Chi 400.000 tỷ đồng, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc hàng loạt dự án giao thông trọng điểm

5 năm giai đoạn 2021-2026, Nhà nước bố trí 400.000 tỷ đồng cho phát triển giao thông, lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư công. Như vậy, vốn, cơ chế, chính sách đã có, các khó khăn, vướng mắc đang được quyết liệt tháo gỡ để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm này...

Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công nói chung và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược nói riêng.

Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công nói chung và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược nói riêng.

Ngày 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm điểm kết quả phiên họp lần thứ 4 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.

HỢP LỰC GỠ NHANH VƯỚNG MẮC CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, Nhà nước bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho phát triển giao thông, lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư công.

Đây là khối lượng công việc rất lớn, với các công trình, dự án được phân bổ rộng khắp từ Nam tới Bắc, với các dự án giao thông trục Bắc-Nam, Đông-Tây và kết nối 6 vùng kinh tế-xã hội. Do đó, Ban Chỉ đạo phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trước, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt trong tổ chức triển khai, tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan. Đến nay, việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Trong đó, các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng; đồng thời, tổ chức họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để quán triệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến cấp huyện, cấp xã nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, chủ động bố trí nguồn vốn để thực hiện chi trả, đền bù tại dự án Vành đai 4 Hà Nội; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư tại dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và dự án giải phóng mặt bằng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, rà soát quy mô đầu tư các dự án đường bộ cao tốc 2 làn xe.

Bộ Giao thông vận tải cũng hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đang triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và các công việc liên quan để khởi công dự án thành phần 2 của dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột trước ngày 30/6.

Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, hoàn thành công tác huy động nhân sự, máy móc, thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng đường công vụ, phối hợp chính quyền địa phương giải quyết thủ tục mỏ vật liệu, bãi đổ thải... để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công 25 gói thầu thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp - Ảnh: VGP.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp - Ảnh: VGP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẩm định chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên...; đồng thời, tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các dự án đường bộ cao tốc, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về vốn đối ứng cho cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP, ngày 7/3/2023 và Nghị quyết số 47/NQ-CP, ngày 1/4/2023 giải quyết vật liệu đắp cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020; hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác vật liệu xây dựng và triển khai phân bổ cát đắp nền cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG "NƯƠNG" VÀO ĐẦU TƯ CÔNG, TIÊU DÙNG

Phân tích những khó khăn trong ngoài nước đang bủa vây hiện nay, theo Thủ tướng, tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó lường, khó dự báo. Các định chế tài chính thế giới sụt giảm so với dự báo, do cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, sau đại dịch Covid-19 các nền kinh tế gặp khó khăn, sức khỏe của các doanh nghiệp suy giảm, các giao dịch, chuỗi cung ứng đứt gãy cần có độ trễ để khôi phục. Cùng với đó, một số ngân hàng lớn trên thế giới sụp đổ…

Bên cạnh đó, nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu thu hẹp, các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn, xuất khẩu khó khăn làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế chung. Nhiều địa phương tăng trưởng kinh tế chậm do tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm.

Ngoài ra, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Những khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn đang được tập trung giải quyết. Các vấn đề tồn đọng như trong 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả đã khắc phục, xử lý được 8 dự án, còn 4 dự án vẫn đang phải tiếp tục xử lý…

"Chúng ta vừa phải chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài, vừa chống đỡ, khắc phục những khó khăn, vấn đề nội tại, vừa phải phòng, chống tham nhũng; song nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách đều được kiểm soát tốt, bảo đảm an toàn, dưới ngưỡng quy định", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, trong ba động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu thì xuất khẩu phụ thuộc nhiều bởi thị trường bên ngoài. Do đó, cùng với tiếp tục tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để khắc phục, chúng ta phải kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy đầu tư công.

"Thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư công là hai trong ba động lực mà chúng ta chủ động được, không phụ thuộc nhiều từ bên ngoài", Thủ tướng lưu ý.

Thông qua đầu tư công sẽ đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, từ đó, kích hoạt các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển, tạo việc làm và sinh kế cho người dân.

Để thúc đẩy đầu tư công, các bộ, ngành phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; sớm phê duyệt các dự án; giải phóng mặt bằng phải tích cực; tổ chức thi công khẩn trương, "3 ca 4 kíp"; cấp phép mỏ, cung cấp đủ nguyên vật liệu xây dựng cho các nhà thầu.

VỐN, CƠ CHẾ ĐÃ CÓ, VẤN ĐỀ NẰM Ở KHÂU THỰC HIỆN

Do đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đầu tư công nói chung và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược nói riêng, bởi đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó, đô thị, dịch vụ phát triển đến đó; không có đường thì không thể phát triển công nghiệp được.

"Nhà nước đã bố trí vốn, có các cơ chế, chính sách, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Như vậy, vấn đề thúc đẩy các công trình, dự án nằm ở khâu tổ chức thực hiện", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, nhân dân, với tinh thần quyết liệt, gương mẫu, tích cực, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ các vướng mắc, không được "quyền anh, quyền tôi"; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm… để thúc đẩy các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải phải bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tăng cường kiểm tra đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc sử dụng đất, đá, nguyên vật liệu phục vụ thi công.

Thủ tướng cũng lưu ý quá trình triển khai thực hiện các dự án phải đa dạng hóa các nguồn vốn; quan tâm giải quyết vướng mắc về cơ chế chính sách; giảm triệt để các thủ tục hành chính rườm rà, sách nhiễu; chống đùn đẩy trách nhiệm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

Các địa phương phải chủ động, linh hoạt, theo thẩm quyền xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu…

Đối với nhóm các dự án chưa được duyệt cần phải đẩy nhanh tiến độ thẩm định và duyệt. Các nhóm dự án đã duyệt phải đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tránh đội vốn.

Anh Tú

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chi-400-000-ty-dong-quyet-liet-thao-go-vuong-mac-hang-loat-du-an-giao-thong-trong-diem.htm