'Chỉ bàn làm' để mỗi ngày xóa 500 nhà dột nát

Cả nước có khoảng 223.000 gia đình đang ở trong nhà tạm, nhà dột nát hoặc chưa có nhà ở. Từ nay đến cuối năm, cả nước phải tập trung xóa hơn 101.000 căn, bình quân mỗi ngày xóa 500 căn, mỗi tỉnh xóa 8 căn/ngày.

Niềm vui trong những ngôi nhà mới

Đã hơn 20 năm nay, gia đình anh Chang A Páo ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái phải ở trong ngôi nhà tạm xiêu vẹo, thiếu trước, hụt sau.

Bàn giao ngôi nhà ước mơ cho em Lý Quang Trung ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Bàn giao ngôi nhà ước mơ cho em Lý Quang Trung ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

"Những ngày mưa gió, bão bùng, cuộc sống khổ sở vô cùng, nhưng không có điều kiện nên không thể làm nhà. Năm nay may mắn, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp, chúng tôi đang cố gắng cho làm xong nhà mới trong tháng 4 này", anh Páo vui mừng chia sẻ.

Bản Lùng Cúng có 220 hộ dân, trong đó có 145 hộ nghèo, chiếm trên 67%. Năm 2025, bản được giao thực hiện xóa 8 nhà dột nát. Ngay sau khi có kế hoạch, bản đã chủ động rà soát các hộ, tổ chức bình xét đảm bảo công khai.

Trong khi đó, gia đình anh Lý A Vàng, bản Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã được Nhà nước hỗ trợ xây dựng và bàn giao nhà vào đầu năm 2025. "Được sống trong căn nhà mới, chúng tôi yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, đói nghèo cũng dần lùi xa", anh Vàng cho hay.

Bà Lương Thị Xuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, năm 2025, huyện ban hành kế hoạch xóa 771 nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 8 hộ gia đình người có công, 706 hộ nghèo, 57 hộ cận nghèo. Năm ngoái, huyện đã hỗ trợ xóa được 604 nhà dột nát, tăng 237 căn so với năm 2023, với tổng trị giá trên 49 tỷ đồng.

Nhiều tỉnh phấn đấu cán đích trước 30/6

Theo bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành hỗ trợ làm mới, sửa chữa 2.208 căn nhà với tổng kinh phí dự kiến trên 120 tỷ đồng.

Ngôi nhà của anh Lý A Vàng ở bản Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ngôi nhà của anh Lý A Vàng ở bản Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang trong giai đoạn hoàn thiện.

"Đến nay, toàn tỉnh đã khởi công 2.174 căn, đạt 98,4%, trong đó có 830 nhà đã hoàn thành. Như vậy, còn 34 nhà chưa khởi công. Với tiến độ như hiện nay, tỉnh dự kiến mục tiêu xóa nhà dột nát sẽ hoàn thành 100% trước ngày 30/6.

Tương tự, tại Bắc Giang, quyết tâm đưa chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát về đích trước ngày 30/6 cũng được các cấp chính quyền địa phương này khẩn trương thực hiện.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang, năm 2025, tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở là 813 hộ, trong đó có 477 hộ xây mới, 336 hộ sửa chữa. Đến tháng 4, toàn tỉnh đã có 511 hộ khởi công, đạt 62,8%.

Theo ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh khẩn trương tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần sửa chữa, xây mới trên địa bàn.

"Tỉnh phấn đấu trong tháng 6/2025 hoàn thành xong việc bàn giao nhà cho các đối tượng đủ điều kiện. Tinh thần là chỉ bàn làm, không bàn lùi, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng", ông Mai Sơn khẳng định.

Mệnh lệnh từ trái tim

Tại Đồng Nai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của các mạnh thường quân, nhiều ngôi nhà khang trang đã mọc lên, thay thế cho những nhà tạm, nhà dột nát. Thực tế, có đến những miền quê như Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu… nơi có những xóm nhỏ ven sông, dọc bìa rừng mới cảm nhận hết sự đổi thay.

