Chỉ cần ngân hàng tin tưởng, chúng tôi sẽ dựng lại cơ nghiệp…

Có mặt tại Bến Giang, xã Tân An, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) chỉ vài ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua, đoàn công tác của NHNN do Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú dẫn đầu không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh hoang tàn của những lồng bè lênh đênh trên biển. Toàn bộ bè nuôi hải sản không bè nào còn lành lặn. Hải sản nuôi trôi mất hoặc chết ngay trong lồng. Theo thống kê sơ bộ tính đến ngày 9/9, thị xã Quảng Yên có hơn 200 cơ sở nuôi bè bị mất trắng với tổng thiệt hại hơn 4.000 tấn, chủ yếu hàu và hà.

Cơn bão cuốn trôi tất cả

Thị xã Quảng Yên có bờ biển chạy dài hơn 30km với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nhiều cửa sông, bãi triều và vùng biển nằm trong vịnh kín cũng là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản có giá trị cao. Trong những năm qua, xác định kinh tế biển là trọng yếu, trong đó có nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, góp phần bảo vệ môi trường biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân ở địa phương, thị xã Quảng Yên đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực phát triển kinh tế biển bền vững. Hiện thị xã Quảng Yên có 6.468 ha đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản. Những lồng bè thủy sản đã đem lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho bà con nơi đây. Thế nhưng, cơn bão lịch sử đổ bộ với cường độ quá mạnh đã cuốn trôi tài sản tích góp nhiều năm của bà con.

Đưa tay gạt nước mắt, chị Ngô Thị Thúy - Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An cho biết, những ngày này bà con Tân An gặp nhau là ôm nhau và khóc, chỉ biết tự an ủi rằng “còn người là còn của”. Bão qua đi, mọi người sẽ tiếp tục công việc của mình, tiếp tục gắn bó với biển để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. “Nhưng làm sao mà không đau đớn, xót xa được. Giờ đây chúng tôi không biết xoay xở thế nào vì mọi tài sản đã bị dòng nước cuốn trôi”, chị Thúy nghẹn ngào nói. Đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang, thiệt hại của gia đình chị Thúy lên tới 12 tỷ đồng. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng. Chị Thúy chia sẻ, gia đình vay Agribank trên địa bàn 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. “Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Thúy bày tỏ.

Cũng mất trắng tài sản do bão số 3, ông Vũ Văn Cường, Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên không kìm nổi nước mắt khi nhìn những gì còn sót lại sau cơn bão chỉ là những mảnh vỡ ngổn ngang của bè cá. “Còn gì nữa đâu, 3 bè cá của gia đình tôi thiệt hại gần 14 tỷ đồng, có những nhà bên cạnh thiệt hại 20, 30 tỷ đồng. Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại”, ông Cường bày tỏ.

Theo chia sẻ của người dân, dù biết rằng cơn bão sắp đổ bộ, cũng làm đủ mọi biện pháp để chống đỡ, nhưng đứng trước mẹ thiên nhiên, sức người vô cùng nhỏ bé, những hộ dân tại đây đành nhìn tài sản trôi theo dòng nước.

Ông Vũ Văn Cường, Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên chia sẻ với đoàn công tác của NHNN

Ông Vũ Văn Cường, Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên chia sẻ với đoàn công tác của NHNN

Ngân hàng sẽ đồng hành cùng người dân vực dậy sau bão

Chứng kiến những tổn thất nặng nề của các hộ nuôi trồng thủy sản tại Quảng Yên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú động viên các hộ dân nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, vực lại tinh thần để vượt qua giai đoạn này. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, Phó Thống đốc Thường trực NHNN khẳng định: NHNN đã chỉ đạo NHTM triển khai những chính sách hỗ trợ phù hợp như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi… để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp vay vốn. Đặc biệt, những ngày sau bão, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, giúp người dân có nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, từng bước ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.

NHNN cũng đã giao NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo, giám sát việc triển khai chính sách này tại địa bàn của mình, đảm bảo chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống. “Hậu quả của bão số 3 là rất lớn. Rất nhiều doanh nghiệp, bà con là khách hàng của các ngân hàng mất trắng tài sản, không có khả năng trả nợ, và trước mắt cũng không có nguồn nào bù đắp. Chính vì thế, đây là một vấn đề rất lớn đặt ra đối với trách nhiệm của ngành Ngân hàng. Do đó, các NHTM cần có chính sách kịp thời, phù hợp, giải quyết vấn đề trước mắt và cả về lâu dài để người dân ổn định và hồi phục sau cơn bão”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp, nông thôn, ông Đoàn Ngọc Lưu - Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, trước mắt ngân hàng đã chỉ đạo các chi nhánh gấp rút thống kê tình hình khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay theo Nghị định 55, cơ cấu lại dư nợ bị ảnh hưởng, giảm lãi suất, cho vay mới, khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh… Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với chính quyền, hỗ trợ người dân tại địa phương, sử dụng quỹ an sinh kịp thời, góp phần khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 để lại.

Ông Lưu cho biết, trong thời gian tới Agribank sẽ tiếp tục chủ động bám sát, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình, ổn định hoạt động kinh doanh, hỗ trợ tối đa khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, đặc biệt khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Phía ngân hàng cũng đề nghị NHNN xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ đối với các TCTD có khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; cho phép các TCTD đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng, trường hợp cần thiết, báo cáo NHNN xem xét, cho phép TCTD được điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2024 phù hợp tình hình thực tế để hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp.

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chi-can-ngan-hang-tin-tuong-chung-toi-se-dung-lai-co-nghiep-155510.html