Chênh vênh – truyện ngắn của BẢO HÀ

Thưa lơ mơ tỉnh dậy khi bên ngoài, trời đã sáng rõ.

Cả một đêm qua, Thưa mất ngủ, cứ trằn trọc suy nghĩ đến gần sáng mới thiếp đi một chút.

Hôm qua, một đám con trai, con gái của Q xuống nhà Thưa mắng chửi vang cả xóm vì tội Thưa cướp chồng của mẹ chúng, cướp cha của chúng. Chúng nó còn định xông vào nhà nhưng lúc đó có làng xóm đứng xem đông nghịt, người nói ra nói vào, bảo với bọn trẻ rằng đây là chuyện của người lớn, để người lớn nói chuyện với nhau, tụi con còn nhỏ lo mà học hành…, chúng mới thôi la ó rồi kéo nhau về.

Nhà Thưa ở xóm Gò, lọt thỏm trong một khu đất vắng gần nghĩa trang, lâu lâu mới có người tới chơi. Vậy mà hôm đó, cả xóm tụ tập, nhìn vào nhà Thưa chòng chọc. Thưa không dám mở cửa nhưng đứng trong nhà, tụi nhỏ nói gì, hàng xóm to nhỏ gì qua khe cửa hở, Thưa đều nghe hết. Chờ cho hai đứa trẻ ra về, hàng xóm tản mác, Thưa mới dám hé cửa ra một chút rồi chụp cái nón lá, che phủ xuống nửa mặt, ra vườn. Còn một mớ rau đến lúc cần phải hái nhưng Thưa biết có hái rồi cũng để đó chớ mai chắc chắn là không thể lên chợ.

Vì chuyện của Thưa, đã có chồng 2 con, lại đi ngoại tình giờ cả xã đều biết. Chẳng mấy chốc mà đến tai chồng Thưa đang đi làm thuê trên Đắk Lắk, rồi đến tai các con của Thưa đang đi làm mướn ở Sài Gòn.

Thưa từng có lúc suy nghĩ, chồng biết thì đã sao, cùng lắm là bị đánh hoặc nếu ly dị thì Thưa bỏ xứ đi làm công nhân. Lúc con còn nhỏ mới lo, chứ con cái lớn rồi, đứa nào cũng đã biết làm biết ăn, chúng sẽ nghĩ cho mẹ… Chỉ có điều, chuyện hai đứa con Q xuống tận nhà chửi bới, hàng xóm lũ lượt kéo đến xem, Thưa chưa nghĩ tới.

Nên lúc nấp sau cánh cửa, nhìn ra ngoài sân, Thưa thấy bao cái bất cần trước đó giờ bay đi đâu mất, tim đập thình thịch, mồ hôi vã ra ướt đẫm mớ tóc con. Thưa đã định liệu những điều tồi tệ sẽ xảy ra nhưng khi có những điều không định liệu đến, Thưa sợ hãi thật sự.

Mười mấy tuổi, Thưa từ gò Tròn về xóm Gò làm dâu. Trong căn nhà đất bé xíu, Thưa ngày ngày làm quần quật từ sáng đến tối với mảnh vườn, thửa ruộng, rảnh tay một chút là vào núi chặt cây về cắm chái. Hết mùa bắp đến mùa đỗ xanh, rồi mùa đậu ve, khổ qua, mùa lúa lên…, người ta chưa thấy có ngày nào Thưa thảnh thơi ngồi nói chuyện phiếm với phụ nữ trong xóm. Từ căn nhà đất chật chội, Thưa làm lụng tích cóp mua từng viên đá chẻ, từng thiên gạch, đổ từng xe cát, cuối cùng cũng xây được căn nhà đàng hoàng.

Nhưng Thưa cố gắng bao nhiêu thì trái lại, chồng Thưa lại bê tha bấy nhiêu. Tưởng có nhà mới rồi sẽ phấn chấn làm ăn, nhưng ngoài phụ Thưa một ít chuyện ruộng vườn, ngày nào chồng Thưa cũng uống rượu. Rượu vào, chồng Thưa lại đánh đập vợ con, đuổi cả nhà ra đường dù ngày nắng hay ngày mưa. Nên từ khi bọn trẻ lên ba bốn tuổi, chúng đã phải quen với việc ngủ bờ ngủ bụi hay trên những đống rơm sau mùa gặt. Nhiều đêm, ba mẹ con Thưa ôm theo cái bao tải, úm nhau dưới gốc tre giữa cơn mưa tầm tã.

Trong một đêm như thế, bà chín Bình mặc áo mưa đi mua dầu lửa đã nhìn thấy. Từ đó, bà bảo hôm nào chồng say xỉn, cứ qua bà. Bà ở một mình, nhà cửa cũng rộng rãi. Nhưng Thưa nào có dám làm phiền, cực chẳng đã, vào những ngày mưa to gió lớn mới dám gọi cửa ngủ nhờ.

