'Chết dần chết mòn' vì ở nhà, phụ nữ Afghanistan đổ xô đi học làm y tá
Để kiếm thêm tiền hỗ trợ gia đình và được ra khỏi nhà một cách hợp pháp, ngày càng nhiều phụ nữ Afghanistan đăng ký các khóa học làm y tá và hộ sinh.
Học làm y tá là cách phụ nữ Afghanistan được ra khỏi nhà đi làm một cách hợp pháp
Ngày càng nhiều phụ nữ Afghanistan có chuyên môn và học thức đã đăng ký các khóa học làm y tá và hộ sinh. Bởi họ đã chán cảnh bị nhốt trong nhà kể từ khi Taliban lên nắm quyền cách đây 2 năm và cấm phụ nữ đi làm. Một nguyên nhân khác là họ cần tiền để phụ giúp gia đình.
Sau một thập kỷ giảng dạy tại một trường đại học ở Afghanistan, cựu chuyên gia kinh tế Shabana Sediqian (36 tuổi) chuẩn bị đi học lại để trở thành y tá. Bà cho biết, điều dưỡng không nằm trong dự tính nhưng đây là công việc duy nhất dành cho những phụ nữ đang bị "quản thúc tại gia" và tài chính thì ngày một eo hẹp.
Cựu giảng viên Shabana Sediqian cảm thấy rất tức giận vì tất cả kiến thức chuyên môn bị vứt bỏ và phải gạt ngang sang một bên để làm công việc trái ngành. Tuy nhiên, đăng ký một khóa học điều dưỡng là cách duy nhất mà bà Shabana Sediqian có thể giúp đỡ tài chính cho gia đình, giúp bản thân kiếm được việc làm, và được đi ra khỏi nhà vài giờ.
"Mỗi ngày là một cuộc đấu tranh về tài chính và tình cảm", bà Sediqian, người từng kiếm được 400 USD/tháng cho hay. Bà mẹ 3 con hy vọng có thể kiếm được khoảng 150 USD/tháng khi làm y tá, và mong sẽ tiết kiệm được tiền để gửi con gái đi du học.
Nilab Azizi (30 tuổi), một bà mẹ 3 con từng làm việc cho một dự án viện trợ quốc tế, cũng sẽ bắt đầu khóa học làm điều dưỡng trong vòng 3 năm vào tháng 9. "Tôi đã cố gắng suốt hơn một năm để được quay lại làm việc, nhưng chính quyền Taliban đã khép lại mọi cơ hội dành cho phụ nữ. Ở nhà và không làm gì giống như chết dần chết mòn", bà Nilab Azizi tâm sự.
Nilab Azizi hy vọng nghề điều dưỡng sẽ giúp bà tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, các kiến thức về dinh dưỡng trẻ em và sự nguy hiểm của nạn tảo hôn - vấn nạn đang gia tăng ở Afghanistan và làm tăng nguy cơ biến chứng khi sinh và tử vong ở người mẹ.
Shaqayque Barakzai (19 tuổi), sinh viên ngành Y tá ở thành phố Herat, Afghanistan cho biết, ước mơ của cô là trở thành nhà thiết kế nội thất. Tuy nhiên, cô đã chọn học điều dưỡng sau khi chính quyền Taliban cấm các cô gái học đại học.
"Số lượng sinh viên chọn học ngành Y tá ngày càng nhiều. Vì vậy, lo lắng lớn nhất của tôi là sau khi tốt nghiệp vào năm tới, người trẻ chúng tôi sẽ đối mặt với tình trạng thất nghiệp vì nhân lực ngành này bị dư thừa", Shaqayque Barakzai nói thêm.
Chính quyền Taliban cấm các bé gái đi học. Phụ nữ bị cấm làm hầu hết các công việc, kể cả làm việc cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng đối với ngành Y tế.
Tổ chức Thomson Reuters đã nói chuyện với 10 y tá và thực tập sinh ở Afghanistan. Những người này cho biết bản thân đã chuyển nghề sang làm y tá, hoặc có bạn bè và đồng nghiệp đã làm như vậy.
Ông Khaled Ferdous, Giám đốc điều hành của một viện y tế tư nhân ở phía bắc thành phố Mazar-i-Sharif có liên kết với Bộ Y tế Afghanistan, cho biết số lượng sinh viên điều dưỡng và hộ sinh trong các khóa học đào tạo đã tăng hơn gấp đôi kể từ giữa năm 2021.
Theo ông Khaled Ferdous, gần 90% học viên có học vấn ban đầu không liên quan tới ngành điều dưỡng. Họ từng là công chức, giáo viên, nhà báo, và sinh viên chưa tốt nghiệp đại học.
Ngành Y tế Afghanistan gặp nhiều khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng kinh tế và việc quốc tế rút viện trợ sau khi Taliban lên nắm quyền đã khiến ngành Y tế Afghanistan đối mặt với nhiều gánh nặng.
Theo dữ liệu chính thức, Afghanistan có khoảng 4.400 cơ sở y tế. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn trống các dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Đồng thời, nhiều chuyên gia y tế đã rời khỏi Afghanistan khiến đội ngũ có trình độ chuyên môn bị thiếu hụt. Trong khi đó, tình trạng đói nghèo ngày càng trở nên trầm trọng khiến số lượng người bị suy dinh dưỡng cần điều trị lại không ngừng tăng.
Theo các cơ quan viện trợ, ngay cả khi các nữ nhân viên y tế Afghanistan đi làm, họ cũng phải đối mặt với không ít thách thức như bị tra hỏi tại các chốt kiểm soát về trang phục, công việc hoặc không có người giám hộ (gọi là "mahram") đi cùng.
Theo ông Ribeiro, lệnh cấm giáo dục bậc trung học đối với các nữ sinh khiến các trường đào tạo y tá và hộ sinh sớm không còn học viên. Điều này sẽ dẫn tới "thảm họa" đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Bởi Afghanistan là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh cao nhất thế giới, cứ 2 giờ lại có một phụ nữ tử vong khi đang mang thai, hoặc sinh con.
Taliban là phong trào Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni, thành lập đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989. Taliban chiếm được chính quyền năm 1996. Năm 2001, chế độ Taliban bị lật đổ trong chiến dịch quân sự "Tự do bền vững" của Mỹ với sự hỗ trợ của Liên minh NATO.
Trong thời kỳ Taliban cầm quyền, luật Sharia Hồi giáo khắc nghiệt nhất đã được áp dụng. Taliban đã giúp các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ẩn náu và tiếp tục cưu mang các chiến binh của tổ chức này, sau khi chế độ Taliban bị lật đổ ở Afghanistan. Năm 2003, Liên Hiệp Quốc liệt kê Taliban vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Kể từ khi trở lại lãnh đạo đất nước vào năm 2021, Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Phụ nữ Afghanistan hiện nay gần như bị loại bỏ khỏi cuộc sống công cộng của đất nước, bị tước đi công việc trong bộ máy chính phủ và được trả một phần lương trong khoản trước đây cho việc ở nhà.
Họ cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường.
Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên, vườn hoa, hội chợ, phòng gym cũng như nhà tắm công cộng và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng, đồng thời phải che kín mặt khi đi ra ngoài.
Nguồn: Reuters