Chỉ 1 câu nói hớ, bà mẹ trẻ vô tình khiến đứa con cả ghét cay ghét đắng em mình
Có nhiều trường hợp, trẻ ghét cay, ghét đắng thậm chí lén đánh em khi mẹ không để ý.
Ảnh minh họa.
Khi trong nhà có thêm thành viên, không ít đứa trẻ cảm thấy buồn tủi vì bố mẹ cả ngày chỉ quan tâm đến em mà không chú ý gì đến mình. Sự hụt hẫng đó khiến con chán ghét sự có mặt của viên mới.
Đặc biệt những lời đùa ác ý: "Cháu bị ra rìa rồi" của người lớn càng khiến tâm trí trẻ thêm hoảng loạn. Có nhiều trường hợp, trẻ ghét cay ghét đắng, thậm chí lén đánh em khi mẹ không để ý.
Để tránh những trường hợp này, khi có thêm thành viên, bố mẹ nên chuẩn bị tâm lý trước cho con, đồng thời tránh những câu nói khiến con cảm thấy tủi thân, uất ức.
Một bà mẹ trẻ giấu tên đã chia sẻ lại câu chuyện của mình. Theo đó, chỉ vì một câu nói không chủ ý mà chị vô tình khiến con lớn ác cảm với em mình.
Khi con gái lớn được 2 tuổi thì vợ chồng chị có thêm em bé. Trẻ nhỏ thường khó ru ngủ nên trong nhà lúc nào cũng phải yên ắng hết mức.
Tuy nhiên, con gái chị đang tuổi ăn, tuổi lớn nên thường thích nô đùa và không muốn đi ngủ sớm. Vì thế nên chị thường hay nhắc con: "Con ngủ đi! Giữ yên lặng để em còn ngủ! Con cứ nói to như thế làm sao mà em ngủ được?".
Bà mẹ trẻ không ngờ, những câu nói tưởng chừng bình thường nhưng lại gây ấm ức lớn cho cô con gái lớn.
Cô bé hỏi mẹ: "Tại sao em ngủ thì con lại phải ngủ?". Một lần khác, cô bé bực dọc thốt lên: "Tại vì em mà con không được chơi đùa! Con ghét em!".
Vậy là vì câu nói đơn giản mà người mẹ khiến con cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng bởi em. Trong trường hợp muốn giữ yên lặng, tốt nhất bố mẹ đừng bao giờ lấy con nhỏ ra làm lý do để ngăn cản con lớn làm bất cứ việc gì.
Thay vào đó, bố mẹ nên lấy lý do khác. Như trường hợp của bà mẹ trên, nếu muốn con cả đi ngủ thì thay vì nói: "Con ngủ đi để cho em ngủ" thì có thể nói: "Con ngủ đi, trời tối rồi", hay "Con ngủ đi, mai còn dậy sớm mà đi học".
Việc ngủ của con lớn và con nhỏ vốn không liên quan đến nhau. Đừng bao giờ bắt con phải làm việc gì hoặc không được làm việc gì chỉ "vì em". Mặc dù mục đích chính của bố mẹ khi bắt con đi ngủ là để bé không nói to, làm em giật mình tỉnh giấc thì điều đó cũng không bao giờ được nói ra.
Ở mỗi độ tuổi, cha mẹ nên áp dụng cách giải thích khác nhau để cho con hiểu và sẽ thấy yêu em bé sắp chào đời:
Với trẻ dưới 2 tuổi: Trẻ ở lứa tuổi nhỏ thế này sẽ không hiểu ý nghĩa của việc có thêm em bé. Bạn chỉ cần đơn giản nói cho con biết gia đình sắp có thành viên mới và cho xem hình ảnh những em bé xinh xắn để tăng thêm hào hứng chuẩn bị có em.
Với trẻ từ 2-4 tuổi: Ở tuổi này, trẻ vẫn khá bám bố mẹ và cảm thấy ghen tị khi phải chia sẻ sự quan tâm của bố mẹ với em bé mới sinh.
Bạn nên giải thích cho bé biết rằng em còn rất nhỏ nên cần nhiều sự quan tâm chăm sóc của mọi người. Khuyến khích con cùng chăm em bằng cách đưa con đi mua đồ và nên mua cho con một món đồ chơi nào đó trong lần đi mua sắm đó.
Với trẻ ở tuổi đi học (từ 6 tuổi trở lên): Trẻ ở tuổi này vẫn còn cảm giác ghen tị khi em bé đã thu hết mọi sự chú ý của bố mẹ và các thành viên trong gia đình.
Để giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực của con, cha mẹ nên dùng những câu nói khuyến khích và nhấn mạnh vào lợi ích khi con lớn hơn hẳn em.
Ví dụ như con lớn hơn em nên con sẽ được đi ngủ muộn hơn và nhờ con trông em giúp để con cảm thấy có trách nhiệm và khẳng định "cái tôi" của mình.