Đồng Nai khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát ở huyện Vĩnh Cửu.

Đồng Nai khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát ở huyện Vĩnh Cửu.

Anh Hoàng Dũng, ngụ tại huyện Định Quán, từng sống trong một căn nhà lụp xụp, trống trước hở sau. Sau một vụ tai nạn giao thông dẫn đến mất sức lao động, anh chỉ có thể nhận làm những công việc nhẹ nhàng để nuôi con. Căn nhà cũ chắp vá, mưa dột, nắng hắt từng ngày là nỗi lo canh cánh suốt nhiều năm.

"Tôi chưa từng dám mơ đến chuyện sửa nhà, chỉ mong đủ cơm ăn qua ngày", anh Dũng kể.

Thế rồi, cuối năm 2024, anh may mắn được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây tặng căn nhà mới. Dù đã dọn về sinh sống một thời gian, anh vẫn ngỡ là mơ, bởi chưa từng nghĩ sẽ có ngày được sống trong một mái nhà khang trang đến vậy.

"Giờ có nhà vững chãi, nắng không sợ nóng, mưa không lo dột, tôi yên tâm làm lụng để lo cho con học hành, mong cháu có tương lai tươi sáng hơn", anh Dũng xúc động chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Hoàng Tâm, một người dân tại huyện Vĩnh Cửu cũng từng phải sống tạm bợ trong căn nhà gỗ che chắn bằng mảnh ván. Nhờ được hỗ trợ 80 triệu đồng từ các mạnh thường quân và chính quyền địa phương, anh đã dựng được căn nhà mới khang trang.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã xây mới, sửa chữa hơn 1.100 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Đức cho rằng, những ngôi nhà không chỉ đơn thuần là chỗ ở mà còn là nền tảng vững chắc để người dân an tâm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều căn nhà tạm bợ, dột nát đang chờ được thay thế. Vì thế, Đồng Nai đã phát động phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát". Chỉ tính riêng đợt vận động đầu tháng 4, tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm triệu đồng. "Xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo mệnh lệnh từ trái tim", ông Đức nói.

Bà Tô Thị Bích Châu, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Các địa phương cam kết hoàn thành trước quý III

Ngay khi Thủ tướng phát động chương trình vào tháng 4/2024, MTTQ Việt Nam đã khẩn trương phối hợp cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai.

Hiện nay, không chỉ các địa phương đang vào cuộc quyết liệt và linh hoạt mà các tổ chức chính trị - xã hội cũng hào hứng tham gia.

Tinh thần "lá lành đùm lá rách" còn được nâng lên ở quy mô tỉnh/thành khi Chính phủ tạo cơ chế mở, cho phép địa phương hoàn thành sớm có thể dùng ngân sách của mình để hỗ trợ các tỉnh còn khó khăn. Nếu chỉ trông chờ vào vận động xã hội thì khó đạt được quy mô như hiện nay.

Riêng với MTTQ, chúng tôi đang tiếp nhận nguồn lực từ các nhà tài trợ qua hai hình thức chuyển về Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương hoặc Quỹ cấp tỉnh, tùy theo nơi nhà tài trợ đăng ký. Tất cả đều được sử dụng đúng mục đích xóa nhà tạm.

Để đảm bảo minh bạch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu mở tài khoản riêng cho chương trình, tách biệt với các hoạt động khác, nhằm dễ theo dõi, chi tiêu minh bạch và hiệu quả hơn; phối hợp với các bộ, ngành giám sát chặt chẽ.

Dự kiến, trong quý II/2025, sẽ có thêm 20 địa phương hoàn thành và các địa phương còn lại cam kết hoàn thành trước quý III/2025...

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy định nguồn vốn đối ứng. Để có nguồn vốn đối ứng, địa phương phải xã hội hóa, vận động các nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong khi đây là vấn đề rất không dễ dàng.

Thoa Thắng

Tuệ Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/chi-ban-lam-de-moi-ngay-xoa-500-nha-dot-nat-192250501110500763.htm