Những cơn say ấy cứ nối dài cho đến khi bọn trẻ lớn lên, Thưa cũng dần chai sạn. Mỗi khi chồng say, chưa kịp vào đến nhà là Thưa đã dắt con đi trốn. Người ta không còn thấy Thưa cãi lại chồng, không khóc lóc, la hét mỗi khi chồng say. Thưa trở nên lặng lẽ, hết làm vườn, cắt lúa, đi phụ hồ trong xã, lại đi Tây Nguyên hái cà phê…, không sót một buổi làm nào.

Một ngày, người ta râm ran đồn Thưa ngoại tình. Rồi những đứa con của người đàn ông kia xuống tận nhà Thưa chửi bới. Thưa bỏ đi Sài Gòn.

Cả cái Tết ấy, Thưa không về. Đến cuối tháng Giêng, khi về thì người đã vàng vọt, xanh xao, ốm nặng. Bà chín Bình xuống thăm, Thưa nói không ra hơi, bảo dạo này người rất mệt, hay thấy choáng váng. Được non tháng thì Thưa mất vì một cơn đột quỵ.

Đó là một buổi sáng cũng bình thường, mọi người tất tả ra đồng vì đang vụ lúa thì nghe tiếng thằng cu Hản, con của Thưa kêu thất thanh. Tới nơi thì thấy Thưa đã lạnh cứng từ lúc nào. Người chồng từ Tây Nguyên về, cũng khóc lóc kể lể, rồi làm đám, đưa Thưa tới gò. Mồ Thưa chưa xanh cỏ thì chồng Thưa đã sang ở với vợ mới. Từ đó, căn nhà bỏ trống, cứ đến độ giỗ Thưa, chồng về làm mấy mâm cơm, mời cả xóm rồi hôm sau đã vội đi.

Ngày còn khỏe, cái giỗ nào của Thưa, bà chín Bình cũng xuống từ sớm để phụ giúp. Năm nay gần 90 tuổi, sức đã kém nên đến trưa người ta mới thấy bà chống gậy xuống ngồi trầm ngâm trước nhà Thưa. Bà nghĩ về cuộc đời của Thưa, từ lúc lấy chồng đến khi nằm xuống chưa có lấy một ngày dễ chịu.

Bà hay bảo, nếu Thưa là một người mạnh mẽ, cứ mạnh mẽ đến cùng đi, thẳng thớm ly dị với chồng rồi làm lại cuộc đời chớ cớ chi phải ngoại tình. Nhưng bà nghĩ lại, nhà Thưa cũng nghèo, mồ côi cha mẹ, mấy anh chị em đều khổ, Thưa ít học hành nên quay về nhà cũng chẳng có ai để mà dựa dẫm. Rồi như thấy một cơn ấm ức, nghèn nghẹn nổi lên, bà lại nghĩ, hay Thưa cứ hư hỏng đi, đừng nhìn vào ánh mắt mọi người, cứ vênh mặt lên mà sống, biết đâu, Thưa không khổ tâm, không giày vò đến mức phải lên cơn đau tim mà ra đi khi mới 40 tuổi.

Chỉ có điều, ở Thưa, những đức tính của người phụ nữ khao khát yêu thương, hy sinh vì gia đình vẫn còn đó. Thưa như con chim, dành cả tuổi trẻ để đi nhặt nhạnh từng chút một về xây tổ. Người ta thấy những tuần nào người chồng ít say xỉn, chịu khó làm ăn, mắt Thưa sáng rực lên đi khoe với hàng xóm là ông T độ này biết lo cho gia đình, thương vợ con. Rồi Thưa tất tả đi chợ, mua con cá ngon về nấu chén canh chua để chồng lấy sức làm việc. Nhưng được ngày trước, qua ngày sau, người ta lại thấy Thưa mang khẩu trang, đội nón cả ngày. Đến khi giở ra thì mặt mũi bầm tím.

Những dịu dàng, yêu thương của Thưa theo những trận đòn, cơn say, sự vô tâm cứ mòn mỏi, mòn mỏi dần rồi rơi vào tuyệt vọng. Cho nên khi gặp được một người không giống chồng, Thưa bất chấp thương người ta để rồi giằng xé với biết bao suy nghĩ.

Nghĩ đến hết hơi rồi, bà chín Bình mới chống cây gậy trúc, chân thấp, chân cao bước ra khỏi thềm. Tuổi già hạt lệ như sương, bà không còn nước mắt để khóc cho Thưa, chỉ có khóe mắt hơi đo đỏ. Trên đường về, bà lại nghĩ về Thưa, dù hàng xóm có dị nghị thế nào bà cũng chỉ thấy thương thật thương chớ không có chút gì trách cứ. Vì dù không khá khẩm gì nhưng ai gặp khó khăn, Thưa cũng xúc cho chục ký gạo, dấm dúi ít tiền; nhà ai có giỗ tiệc, Thưa đều qua phụ giúp không nề hà. Thưa sống chưa có một ngày sung sướng nhưng gặp ai cũng cười nói xởi lởi. Vậy mà cuối cùng, một kiếp người cũng chỉ 40 năm.

Với nhiều người nó ngắn, nhưng với Thưa, nó dài vô tận.

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/254648/chenh-venh-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-bao-ha.html