Người dân và tiểu thương Hà Nội đồng lòng tạm biệt túi nilon
Nhiều hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội đã chuyển sang sử dụng túi nilon phân hủy sinh học để đóng gói hàng hóa cho khách, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ khi người dân không sử dụng túi nilon.
Nhằm xây dựng đô thị phát triển bền vững và ứng phó tình trạng “ô nhiễm trắng” từ rác thải nhựa, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết giảm phát thải nhựa, trong đó quy định từ ngày 1/1/2027.
Mỗi ngày, Hà Nội thải ra khoảng 1.427 tấn chất thải nhựa, trong đó hơn 60% là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon. Vì vậy, chính sách từng bước giảm sử dụng túi nilon, tiến tới cấm hoàn toàn được đánh giá là bước đi quan trọng để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Chính sách cũng nhận được sự ủng hộ khá lớn từ người dân, tiểu thương thành phố.
Chị Nguyễn Thị Yên, tiểu thương Chợ Thành Công, chia sẻ: "Mặt hàng của tôi là bán rau, hoa quả thì khách có thể mang một bao to đi để lẫn vào đấy. Nhưng đồ ăn chín mà không dùng túi nilon, mỗi thứ phải để vào một cái hộp thì rất là bất tiện, có khi vẫn phải sử dụng túi nilon. Nếu hạn chế được sử dụng túi nilon thì rất là tốt".
Chị Đinh Thị Tấm, tiểu thương Chợ Thành Công, cho biết thêm: “Nếu thay thế được bằng túi giấy thì chúng tôi cũng chấp hành theo Nhà nước. Nhà Nước đưa ra thì chúng tôi sẽ thực hiện theo".
Không chỉ tiểu thương, người dân Hà Nội cũng chủ động thích nghi. Khá nhiều người dân hiện bắt đầu mang làn, túi vải, xe đẩy loại nhỏ để đi chợ, giảm thiểu số lượng túi nilon cần sử dụng.
Bác Đặng Thị Dung (phường Giảng Võ) cho hay: “Nhà nước mà cấm túi nilon thì tôi sẽ mang túi vải. Tôi để vào xe mang đi, vừa sạch, vừa an toàn”.
Em Lê Văn Tùng (phường Giảng Võ) bày tỏ: “Túi bằng vải, sợi bông tằm giúp chúng ta có thể sử dụng nhiều lần, chứ không phải một lần như nilon”.
Nhận thấy tác động nghiêm trọng của túi nilon đến môi trường, nhiều hệ thống siêu thị lớn đã chuyển sang sử dụng túi nilon phân hủy sinh học để đóng gói hàng hóa cho khách. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ khi người dân không sử dụng túi nilon.
Bà Lê Thị Hương Thắm, Giám đốc Trung tâm Bách hóa Tổng hợp và Siêu thị AEON Xuân Thủy, chia sẻ: “Với mỗi giao dịch không sử dụng túi nilon, chúng tôi sẽ trừ ngay 1.000 đồng. Vào mỗi thứ hai hàng tháng chúng tôi có ngày không túi nilon, không phát túi nilon cho khách hàng. Ngoài ra chúng tôi có dịch vụ thuê túi với giá 5.000 đồng. Chúng tôi cũng bày bán sẵn túi eco thân thiện môi trường ngay gần quầy thanh toán để khách hàng mua khi có nhu cầu”.
Rõ ràng, dù túi nilon gây nhiều tác hại lớn đến môi trường nhưng vẫn đang được sử dụng tràn lan, vô tội vạ vì giá rẻ. Chính vì vậy, để giảm thiểu sử dụng túi nilon, bên cạnh các quy định về cấm sử dụng tại chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cần tính toán cả đến việc tăng thêm thuế để người dân, tiểu thương chủ động chuyển sang các loại túi thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho biết: “Cần thực hiện các công cụ kinh tế môi trường, bao gồm thuế, phí để đánh vào nguồn cung và nhu cầu sử dụng túi nilon theo hướng, dùng càng dùng nhiều thì chi phí càng cao. Bên cạnh đó, cần phát triển công nghệ tái chế túi nilon theo hướng biến chúng thành các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Ví dụ như sản xuất gạch lát nền, tường rào”.
Theo Nghị quyết 579, mức thuế với túi nilon được áp dụng là 50.000 đồng/kg. Nhưng trên thực tế, túi nilon đang được bán công khai thấp hơn nhiều so với mức thuế quy định.
Một tiểu thương kinh doanh đồ khô, các loại túi, chia sẻ: “Một cân túi nilon khoảng 35.000 đồng, được 300 cái. Nếu là túi xi măng thì 100 cái cũng đã 35.000 đồng, rất đắt so với túi nilon. Để làm kinh tế thì không hiệu quả nên chúng tôi phải dùng túi nilon".
Chính vì vậy, để cùng chung tay ngăn chặn, ứng phó tình trạng "ô nhiễm trắng" từ rác thải nhựa, cần quản lý thu thuế chặt chẽ. Khi giá túi nilon cao hơn hoặc ngang bằng với các loại túi thân thiện môi trường, người dân sẽ chủ động chuyển sang các loại túi sử dụng nhiều lần để tiết kiệm chi phí.