Chỉ 1/3 thanh niên Hàn Quốc cảm thấy tích cực về hôn nhân

Không có gì ngạc nhiên khi giới trẻ Hàn Quốc ngày càng xa lánh việc kết hôn và làm cha mẹ .Tỷ lệ sinh giảm mạnh của đất nước là bằng chứng rõ ràng cho điều đó.

Một báo cáo mới của chính phủ cho thấy xu hướng đó đã tăng tốc mạnh mẽ như thế nào trong thập kỷ qua, gây ra rắc rối về nhân khẩu học cho quốc gia già hóa này trong những năm tới.

Báo cáo khảo sát cư dân trong độ tuổi từ 19 đến 34 hai năm một lần, được Cơ quan thống kê Hàn Quốc công bố hôm 28-8.

Theo đó, có 36,4% số người được hỏi trong cuộc thăm dò năm ngoái cho biết họ có nhận thức tích cực về hôn nhân – giảm từ mức 56,5% vào năm 2012.

Sự sụt giảm này phản ánh những áp lực ngày càng tăng đối với giới trẻ Hàn Quốc, bao gồm những lo ngại về kinh tế như không đủ khả năng chi trả cho nhà ở và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Những lý do phổ biến được nêu trong báo cáo khiến giới trẻ không kết hôn bao gồm việc không có đủ tiền để kết hôn và cảm thấy điều đó đơn giản là không cần thiết.

Và trong số 1/3 số người được hỏi có nhận thức tích cực về hôn nhân, kết quả nghiêng nhiều về phía nam giới – chỉ có 28% phụ nữ phản hồi tích cực.

Có thể có nhiều lý do khác nhau cho việc này: nhiều phụ nữ Hàn Quốc nói với đài CNN vào năm 2019 rằng, họ lo ngại về sự an toàn khi hẹn hò, điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi những tin tức nổi tiếng về tội phạm tình dục, thói phân biệt giới tính.

Những tiến bộ của phụ nữ trong giáo dục và nơi làm việc cũng đồng nghĩa với việc “chi phí cơ hội kết hôn” đối với phụ nữ hiện nay cao hơn nhiều so với các thế hệ trước.

Thanh niên Hàn Quốc ngày càng "ngán" kết hôn

Thanh niên Hàn Quốc ngày càng "ngán" kết hôn

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khi kết hôn, họ có thể phải thỏa hiệp về sự nghiệp hoặc học vấn của mình, đặc biệt là với các chuẩn mực giới tính cố hữu và khó khăn khi quay lại làm việc sau khi sinh con.

Điều đó có nghĩa là nhiều phụ nữ có học thức và công việc ổn định đang trì hoãn việc kết hôn và làm cha mẹ. Thậm chí còn có từ “bihon” để chỉ những phụ nữ chọn từ bỏ hôn nhân.

Báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy, thái độ của những người được hỏi đối với việc sinh con cũng tương tự như vậy. Trong số những người được khảo sát năm ngoái, hơn một nửa cho biết họ không thấy cần thiết phải sinh con, ngay cả sau khi kết hôn – tỷ lệ này đã tăng đều đặn kể từ năm 2018.

Nhưng trong một sự thay đổi từ quan điểm bảo thủ điển hình của Hàn Quốc, ý tưởng nuôi dạy con đơn thân đang trở nên phổ biến. Gần 40% số người được hỏi cho biết họ có thể có con mà không cần kết hôn, một điều trái với chuẩn mực truyền thống ở nước này.

Trong khi việc sinh con là điều rất được các cặp vợ chồng ở Hàn Quốc mong đợi thì phần lớn xã hội vẫn không hài lòng với những ông bố bà mẹ đơn thân. Số liệu chính thức của bệnh viện cho thấy, phương pháp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không được cung cấp cho phụ nữ độc thân. Trong khi đó, các cặp vợ chồng trong quan hệ đối tác phi truyền thống cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử: Hàn Quốc không công nhận hôn nhân đồng giới và các quy định khiến các cặp đôi chưa kết hôn khó chấp nhận.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, chính quyền có thể cần phải thay đổi những quan điểm này một cách nhanh chóng nếu họ muốn kéo đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập.

Năm ngoái, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, vốn đã thấp nhất thế giới, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,78 - thậm chí chưa bằng một nửa mức 2,1 cần thiết cho một dân số ổn định và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (1,3).

Những nỗ lực khắc phục vấn đề cho đến nay phần lớn tỏ ra không hiệu quả. Chính phủ đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua để khuyến khích nhiều người sinh con hơn nhưng kết quả đạt được rất ít.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/chi-13-thanh-nien-han-quoc-cam-thay-tich-cuc-ve-hon-nhan_151965.html