Chỉ có 100 triệu, cặp vợ chồng liều mình vay nợ mua nhà... và cái kết bất ngờ
Hành trình mua nhà của cặp đôi không chỉ toàn màu hồng.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động liên tục, nhiều người trẻ vẫn tin rằng “có nhà” là một mục tiêu xa vời – đặc biệt khi xuất phát điểm chỉ có vài chục hay trăm triệu đồng. Thế nhưng, hành trình dưới đây của một cặp vợ chồng tại Hà Nội lại cho thấy điều ngược lại: Với sự quyết tâm, tính toán cẩn thận và một chút “liều”, việc sở hữu tổ ấm riêng hoàn toàn khả thi.
“Vợ chồng mình đã mua nhà từ 100 triệu bằng cách nào?” – người vợ chia sẻ.
"Trước kia, lương hai vợ chồng mình đều thấp. Ở Hà Nội, với tổng thu nhập chỉ khoảng 12 triệu đồng/tháng vào năm 2014, vợ chồng mình đã tiết kiệm được 100 triệu. Khi bày tỏ mong muốn mua nhà, gia đình bên nội đồng ý hỗ trợ thêm hơn 500 triệu đồng. Vợ chồng mình sau đó vay thêm từ nhà ngoại để mua một căn chung cư trị giá 1 tỷ đồng.
Lúc đó nội thất chỉ làm tạm, có tiền đến đâu làm đến đó. Bà ngoại còn cho thêm một số đồ như tủ, bếp… Tính gộp vào cũng khoảng 100 triệu.
Lương vợ chồng mình tăng dần theo thời gian. Khoản nợ 300 triệu (bao gồm cả tiền mặt và vài cây vàng) cũng dần được trả hết. Đến năm 2023, sau khi trả xong nợ, vợ chồng mình để dành được 1 tỷ. Lúc đó, tổng thu nhập trung bình mỗi tháng rơi vào khoảng 47–55 triệu đồng.
Gần cuối năm 2023, mình bán căn chung cư đã ở được 10 năm, thu về 1 tỷ 400 triệu đồng. Vợ chồng mình quyết định tìm mua nhà đất với mức tài chính hơn 3 tỷ đồng. Có tính toán vay thêm từ người thân khoảng hơn 1 tỷ nữa.
Thời điểm đó, giá nhà đất và căn hộ đều bắt đầu tăng mạnh. Nếu nghe lời khuyên của nhiều người xung quanh, thậm chí cả người thân, thì có thể vợ chồng mình đã không dám mua. Ai cũng lo: nhà đất khó tìm hơn chung cư, còn phải xem hạn mức tài chính, hướng nhà, diện tích, đường ngõ nông hay sâu, nhà dân xây hay chủ đầu tư xây, pháp lý có ổn không, rồi còn yếu tố tâm linh…
Có người tìm nhà mất cả năm, nhưng vợ chồng mình chỉ mất khoảng hai tháng. Có thể gọi là duyên. Tháng thứ ba, giá nhà đã khác hẳn – vì đã qua Tết, mọi thứ tăng chóng mặt.
Cuối cùng, vợ chồng mình mua được căn nhà gần 3 tỷ 900 triệu đồng, diện tích 30m². Nợ vào khoảng hơn 1 tỷ đồng, hiện vừa ở vừa dành dụm làm nội thất, đồng thời tiếp tục trả nợ từng tháng.
Kết luận: Muốn có nhà phải liều và quyết đoán".

Vợ chồng này mua nhà từ số vốn 100 triệu. Ảnh minh họa
Bài đăng đã thu hút được nhiều quan tâm từ cư dân mạng. Phần lớn đều bày tỏ sự ngưỡng mộ với hành trình của cặp đôi này.
- “Ngưỡng mộ sự kiên trì và quyết đoán của hai vợ chồng. 100 triệu ban đầu mà mua được nhà đất gần 4 tỷ, đúng là biết tính toán và dám làm.”
- “Câu chuyện quá truyền cảm hứng. Mình cũng đang tiết kiệm, mới được 80 triệu thôi, đọc xong lại có thêm động lực.”
- “Mình cũng đang do dự vì không biết có nên vay thêm tiền mua nhà hay không. Đọc xong bài này thấy rõ: không liều thì chẳng bao giờ mua nổi.”
- “Quan trọng nhất là dám xuống tiền đúng lúc. Thị trường mà đã lên là chẳng đuổi kịp. Vợ chồng chị quá tỉnh táo.”
- “Mình từng lỡ mất một căn vì chần chừ, sau 3 tháng giá tăng 300 triệu. Giờ đọc bài này chỉ biết thở dài tiếc nuối.”
Tính toán tài chính mua nhà: Không chỉ là chuyện tiền, mà là bài toán của chiến lược và quyết tâm
Câu chuyện của cặp vợ chồng trên không chỉ truyền cảm hứng mà còn đặt ra một bài học lớn: Tài chính cần được tính toán kỹ càng – không chỉ để mua được nhà, mà còn để sống ổn sau đó.
Dưới đây là một số gợi ý thực tế nếu bạn đang trên hành trình tìm kiếm tổ ấm của riêng mình:
1. Đánh giá tổng lực tài chính trước khi bắt đầu
Liệt kê rõ các khoản tiền hiện có, khả năng tiết kiệm hàng tháng, nguồn vay từ người thân hoặc ngân hàng. Đảm bảo rằng kế hoạch vay và trả nợ phù hợp với khả năng tài chính để không rơi vào căng thẳng kéo dài.
2. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ gia đình
Nếu có sự hậu thuẫn từ bố mẹ hai bên – dù là tiền mặt hay vật dụng như nội thất – hãy xem đó là một phần trong “vốn khởi nghiệp” quan trọng.

Hãy tính toán kỹ càng trước khi xuống tiền mua nhà. Ảnh minh họa
3. Mua nhà theo khả năng, không chạy theo diện tích lớn
Căn nhà có diện tích nhỏ, vị trí hơi xa trung tâm có thể là điểm khởi đầu hợp lý. Quan trọng là pháp lý rõ ràng và phù hợp với dòng tiền hiện tại.
4. Ra quyết định kịp thời
Thị trường thay đổi nhanh, do đó, nếu đã tìm hiểu kỹ và căn nhà phù hợp xuất hiện, đừng do dự quá lâu. Đôi khi “nghe nhiều” lại khiến bạn bỏ lỡ cơ hội trong tầm tay.
5. Chuẩn bị cho giai đoạn sống tối giản
Trả nợ đồng nghĩa với việc cần cắt giảm nhiều khoản chi không cần thiết. Hãy chuẩn bị tinh thần sống tiết kiệm trong vài năm để đổi lại sự an tâm lâu dài về chỗ ở.