Chi 1 tỷ đồng để nhận lại túi xách Dior fake
Với kinh nghiệm chơi đồ hiệu hơn 7 năm, Trang Trần (sinh năm 1992, Hà Nội) không ngờ có ngày mình 'mắc bẫy' ở giao dịch mua sắm trị giá gần 1 tỷ đồng.
“Em cũng là nạn nhân, cũng bị lừa thôi. Chị muốn có túi sớm nên em phải săn lùng khắp nơi, mua lại từ khách quen, không kịp kiểm tra kỹ”, reseller thân thiết giải thích qua loa với Trang Trần (32 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) qua điện thoại rồi vội cúp máy.
Đây là lần đầu tiên Trang Trần "mắc bẫy" mua sắm sau hơn 7 năm chơi đồ hiệu.
Trước đó, cô chi gần 1 tỷ đồng cho chiếc túi Lady Dior da cá sấu Himalaya loại kích cỡ mini. Tuy nhiên, chiếc túi xách mà cô nhận được là một phiên bản nhái được thiết kế tương đối tinh vi. Chất liệu da và kiểu dáng giống đồ thật đến 90%.
Điểm khác biệt duy nhất là xuất xứ của món phụ kiện này. Túi xách không được sản xuất bởi thương hiệu xa xỉ Pháp Dior.
“Trên thị trường, loại túi xách giả mạo tinh vi như thế này trị giá khoảng vài trăm triệu đồng. Theo đó, tôi ước tính mình đã bị lừa ít nhất 200 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn thế ở phiên mua bán này”, cô chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Trang Trần là ví dụ điển hình cho số lượng lớn người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin, trở thành nạn nhân của các đường dây buôn bán hàng giả. Lợi dụng khao khát sở hữu những món hàng hiệu hiếm của một số cá nhân, nhiều người giao dịch trung gian tìm cách trục lợi, kiếm tiền từ những sản phẩm nhái tinh vi.
Nạn nhân của hàng nhái
Với thâm niên chơi đồ hiệu hơn 7 năm, Trang Trần chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành nạn nhân của hàng fake. Cô sở hữu niềm đam mê đặc biệt đối với túi xách da cá sấu, mong muốn sở hữu càng nhiều kiểu vân da càng tốt.
Da cá sấu Himalaya là chất liệu khiến Trang Trần và nhiều người chơi khao khát chạm vào. Tuy nhiên, chiếc túi Hermès Birkin da cá sấu Himalaya sở hữu mức giá tương đối cao, khoảng 6 tỷ đồng.
Hơn nữa, đây là món phụ kiện có tiền cũng khó mà sở hữu được. Quá trình tậu món đồ hiệu này không đơn giản bởi chính sách mua hàng của Hermès rất chặt chẽ.
Người phụ nữ này cần tích điểm bằng cách mua hàng loạt món phụ kiện thời trang, quần áo của nhà mốt để trở thành khách VIP, từ đó mới có cơ hội đặt mua túi xách. Số tiền chi trả cho những món hàng “lót đường” này thường cao gấp 3 lần giá trị chiếc túi.
Hơn nữa, với mỗi lần đặt hàng, cô chỉ được chọn 1 trong 2 dòng Birkin hoặc Kelly. Ngoài ra, khách VIP cũng chỉ có cơ hội mua duy nhất 1 chiếc túi/năm. Chưa kể, danh sách chờ dài đằng đẵng khiến người mua tốn rất nhiều năm mới có thể chạm vào chiếc túi mơ ước.
Từ bỏ khao khát chạm vào chiếc Hermès Birkin da cá sấu Himalaya, Trang được bạn bè giới thiệu chiếc Lady Dior đồng chất liệu với mức giá “mềm” hơn hẳn. Trong khi giá thành của chiếc túi cỡ trung là 1 tỷ đồng, phiên bản mini size chỉ có giá hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, món phụ kiện này cũng là phiên bản giới hạn.
Sau khi ngắm nghía hình ảnh về chiếc túi da cá sấu nổi iếng với hiệu ứng chuyển màu từ xám khói sang trắng ngọc trai, Trang Trần lập tức nhấc điện thoại, gọi cho người bán hàng trung gian (reseller) thân quen trong suốt 3 năm qua. Cô tha thiết nhờ người này tìm mua giúp, bày tỏ mong muốn sở hữu càng sớm càng tốt.
Trang Trần cũng sẵn sàng chi trả thêm 100 triệu đồng để tậu mẫu túi có chi tiết logo đính đá quý thay vì logo bọc da thông thường.
Sau hơn 1 tháng kể từ ngày nhờ reseller “săn lùng” hộ, cô nhận được tin nhắn thông báo chiếc túi về tay. Trang Trần mừng rỡ trước thông tin này, vội vàng chuyển khoản toàn bộ số tiền trị giá gần 1 tỷ đồng.
