Chỉ 9% người Anh muốn cuộc sống quay lại như trước khi đại dịch bùng phát
Theo cuộc thăm dò mới đây của YouGov, chỉ có 9% người Anh muốn cuộc sống của họ trở lại bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn nữa, hơn một nửa số người được hỏi cho biết, họ muốn thay đổi cuộc sống cá nhân và của cả đất nước, dựa trên kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng hiện tại, Sky News đưa tin.
Chỉ 9% người Anh muốn cuộc sống trở lại trật tự bình thường như trước đây, sau khi chế độ tự cách ly kết thúc, Sky News cho biết dựa trên cuộc khảo sát do tổ chức nghiên cứu YouGov thực hiện.
Cuộc khảo sát của YouGov có sự tham gia của 4.343 người. Hơn một nửa số người được hỏi (54%) bày tỏ hy vọng rằng, dựa trên kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng hiện tại, họ sẽ thực hiện một số thay đổi không chỉ trong cuộc sống của chính mình, mà đất nước cũng sẽ thay đổi.
42% số người được hỏi nói rằng sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, họ bắt đầu coi trọng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác hơn, 38% bắt đầu tự nấu ăn nhiều hơn.
Ngoài ra, theo cuộc khảo sát, 61% người Anh hiện chi tiêu ít hơn và 51% cho rằng không khí trên đường phố đã trở nên sạch sẽ hơn. 27% tin rằng, đã có nhiều động vật hoang dã xuất hiện hơn.
40% số người được hỏi nhấn mạnh, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ý thức cộng đồng của người dân đã trở nên mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, 39% số người được hỏi cho biết, họ bắt đầu giao tiếp nhiều hơn với người thân và bạn bè.
Cuộc khảo sát được thực hiện theo yêu cầu của Hiệp hội Hoàng gia Anh (RSA) và The Food Foundation, nằm trong trong nỗ lực phát triển kế hoạch hành động nhằm đạt được sự bền vững hơn trong ngành nông nghiệp nước này.
Theo Matthew Taylor, Giám đốc RSA, cuộc khảo sát này cho thấy, người dân Anh ngày càng nhận thức được rằng sức khỏe của con người và sức khỏe của hành tinh là không thể tách rời, cũng như đã đến lúc thay đổi môi trường, xã hội và nền kinh tế, chính trị một cách triệt để.
Theo Bộ Y tế Anh, tính đến ngày 20/4, nước này đã ghi nhận 120.067 ca nhiễm với 16.060 ca tử vong. Anh tiếp tục là vùng dịch chết chóc thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Ý, Tây Ban Nha và Pháp.