Chỉ 10-35% phụ phẩm nông nghiệp được tái chế
Mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp gồm rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê, chất thải chăn nuôi… nhưng chỉ khoảng 10-35% trong số này được tái chế, tái sử dụng; phần lớn bị bỏ phí hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Thông tin được ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025, diễn ra chiều 16/7. Ông cảnh báo: “Nếu không xử lý hiệu quả, lượng phụ phẩm này không chỉ lãng phí mà còn trở thành gánh nặng môi trường”.
Cũng theo ông Thịnh, nông nghiệp là ngành phát thải CO₂e (Carbon Dioxide tương đương) lớn thứ hai sau năng lượng, với hơn 104 triệu tấn CO₂e mỗi năm, chiếm khoảng 18% tổng phát thải quốc gia, theo cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định - NDC năm 2022.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu tại Diễn đàn
Trong khi đó, các phụ phẩm nông nghiệp đều có giá trị sử dụng nếu được xử lý đúng cách. Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed cho biết, rơm rạ có thể tận dụng làm thức ăn gia súc, phân compost, viên nén sinh khối; vỏ trấu dùng sản xuất than hoạt tính, vật liệu cách nhiệt; nước gạo, nước thải từ chế biến có thể xử lý thành dinh dưỡng nuôi cá, hoặc làm men vi sinh. Đáng chú ý, cám gạo còn là nguyên liệu đầu vào trong sản xuất mỹ phẩm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. ThaiBinh Seed dùng trấu làm chất đốt, cám phục vụ ngành chăn nuôi, rơm để trồng nấm và sản xuất phân bón hữu cơ. Một số đơn vị đã xuất khẩu rơm sang Hàn Quốc.
Dù nhiều sáng kiến xuất hiện, ông Thịnh nhận định hoạt động kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn còn manh mún, thiếu liên kết chuỗi và chưa hình thành thị trường rõ nét. Một số đề án lớn như “Một triệu ha lúa phát thải thấp” cũng gặp vướng mắc về dữ liệu đầu vào, ví dụ thiếu số liệu thực tế về lượng trấu, rơm rạ thu hoạch được trên mỗi ha, gây khó khăn trong xây dựng quy trình.

Diễn đàn Nông nghiệp 2025 có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp
Từ thực trạng trên, Cục trưởng Lê Đức Thịnh đề xuất cần xây dựng chiến lược riêng cho kinh tế tuần hoàn nông nghiệp, không gộp chung với công nghiệp hay năng lượng. Ngoài ra, phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xác nhận sản phẩm tuần hoàn, để dễ phân biệt trên thị trường, qua đó tăng giá trị hàng hóa, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư.
Ông Trần Mạnh Báo cũng kiến nghị có cơ chế chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, cần đầu tư giống lúa ngắn ngày, chống chịu thời tiết cực đoan, cho hiệu suất phụ phẩm cao hơn, góp phần giảm phát thải.
Diễn đàn Nông nghiệp 2025 là dịp để nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhìn lại thực trạng, thách thức, cơ hội trong chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn.
Trước đó, ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 540/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đến 2030, tối thiểu 20% nhiệm vụ khoa học trong nông nghiệp phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế tuần hoàn. Thực tế, nhiều địa phương đã triển khai mô hình tận dụng phụ phẩm, tái sử dụng nguồn lực, giảm phát thải. Tuy nhiên, quá trình này còn gặp trở ngại như thiếu chính sách đồng bộ, liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, năng lực hợp tác xã hạn chế và thiếu đội ngũ chuyên gia sâu.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển nền nông nghiệp xanh, thể hiện cam kết quốc tế về tăng trưởng bền vững”.
Các đại biểu cũng đề xuất một loạt giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nông nghiệp: tăng truyền thông nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ sinh học; đào tạo nhân lực kỹ thuật cao và xây dựng mô hình tuần hoàn có thể nhân rộng. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và mở rộng hợp tác toàn cầu nhằm nâng cao năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chi-10-35-phu-pham-nong-nghiep-duoc-tai-che-320029.html