trường có biến động giá mạnh, nguồn cung trên thị trường có dấu hiệu khan hiếm.

Tuy nhiên, nếu tạo tính liên thông cho thị trường vàng sẽ tránh được tình trạng chênh lệch lớn như hiện nay, vị này nhận định.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chenh-lech-gia-vang-qua-lon-ai-dang-huong-loi-post122003.html