Chỉ 1 du khách bỏ trốn, DN nguy cơ mất nghiệp làm ăn
Để khách nước ngoài trốn tại Việt Nam hoặc khách Việt Nam bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài, DN lữ hành bị phạt từ 80-90 triệu đồng kèm hình phạt bổ sung. Quy định này khiến phía lữ hành lo ngại.
Theo quy định tại Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, có hiệu lực từ 1/8 tới, mức phạt sẽ lên tới gần 100 triệu đồng nếu các DN lữ hành để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép. Đồng thời, kèm hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 đến 18 tháng.
Tại buổi tọa đàm triển khai Nghị định 45 của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, diễn ra sáng 7/6, đây là vấn đề trên được nhiều DN đề cập nhất.
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, cho rằng, vấn đề khách Việt Nam bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài là nỗi lo thường trực của bất cứ DN lữ hành outbound nào. Một năm có mấy trăm ngàn khách đi du lịch nước ngoài nên ông Trần Văn Long thừa nhận, dù kiểm tra hồ sơ kỹ đến mấy, hướng dẫn viên có kiểm soát chặt chẽ đến mấy song khách đã có ý định bỏ trốn thì khó mà phát hiện được. Trên thực tế, có hồ sơ xin cấp visa du lịch làm giả 100%.
“Trước đây Du lịch Việt có một vị khách 65 tuổi bỏ trốn tại Đức, chúng tôi đã bị đại sứ quán Pháp phạt 4 năm trời. Sau này công ty buộc phải lách bằng cách bỏ ra 500 triệu ký quỹ để lập DN outbound mới”, ông Long kể.
Theo ông Long, với quy định mới tại Nghị định 45, sắp tới, nếu khách du lịch bỏ trốn lại nước sở tại DN lữ hành không chỉ bị phạt, mà còn bị rút giấy phép kinh doanh 12-18 tháng thì quá nặng, lại bị mang tiếng “làm bậy” thì cơ hội khôi phục hoạt động rất khó. Trong khi, một năm có tới cả chục, thậm chí mấy chục khách bỏ trốn, chẳng lẽ cứ đóng DN này lại mở DN khác để kinh doanh đưa khách đi du lịch nước ngoài, ông Long lo lắng.
Đại diện công ty Kim Liên Travel thẳng thắn, chắc chắn nhiều DN, trong đó có cả outbount và inbound, mặc dù đã làm rất tốt việc kiểm tra xét tuyển hồ sơ, nhưng vẫn có trường hợp khách bỏ trốn nếu họ cố tình. Tuy nhiên, Nghị định 45 lại chưa nói rõ đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên.
Vị này dẫn chứng, DN đã quản lý rất chặt, nhưng chặt đến mấy thì chặt thì 10h tối là hướng dẫn viên đưa khách về khách sạn lên phòng nghỉ ngơi, hướng dẫn viên cũng về phòng nội bộ. Khi đó khách mới trốn thì làm thế nào?
Tuy nhiên, theo đại diện công ty Kim Liên Travel, khi phát hiện khách bỏ trốn, điều quan trọng nhất là phải chủ động báo cáo ngay, không đợi đến khi cơ quan thực thi pháp luật, như Cơ quan Xuất nhập cảnh chẳng hạn, phát hiện ra thì lúc đó gặp rất nhiều rắc rối.
Ngoài ra, “ngành công an nên có thông báo về việc cấm xuất nhập cảnh với khách đã từng có hành vi bỏ trốn ở nước ngoài. Bởi nếu khách làm hồ sơ theo đúng yêu cầu, thì công ty du lịch khó từ chối”, ông Long kiến nghị.
Song, đại diện một DN lữ hành khác lo ngại, khi sự cố xảy ra (khách bỏ trốn, khách vi phạm quy định của nước sở tại,... ) cần báo cáo cho ai, cơ quan nào, có số hotline (đường dây nóng) không, địa chỉ email ra sao? Đây là điều không ghi rõ trong Nghị định 45. Trong nước, DN lữ hành có thể báo cáo lên cơ quan quản lý du lịch địa phương, song ngoài giờ hành chính DN phải làm gì và có cách nào để chứng tỏ rằng mình có báo cáo?
Một vấn đề khác cũng được nhiều DN lữ hành quan tâm là quy định về hướng dẫn viên, nhất là với hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động chui tại Việt Nam. Điển hình là gần đây, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện 104 hướng dẫn viên Trung Quốc hành nghề trái phép và có biểu hiện hành nghề trái phép tại Việt Nam.
Theo quy định tại Nghị định 45, mức phạt sẽ là 40-50 triệu đồng với Dn lữ hành sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia; phạt 50-60 triệu đồng nếu sử dụng người không có thẻ HDV để hướng dẫn khách, hoặc sử dụng thẻ HDV giả.
Về quy định này, Phó Giám đốc Công ty TransViet, ông Nguyễn Tiến Đạt, cho rằng: "Nếu sử dụng hướng dẫn viên cố tình xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia nên phạt nặng hơn, thậm chí tước giấy phép, công bố công khai để các công ty lữ hành không thuê nữa”.
Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nhận xét, các mức phạt tại Nghị định 45 đều tăng so với trước, nhiều hành vi vi phạm sẽ bị tước giấy phép hoạt động. Hiện cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành cả quốc tế lẫn nội địa, nhưng nhiều quản lý đơn vị lữ hành còn chưa đọc kỹ Nghị định, đến khi bị kiểm tra, xử lý thì viện dẫn thông tin lập lờ như hợp đồng miệng, tin nhắn.
Do đó, theo ông Trần Văn Long, các DN lữ hành cần đọc kỹ, xem kỹ Nghị định 45/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, bởi những điều luật đó rất cụ thể, trong khi lại có nhiều cơ quan chức năng được phép phạt DN, kể cả UBND cấp xã, quản lý thị trường,... Điều này là cần thiết để các DN không thể làm bậy, làm ăn trá hình được. Làm ăn kiểu chộp giật sẽ bị siết chặt, việc tổ chức đi du lịch tự phát trái phép khó mà đầu xuôi đuôi lọt,... Tuy nhiên, nếu không nắm vững từng điều khoản, DN rất dễ bị phạt.