Chi bộ tôi đã học tập cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư như thế nào?
Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách 'Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh'.
Cuốn sách thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nội dung những chỉ đạo này được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với một cuốn sách có nội dung sâu sắc và phong phú như vậy thì việc lựa chọn chủ đề để tổ chức cho đảng viên trong chi bộ sinh hoạt chuyên đề là rất khó. Bởi vì, nếu không chặt chẽ sẽ trở thành hình thức sáo rỗng, học tập mà thực chất chẳng học được gì vì nội dung cuốn sách đề cập sâu, rộng và quá nhiều lượng tri thức cho một buổi sinh hoạt chi bộ.
Sau khi tìm đọc và phân tích, chúng tôi đã lựa chọn bài báo “Bệnh sợ trách nhiệm” được chọn lọc và đăng trong cuốn sách, làm chủ đề cho một buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề trong tháng.
“Bệnh sợ trách nhiệm” là một bài báo đã được đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973; bút danh Người xây dựng.
Đây là một bài báo mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết khi còn là một Biên tập viên Tạp chí Cộng Sản. Lúc đó, đồng chí mới chỉ là một phóng viên, biên tập viên còn rất trẻ, tuổi đời chưa đến 30 tuổi và tuổi nghề cũng chưa nhiều.
Cách nhìn nhận về một vấn đề có nội dung rất rõ ràng phản ánh một thực trạng giai đoạn đó, với cách viết chính luận mang rõ phong cách của một nhà chính luận sắc bén với những lập luận chắc chắn, luận chứng luận cứ mang giá trị thực tiễn cao. Mỗi luận điểm rõ ràng, rành mạch và có sức thuyết phục tạo nên một tác phẩm chính luận hoàn chỉnh, đầy uy lực vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày hôm nay. Bài báo viết:
“Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên ta còn có những đồng chí sợ trách nhiệm.
Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ”. (Trích bài báo)
Bài báo chỉ rõ đối tượng và nhận diện căn bệnh “Sợ trách nhiệm” rất rõ ràng. Cho đến thời điểm hiện nay, những biểu hiện của căn bênh này có thể tinh vi hơn, nhưng về cơ bản, nó đã được tác giả bài báo chỉ ra rất rõ từ năm mươi năm trước. Căn bệnh này có lẽ vẫn còn hoành hành trong cán bộ công chức viên chức phục vụ Đảng và nhân dân nếu không sớm được nhận diện và có thuốc để loại bỏ.
“Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động.
Trước những công việc mới cần có ý kiến của cấp trên thì chỉ xin ý kiến rồi ngồi chờ, không chủ động tìm tòi và kiến nghị cách giải quyết cho kịp thời. Đối với những việc đã có chủ trương rõ ràng rồi cũng vẫn muốn chờ sự hướng dẫn thật chi tiết của cấp trên rồi mới làm, chứ không mạnh dạn quyết định các kế hoạch, biện pháp tích cực để thực hiện cho nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hay đơn vị mình.
Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể. Đối với những công việc cụ thể thuộc phạm vi giải quyết của chính mình, đúng với chức trách và quyền hạn của mình, người sợ trách nhiệm vẫn không dám mạnh dạn giải quyết, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể bàn, chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”.
Có những đồng chí khi đưa ra tập thể bàn định một công việc do chính mình phụ trách cũng chỉ nêu vấn đề, nêu thắc mắc chung chung, chứ không đề ra kiến nghị cụ thể, không nói rõ ý kiến riêng của mình về việc đó.
Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Lấy cớ phải có tác phong “thận trọng, chín chắn”, phải “giữ gìn đoàn kết”, các đồng chí đó không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để tránh “sự hiểu lầm” của cấp trên, người sợ trách nhiệm không mạnh dạn phát biểu ý kiến và nêu đề nghị cụ thể của mình với cấp trên, người khi thấy có việc chưa hợp lý hoặc chủ trương chưa sát cần sửa đổi. Và để giữ “quan hệ tốt” với cấp dưới, các đồng chí đó cũng bỏ qua hoặc chỉ nhận xét nhẹ nhàng, khéo léo khi thấy cấp dưới làm sai hoặc báo cáo sai sự thật, không nghiêm khắc phê bình và kiên quyết yêu cầu sửa chữa đến nơi, đến chốn.
Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”.
Bài báo của đồng chí Tổng Bí thư cũng đã phân tích và lý giải rất rõ ràng nguyên nhân và tác hại của căn bệnh sợ trách nhiệm. Chỉ cần mỗi đảng viên đọc, phân tích, hiểu và áp dụng nó trong công việc thì căn bệnh đó có thể sẽ được đẩy lùi dẫn đến chấm dứt.
“Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó ngại phiền”.
Những liều thuốc mà bài báo chỉ ra để chấm dứt tiến tới trị dứt điểm căn bệnh sợ trách nhiệm cũng khá cụ thể và có thể áp dụng ngay lập tức vào thực tiễn của giai đoạn hiện nay. Đó là:
“Nhanh chóng khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc của cán bộ, đảng viên - nhất là những cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý - là một việc có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động của các ngành, các cấp, bảo đảm hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chính trị trước mắt, nâng cao phẩm chất và năng lực cán bộ, thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cán bộ trong giai đoạn mới. Việc đó trước hết đòi hỏi sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng đòi hỏi các tổ chức đảng và Nhà nước cải tiến công tác, phân rõ chức trách, nhiệm vụ của tập thể, của cá nhân, làm tốt việc tổng kết công tác, căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ cụ thể giao cho từng người mà biểu dương người làm tốt, phê phán người làm không tốt, có quan niệm đúng, thái độ đúng trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ”.
Các đảng viên trong chi bộ chúng tôi đã thảo luận rất tích cực. Mỗi người đều đưa ra được những phân tích và lý giải của căn bênh sợ trách nhiệm đang tiềm ẩn đâu đó trong mỗi cán bộ đảng viên, mỗi vị trí việc làm của từng người.
Đặc biệt, mỗi đồng chí trong chi bộ đều tự liên hệ với những công việc cụ thể mà mình được giao, hiện mình đang làm và giữ trọng trách giải quyết. Câu hỏi đặt ra là: Bệnh sợ trách nhiệm có đang tồn tại và hoành hành trong hệ thống của chi bộ, đảng bộ… chúng ta và trong mỗi cán bộ đảng viên không?
Các ý kiến thảo luận đều đã thẳng thắn chỉ rõ. Một giảng viên có thể chỉ vì sợ trách nhiệm mà không dám nêu ý kiến đổi mới chương trình giảng dạy, đổi mới phương pháp tiếp cận nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy. Một cán bộ quản lý vì sợ trách nhiệm mà không dám ký duyệt để sinh viên có được những công trình sáng tạo khiến các em cứ mãi theo lối mòn xưa cũ, trong khi xã hội và thực tiễn đang phát triển và thay đổi từng ngày. Một sinh viên vì sợ trách nhiệm mà không dám xung phong nhận những công việc của Đoàn, của lớp vì một tập thể sinh viên năng động sáng tạo.
Một đảng viên khi về sinh hoạt hai chiều tại cơ sở vì ngại va chạm và sợ trách nhiệm mà bỏ qua những đóng góp thiết thực với cơ sở, không dám đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lợi ích của một vài người tham lam, vụ lợi trong khu dân cư mình sinh sống…Tất cả đều được liên hệ và chỉ rõ tác hại của bệnh sợ trách nhiệm.
Căn bệnh vẫn đang đe dọa và có nguy cơ tiếp tục hoành hành nếu không nhận diện và loại bỏ nó. Bệnh sợ trách nhiệm ngăn cản sự sáng tạo và phát triển.
Buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ chúng tôi càng sôi nổi khi mà những sự liên hệ bản thân trung thực và thẳng thắn đã nêu được tác hại của bện sợ trách nhiệm của từng đồng chí đảng viên trong chi bộ. Thật là một buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề phong phú và có giá trị thực tiễn cao. Xin cảm ơm bài báo của đồng chí Tổng Bí thư đã gợi mở một vấn đề lớn.
Bài báo của đồng chí Tổng Bí thư đã từ rất sớm nhìn ra những vấn đề mang tính lâu dài và tính quyết định trong việc đổi mới và xây dựng một chiến lược phát triển con người cho Đảng./.