Sau khi “đập hộp” túi xách yêu thích, cô nhanh chóng xách món phụ kiện này đi gặp gỡ bạn bè. Thế nhưng, cô nhận về nhiều ánh mắt nghi ngờ.
Ngay khi trở về nhà, cô mới kiểm tra các thông số. Lúc này, Trang Trần mới “ngã ngửa” phát hiện mình bị lừa.
“Lúc nhận hàng, tôi chỉ kiểm tra qua loa hóa đơn vì tin tưởng người giao dịch trung gian. Việc hóa đơn bị xóa tên cũng không có gì lạ vì hành động này sẽ giúp reseller tránh lọt vào 'danh sách đen' của nhãn hàng. Thương hiệu chỉ muốn bán cho người có nhu cầu sử dụng thật”, Trang Trần cho biết.
Khi cô liên hệ với người bán, người này chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm. Hiểu rằng không thể truy vết đến người bán đầu tiên nếu ai cũng nhận là nạn nhân, cô không muốn làm lớn chuyện, song vẫn yêu cầu seller đền bù thiệt hại.
“Lỗi của người này là tắc trách, không kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi giao cho khách”, Trang kết luận.
Nguồn cung hàng giả gia tăng
Theo báo cáo được công ty cung cấp giải pháp phân biệt hàng hiệu giả Entrupy thực hiện năm 2023, người bán hàng trung gian, ở cả hình thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online), là một trong những nguồn cung cấp sản phẩm nhái lớn nhất.
Trong năm 2021, 10,1% hàng giả đến từ reseller offline. Trong khi đó, 8,1% được trao đổi bởi người bán online.
Những cá nhân thiếu uy tín hoặc thậm chí có danh tiếng trong lĩnh vực này đều có thể trở thành mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán hàng xa xỉ giả mạo.
Entrupy cho biết tỷ lệ hàng giả tăng nhanh từ năm 2019 đến 2021 bắt nguồn từ nhiều nguyên do. Một trong những lý do chính là sự khan hiếm hàng hóa có sẵn tại các cửa hàng bán lẻ. Tình trạng này làm tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm tại thị trường thứ cấp.
Từ đó, hàng loạt nguồn hàng thiếu uy tín phát triển nhanh chóng, xâm lấn thị trường, mở đường cho hàng giả xuất hiện tràn lan. Người tiêu dùng thiếu kiến thức và kinh nghiệm trở thành “con mồi” béo bở của những đại lý, người bán hàng trung gian này.
Tháng 11/2023, cảnh sát Mỹ thực hiện vụ thu giữ hàng hiệu giả mạo lớn nhất từ trước đến nay, theo Bloomberg. Toàn bộ hàng hóa bao gồm túi xách, giày dép, đồng hồ có giá trị lên đến 1 tỷ USD.
2 dealer lưu giữ khoảng 133.000 món đồ hiệu nhái tại Manhattan (New York, Mỹ). Cả 2 lập tức bị bắt giữ và tiến hành xét xử trong thời gian tới.
Theo hình ảnh được cơ quan điều tra công bố, hàng trăm nghìn sản phẩm đến từ các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Marc Jacobs, Christian Dior, Gucci, Burberry và Hermès được trưng bày kín trên những dãy kệ kim loại.
Theo báo cáo do công ty cung ứng phần mềm MarkMonitor thực hiện năm 2023, 47% thương hiệu thời trang bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngành công nghiệp hàng giả. 1/3 nhãn hàng báo cáo doanh thu giảm từ 10% trở lên.
58% công ty lo sợ rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm tới khi hàng nhái ngày càng được thiết kế tinh vi và cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí khiến nhiều người ưa chuộng sản phẩm giá rẻ.
Đối mặt với tình trạng hàng nhái tràn lan, Entrupy cho rằng các thương hiệu phải đưa ra các chiến lược cụ thể, tiến hành triển khai sớm để đảm bảo doanh thu và bảo vệ khách hàng.
Vào năm 2021, Prada và Cartier đã bắt tay với công ty cung cấp giải pháp phân biệt hàng thật - hàng nhái Aura Blockchain Consortium.
Các nền tảng mua sắm trực tuyến như Rebag, The RealReal và Vestiaire Collective cũng áp dụng hàng loạt công nghệ kiểm tra sản phẩm, tránh tình trạng những phiên bản sao chép của hàng thời trang xa xỉ xuất hiện tràn lan, gây mất uy tín.
The RealReal cho biết họ đã đầu tư vào chương trình nhận dạng, xác thực sản phẩm có tên Vision, kiên quyết áp dụng các phương pháp chống hàng nhái để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.